Nỗ lực tổ chức kỳ SEA Games 31 thành công, an toàn và sòng phẳng - Thời sự 11g00 30/1/2022

(VOH) - Năm 2021, trong tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thể thao Việt Nam nhiều tháng liền “đóng băng”.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng như Futsal Việt Nam tranh tài Vòng chung kết World Cup, tuyển bóng đá quốc gia lập kỳ tích lịch sử vào vòng loại cuối World Cup 2022, tham gia tranh tài ở Olympic 2020, đoạt Huy chương bạc tại Paralympic 2020… Các Liên đoàn, bộ môn cũng nỗ lực tổ chức nhiều giải đấu rà soát lực lượng cuối năm.

Bên cạnh đó, mặc dù SEA Games 31 phải dời lại sang tháng 5-2022, nhưng chủ nhà Việt Nam đã và vẫn đang khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, xây dựng các phương án tối ưu liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu đối với từng môn thể thao trong hệ thống thi đấu chính thức của giải. Phóng viên Hoàng Lĩnh đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao, chia sẻ về những thách thức, nỗ lực vượt khó của ngành, cũng như công tác chuẩn bị cho một trong những kỳ SEA Games đặc biệt nhất lịch sử. Mời quý vị cùng nghe.

*VOH: Thưa ông, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung, do ảnh hưởng của dịch của Covid-19, thể thao Việt Nam gặp nhiều khó khăn chưa từng có. Nhiều hoạt động đình trệ, hoãn hoặc hủy. Nhưng mà chúng ta vẫn có những điểm sáng tích cực. Ông chia sẻ thêm về những thách thức và nỗ lực của thao Việt Nam trong một năm đặc biệt khó khăn như vừa qua?

Ông Trần Đức Phấn: Trong một năm, toàn ngành gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch, các hoạt động về những sự kiện thể thao lớn đều hoãn, hủy, không thể tổ chức được. Đặc biệt là SEA Games 31 phải xin Chính phủ, Bộ Chính trị để dời sang năm 2022. Thể thao Việt Nam cũng phải thích ứng linh hoạt. Với những điều kiện khó khăn đó, chúng ta cũng đã tổ chức và biên soạn nhiều hệ thống bài tập với khẩu hiệu là “Cả nhà tập ngay, đánh bay Covid”, giới thiệu trên các hệ thống phương tiện truyền thông, giúp cho người dân ở mọi lứa tuổi, mọi điều kiện có thể ở nhà tập luyện để nâng cao sức khỏe.

Tình hình dịch bệnh như vậy cho nên chúng ta tập trung vào thể chế, xây dựng các hệ thống văn bản, xây dựng được chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Ngoài ra thì còn số các văn bản quy định pháp luật nữa thì ngành cũng đã tích cực triển khai. Chúng ta tổng kết một số các nội dung liên quan đến sự phát triển của ngành.

Về thể thao thành tích cao, SEA Games chúng ta bị hoãn lại, các vận động viên các đội tuyển quốc gia không có tham dự được các giải đấu quốc tế cũng như các giải đấu trong nước hầu như là bị hoãn, hủy và điều chỉnh kế hoạch. Trong điều kiện mà không được đi tập huấn, không được đi thi đấu thì chúng ta đã xây dựng, tổ chức các giải đấu nội bộ, giải đấu tuyển chọn để giúp cho các vận động viên không bị căng thẳng về mặt tâm lý cũng như là bị sức ì về mặt tâm lý. Còn lại những cái giải đấu quốc tế cũng như giải đấu trong nước chúng ta có thể tổ chức được thì chúng ta đã tiến hành. Khi dịch bệnh lắng xuống một chút thì chúng ta cũng đã tổ chức một loạt các giải đấu vào cuối năm 2021 vừa qua.

*VOH: Như ông nói thì một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm của Việt Nam là đăng cai SEA Games 31 do dịch Covid 19 thì phải dời lại đến tháng 5/2022. Như vậy thì đến thời điểm này ông cho biết là chúng ta đã và đang tích cực chuẩn bị cho SEA Games 31 với vai trò chủ nhà thì tiến độ như thế nào? Và đặc biệt là giải pháp khắc phục khó khăn để đảm bảo cho một kỳ đại hội thành công?

Ông Trần Đức Phấn: Với cái thực tế hiện nay có thể nói là chúng ta gặp rất nhiều những khó khăn. Về công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games chúng ta cũng đã chuẩn bị từ lâu rồi. Tuy nhiên thì do đại dịch bùng phát ngay từ đầu năm 2020 cho đến nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt là tại địa điểm chính của SEA Games chính là Hà Nội. Thậm chí có những nhà thi đấu cũng phải lấy làm cái nơi thu dung bệnh nhân F0 để chữa trị. Do vậy, tiến độ chuẩn bị tổ chức SEA Games thì cũng bị chậm. Một loạt cơ sở vật chất kỹ thuật, liên quan đến cái việc mà chúng ta phải sửa chữa, nâng cấp rồi mua sắm trang thiết bị thêm để bổ sung vào thì cũng bị chậm. Tuy nhiên thì với quyết tâm cao của Hà Nội cũng như các địa phương thì gần như cơ sở vật chất để thi đấu cho SEA Games 31, cơ bản có sự cam kết là đầu tháng 3 này sẽ hoàn thành toàn bộ. Bên cạnh đó thì Ban tổ chức cũng đã chuẩn bị một kế hoạch, deadline cho từng ngày một, đẩy tiến độ một cách cực kỳ khẩn trương.

Một trong những cái khó khăn là công tác tuyển chọn lực lượng tình nguyện viên, số lượng rất nhiều. Hầu như các trường đại học khu vực phía Bắc và đặc biệt là khu vực Hà Nội thì chưa cho sinh viên đi học lại. Hiện nay chúng tôi tiếp cận với nhà trường để làm việc và xây dựng kế hoạch để tuyển chọn các tình nguyện viên. Nhưng cái khó khăn nhất là những nội dung liên quan đến việc mua sắm phải đấu thầu, vì trong nước hoàn toàn không có. Song với quyết tâm của các bộ phận chuyên môn thì chúng ta sẽ cố gắng có thể tổ chức một kỳ SEA Games trong tình hình mới, tình hình có dịch đảm bảo an toàn cho mọi người.

*VOH: Với rất nhiều những cái khó khăn như ông vừa kể thì thấy là ngành thể thao đang hết sức nỗ lực trong một kỳ SEA Games thành công. Như vậy thì mục tiêu, yêu cầu mà thể thao Việt Nam đặt ra ở kỳ SEA Games 31 sắp tới là như thế nào, thưa ông, cả về chuyên môn lẫn vai trò chủ nhà?

Ông Trần Đức Phấn: Vai trò là nước chủ nhà thì chúng ta phải tổ chức một đại hội thành công. Toàn ngành cũng phải nỗ lực cùng phối hợp với các tiểu bang của các bộ, ngành khác thì Tiểu ban Y tế, Tiểu ban giao thông, Tiểu ban an ninh, thông tin truyền thông… để chúng ta có thể tổ chức một kỳ SEA Games để làm hài lòng các bạn bè quốc tế đến tham dự với chúng ta. Vấn đề thứ hai là chúng ta phải chuẩn bị lực lượng vận động viên để chúng ta thi đấu có thành tích. Chúng ta sẽ phải tổ chức thi đấu một kỳ SEA Games hoàn toàn trong sạch về mặt chuyên môn, có nghĩa là chúng ta không sử dụng bất kỳ một kỹ thuật gì liên quan đến cái việc mà làm sai lệch đánh giá về mặt thành tích của các vận động viên, đặc biệt là các vận động viên của Việt Nam. Lần này là chúng ta tổ chức tất cả các môn thể thao với các nội dung của các môn thể thao đó. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đứng ra tổ chức chứ còn chưa có kỳ SEA Games nào mà tổ chức như thế. Chúng ta cũng sẵn sàng đón nhận một thách thức chính là thành tích của đoàn thể thao Việt Nam. Bởi vì là chúng ta không dùng cái kỹ thuật mạnh của mình đưa vào mà mạnh của họ thì mình bỏ ra. Vì thế cho nên cuộc đấu này sẽ rất sòng phẳng. Thành tích của thể thao Việt Nam sẽ không có hiện tượng là nước chủ nhà lúc nào cũng hơn cái quốc gia thứ hai mấy chục huy chương vàng. Và đây có thể là một kỳ SEA Games có sự cạnh tranh rất khốc liệt.

*VOH: Ngoài SEA Games 31 năm 2022, chúng ta còn những nhiệm vụ quan trọng khác. Trong bối cảnh được dự báo tiếp tục rất nhiều khó khăn thì ông cho biết thêm là ngành thể thao có giải pháp, kế hoạch để thích ứng linh hoạt như thế nào để có thể hoàn thành tốt mục tiêu đề ra?

Ông Trần Đức Phấn: Ngoài công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games thì còn hai nhiệm vụ rất trọng tâm của năm 2022. Sau SEA Games thì chúng ta lại tiếp tục chuẩn bị ngay lực lượng cho đoàn thể thao tham dự ASIAD vào tháng 9 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Đây là một trong những nhiệm vụ khá nặng. Chúng ta vẫn đang đặt ra một cái mục tiêu là phải có môn thể thao Olympic có huy chương vàng. Và trên cơ sở các kỳ ASIAD trước chúng ta có khoảng hơn ba chục huy chương bạc, huy chương đồng thì chúng ta quyết tâm đổi màu huy chương bạc, huy chương đồng đó trở thành cái huy chương vàng của thể thao Việt Nam lần này. Và năm 2022 sẽ tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc. Các địa phương đang tiến hành. Tuy nhiên, do đại dịch thì một số địa phương lại phải lùi thời gian tổ chức Đại hội thể dục thể thao các cấp. Thời gian nó cũng đang bị chậm lại một chút. Về phía Trung ương vẫn quyết tâm tổ chức vào tháng 11 tại Quảng Ninh và một số các đơn vị xung quanh Quảng Ninh tổ chức một số các môn thể thao khác.

*VOH: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lĩnh

Bình luận

Đọc Báo