Chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng – Thời sự 17g 03/09/2019

(VOH) – Sáng 3/9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp ứng phó với 2 áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự kiến trong vòng 2 ngày tới, 2 áp thấp nhiệt đới chưa có khả năng hình thành bão. Tuy nhiên, trong những ngày tiếp theo với bão đang xuất hiện ở vùng biển Philippines rất có thể tổ hợp này sẽ kết hợp thành bão. Theo dự báo hiện nay, các địa phương cần đặc biệt lưu ý mưa lớn của áp thấp nhiệt đới vừa đổ bộ vào đất liền. Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng  thủy văn nhận định: “Nhấn mạnh nhất là mưa, chuyển ra biển Đông, hoàn lưu bao trùm cả khu vực, rất có thể xảy ra”

Để ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp này, hiện đã có 19 tỉnh, thành phố đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai ứng phó và 10 tỉnh đã tổ chức cấm biển.

Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho  hơn 70.000 phương tiện với trên 312 ngàn người biết thông tin áp thấp nhiệt đới. Hiện có 111 tàu với 814 người hoạt động khu vực Quần đảo Hoàng Sa, các phương tiện đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm. Về tình hình đê điều, trên hệ thống đê điều có 237 vị trí trọng điểm xung yếu; 86 công trình đang thi công dở dang ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và 4 sự cố về đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện địa phương đã tổ chức xử lý các sự cố và tiếp tục theo dõi.

Về tình hình hồ chứa thủy điện: Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ có 20/111 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Tây Nguyên 9/67 hồ đang vận hành xả qua tràn. Các hồ vận hành bình thường theo đúng quy trình. Các hồ chứa thủy điện cắt lũ trên lưu vực sông Hồng ở mức thấp và đang tích nước trong thời kỳ tích lũ cuối vụ. Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết các hồ thủy lợi ở khu vực miền Trung hiện tại đang thấp, tại khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 40-60% dung tích thiết kế; khu vực Tây Nguyên ở mức 65-80% dung tích thiết kế. Trong khu vực có 104 hồ xung yếu. Tuy nhiên với lượng mưa lớn như dự báo đối với khu vực miền Trung thì có khả năng các hồ chứa thủy lợi nhỏ sẽ đầy nước và nhiều nguy cơ nên cần chú ý. Tổng cục Thủy lợi sẽ cử các đoàn công tác đi kiểm tra.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị trên tuyến biển cần chú ý tiếp tục theo dõi tình hình tàu thuyền, không được chủ quan, trong đó đặc biệt lưu ý các tàu vận tải nhỏ. Để ứng phó với diễn biến mưa lớn tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cần chỉ đạo quyết liệt sẵn sàng cho việc tiêu úng đồng thời khẩn trương tổ chức thu hoạch diện tích lúa còn lại. Đảm bảo công tác an toàn giao thông đặc biệt tuyến đường sắt Bắc Nam, đường mòn có khả năng bị chia cắt do lũ. Đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian khai giảng. Đối với khu vực miền núi, cần đồng loạt ra quân tổ chức lực lượng xung kích tại cơ sở rà soát các hộ gia đình, các khu vực vị trí nguy hiểm, các bọng nước nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương và các Bộ ngành nghiêm túc triển khai công điện số 15 ngày 02/9/2019 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần theo dõi sát tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới và mưa lũ để có thông tin, bản tin cảnh báo kịp thời. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: “Toàn bộ vùng nguy hiểm phải chú ý, công tác dự báo cần chú ý. Các lực lượng bám chặt để đảm bảo an toàn”

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý từ ngày 03 đến 06/9, mưa cục bộ lớn xảy ra tại khu vực Nam Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, khu vực có sông ngắn và dốc có thể khiến lũ lên nhanh, cần chú ý sẵn sàng phương án phòng chống lũ, sạt lở, lũ ống, lũ quét, tai biến địa chất. Kiểm tra, rà soát công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Tại Thừa Thiên Huế cần chú ý 03 hồ chứa lớn đặc biệt hồ Tả Trạch. Tại các địa phương cần huy động các lực lượng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè thu. Cơ quan phòng chống thiên tai các cấp tổ chức trực ban theo dõi tình hình, thông tin để kịp thời tham mưu chỉ đạo ứng phó.

Minh Tâm

Bình luận

Đọc Báo