Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đề cao tính nhân văn – Thời sự 17g 19/09/2019

(VOH) - Chiều 19/9, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì Hội thảo đóng góp cho Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tiếp tục góp ý cho các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới, chiều nay 19/9, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì Hội thảo đóng góp cho Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tại Hội thảo, các ý kiến đã thể hiện nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Luật được xây dựng với nhiều ưu điểm, đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.

Luật sư Trịnh Đức Duy, Đoàn Luật sư TPHCM góp ý thêm cho điều 11 quy định về phạm vi hoạt động của hòa giải viên: “Điều 11 hòa giải viên nơi họ có nguyện vọng làm việc. Nên quy định mỗi hòa giải viên chỉ được tham gia một cấp tòa thôi”.

Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định trong dự thảo Luật này là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Tòa án nhân dân tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành.

Ông Phùng Văn Hải, Chánh tòa Dân sự, Tòa án nhân dân TPHCM nêu một số kinh nghiệm thực tế: “Thực tế để tiến hành hòa giải ngoài đòi hỏi kĩ năng, kiến thức, phương pháp còn đòi hỏi kinh nghiệm thực tế của hòa giải viên. Kinh nghiệm thực tế là cái chính để tác động cho đương sự về giải quyết tranh chấp”.

Một vấn đề nữa phải xuyên suốt trong Dự thảo luật này đó là phải bám sát nguyên tắc tự nguyện của các bên trong hòa giải. Luật cũng quy định việc Tòa án phân công Hòa giải viên, Đối thoại viên để đảm bảo quyền của các bên lựa chọn hòa giải viên, đối thoại viên, đảm bảo tôn trọng sự tự nguyện cũng như ý chí của mỗi bên. Điều đáng lưu ý theo quy định trong Luật thì các phiên tòa hòa giải sẽ được miễn phí, tuy nhiên theo Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, Hội Luật gia TPHCM cần phải có mức phí tượng trưng để hoạt động hòa giải hiệu quả hơn: “Tôi thấy cần thu phí chứ không thể miễn phí. Nếu bỏ kinh phí nhà nước ra liệu có hợp lý không. Trong khi người dân có thể đóng góp khoản tiền nhỏ coi như là khoản tiền trách nhiệm”

Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, Luật hòa giải, đối thoại tại tòa khi đi vào cuộc sống sẽ góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai. Theo các Luật sư hòa giải thành, đối thoại thành công sẽ giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử.

Ngọc Phong

VOH

Bình luận

Đọc Báo