Kinh doanh khách sạn có nhượng quyền thương mại được không?

(VOH) - Kinh doanh ngành dịch vụ Khách sạn (không kinh doanh hàng hóa sản phẩm) thì có thể nhượng quyền thương mại được không?

Một độc giả có gửi email: Xin cho tôi hỏi, nhượng quyền thương mại là gì, pháp luật Việt Nam có qui định cho doanh nghiệp Việt Nam được nhượng quyền thương mại hay không? Tôi đang kinh doanh ngành dịch vụ khách sạn có nhượng quyền thương mại được không? (không sản xuất chế biến ra hàng hóa), thủ tục nhượng quyền thương mại cần những giấy tờ gì?

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Theo Luật thương mại 2005:

“Điều 284. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 08/2018/NĐ-CP hiện nay hàng hóa, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền thương mại không hạn chế. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo điều kiện đối với Bên nhượng quyền theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP:

“Điều 5. Điều kiện đối với Bên nhượng quyền

Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.”

Trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân dự kiến nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.

Thủ tục đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại được hướng dẫn bởi Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Mục 2 Thông tư 09/2006/TT-BTM:

II THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI

2. Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Bộ Thương mại bao gồm:

a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-1 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận trong trường hợp nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;

d)  Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;

đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;

3. Hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Sở Thương mại bao gồm:

a) Đơn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại theo mẫu MĐ-2 tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;

d) Bản sao có công chứng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ;

đ) Giấy tờ chứng minh sự chấp thuận về việc cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu trong trường hợp thương nhân đăng ký hoạt động nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp;

4. Trong trường hợp giấy tờ tại điểm b, điểm d, điểm đ khoản 2 và khoản 3 Mục này được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được công chứng bởi cơ quan công chứng trong nước. Trường hợp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài tại điểm c khoản 2 Mục này được thể hiện bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và được cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Xin cảm ơn luật sư.

>>>>  Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại Tư vấn pháp luật

>>>> Việt Kiều Về Nước Mở Nhà Hàng Nhỏ Kinh Doanh Cá Thể Được Không?

>>>> Hộ Kinh Doanh Doanh Thu Bao Nhiêu Được Miễn Đóng Thuế?

>>>> Cách Viết Số Tiền Bằng Chữ Trên Hóa Đơn Chứng Từ Kế Toán

>>>> Làm Quản Lý Nhà Hàng Có Phải Khám Sức Khỏe Định Kỳ ?

BT (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo