Tự hào “nơi đầu sóng” trong phòng chống dịch - Thời sự 5g30 18/6/2018

(VOH) - Viện Pasteur TPHCM là một trong những viện y tế dự phòng có chức năng nghiên cứu khoa học, phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo chuyên môn tuyến trước 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Là một trong những viện y tế dự phòng có chức năng nghiên cứu khoa học, phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo chuyên môn tuyến trước 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trải qua 127 năm hình thành và phát triển, Viện Pasteur TPHCM đã đạt được những thành tựu nổi bật, đặc biệt trong công tác xây dựng cơ sở, phát triển năng lực xét nghiệm y học, nghiên cứu ứng dụng khoa học trong việc cung cấp dịch vụ y tế dự phòng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Viện Pasteur TPHCM

Viện Pasteur TPHCM. Ảnh: Internet

Viện đã nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ sinh học vào phòng chống dịch bệnh, xây dựng được mạng lưới vệ sinh phòng dịch tại các tỉnh, thành phía Nam, phối hợp với các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng, các bệnh viện khu vực phía Nam khống chế thành công nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Năm 2015, Viện Pasteur TPHCM đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động, thành quả cho cả quá trình nỗ lực đi lên. Phóng viên VOH phỏng vấn PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM,

VOH: Được làm việc tại một đơn vị có bề dày truyền thống với những đóng góp rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu y học và cũng là đơn vị nhận danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 2015, ông chia sẽ cảm xúc cũng như tâm tư tình cảm của mình khi gắn bó tại đơn vị này với vai trò đầu tàu?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Phải nói khi vào Viện này cảm giác đây là đơn vị lớn, đơn vị có bề dày thành tích không phải chỉ của Khu vực phía Nam, của cả nước mà cũng như trong mạng lưới viện Viện Pasteur quốc tế. Ngay từ những ngày đầu, Viện Pasteur TPHCM đã thiết lập mạng lưới y tế dự phòng từ tuyến xã, phường, huyện, tỉnh đến trung ương, cùng với các sở y tế, trung tâm y tế dự phòng tạo thành thế phòng thủ vững chắc không để xâm nhập các tác nhân gây bệnh. Thứ hai nữa hoạt động y tế dự phòng luôn kiên trì công tác tiêm chủng, dự phòng là chính, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học, tìm ra các tác nhân gây bệnh tay chân miệng, giải mã trình tự các vắc xin cúm. Với cảm xúc như vậy, tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn lao hơn để kế thừa thành quả với tư cách thế hệ đi sau. Ý thức trách nhiệm của mình thời gian tới còn nặng nề để cùng toàn hệ thống giải quyết các vấn đề y tế công cộng.

VOH: Trong bối cảnh đi chống dịch vất vả như vậy, Phó Giáo sư nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Đối với lĩnh vực y tế dự phòng có 2 mảng dự phòng, thứ hai là mảng phát  hiện, đáp ứng dịch. Mảng đáp ứng dịch cũng rất vất vả khi đối mặt với các bệnh chưa rõ tác nhân các biện pháp kiểm soát dự phòng cho bản thân cũng như cộng đồng cũng rất khó khăn. Ví dụ như đại dịch cúm H1N1 năm 2009, khi các trường hợp mới xâm nhập được theo dõi trên toàn bộ đất nước, có trường hợp giám sát tại TPHCM, họ đi ra Thái Nguyên ngay trong đêm đó, cán bộ y tế dự phòng phải tìm bằng được cho ra người ấy nhưng cuối cùng không tìm ra được vì thông tin không thật. Dù thông tin thật hay không thật thì cán bộ y tế dự phòng cũng đầu sóng ngọn gió lăn xả thực tế.

Điểm thứ hai quan trọng hơn nhiều là công tác dự phòng, đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ sẽ có ngày mang lại hiệu quả cao như chương trình tiêm chủng mở rộng, chương trình giám sát các bệnh truyền nhiễm để giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong. Độ bao phủ vắc xin ngày càng cao sẽ chủ động phòng được các bệnh đã có vắc xin dự phòng

VOH: Với vai trò người đứng đầu cơ quan, ông có sự động viên, khích lệ như thế nào để họ cống hiến hết mình trong lĩnh vực phòng chống dịch?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Đối với mỗi con người đều có mục tiêu cuộc sống, ước mơ hoài bão của mình. Người bác sĩ khi đã chọn nghiệp dự phòng thì họ ý thức được trách nhiệm và khi chọn nghề họ quyết tâm theo đuổi nghề của mình đã chọn

VOH: Là chiếc nôi với bề dày thành tích trong công tác phòng chống dịch, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Viện Pasteur sẽ tập trung vào những điểm nổi bật như thế nào để hoàn thiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thưa ông?

PGS.TS Phan Trọng Lân: Đối với công tác y tế dự phòng là cả hệ thống, xây dựng cả tuyến phòng thủ chống dịch từ trung ương đến địa phương, mọi con người đều gắn kết với nhau nếu thủng một nơi để dịch xâm nhập thì rất khó khăn để phòng chống chung. Do vậy, phải đẩy mạnh hơn nữa mạng lưới làm thế nào dự phòng, phát hiện sớm, nâng cao năng lực xét nghiệm, đưa ứng dụng ngay thành tựu khoa học mang vào ngay để phục vụ cộng đồng. Đối với Viện Pasteur, Viện đẩy mạnh nghiên cứu thử nghiệm các loại vắc xin như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, viêm não do não mô cầu… Đây là vũ khí tốt nhất để người dân dù đi đâu cũng có thể phòng ngừa được bệnh./

VOH: Xin cảm ơn ông.
 

Nhất Hương 

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo