Ngã 5 Chuồng Chó - Dấu ấn xưa và nay - Thời sự 11g 11/3/2018

(VOH) - Ở gần trung tâm quận Gò Vấp có một khu vực mà khi nhắc đến tên gọi của nó, người dân các tỉnh khi mới đến thường rất lấy làm tò mò, thích thú - đó chính là địa danh Ngã 5 Chuồng Chó. 

Tò mò bởi lẽ không biết xuất phát từ đâu địa danh này được xuất hiện và lưu truyền lại cho đến tận hôm nay. Từ sự tò mò đó, nhiều người rất muốn một lần ghé qua để tìm hiểu câu chuyện và căn nguyên sâu xa của sự ra đời một tên gọi từ rất xưa đó. 

 Có lẽ ai cũng biết, nút giao thông chính nằm ở đường vào trung tâm quận Gò Vấp chính là Ngã 5 Chuồng Chó, nay trở thành Ngã 6, thuộc phường 3, quận Gò Vấp. Những người sống lâu năm ở đây cho biết, từ năm 1945, người Pháp cho xây dựng ở khu vực ngã 5 này một cơ sở nuôi chó để huấn luyện, phục vụ việc tuần tra và cảnh giới. Một thời, chó huấn luyện ở khu vực này được cung cấp trên toàn chiến trường Đông Dương để phục vụ chiến tranh. Tiếp trong giai đoạn sau đó, cơ sở này do quân đội Sài Gòn tiếp quản. Người Sài Gòn lúc đó khi đi qua đây đều nghe tiếng chó sủa và thấy huấn luyện chó nên quen mắt, rồi quen miệng gọi luôn là Ngã 5 Chuồng Chó. 

PGS-TS Hà Minh Hùng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Trước đây, ở đây là nơi huấn luyện chó. Qua nghiên cứu, chúng tôi chỉ biết, ở đây có lính để làm công tác huấn luyện chó, để tập luyện và mọi người đều nghe tiếng chó sủa rất nhiều. Vì thế mà người ta đi qua đây ai cũng gọi là Ngã 5 chuồng chó. Cái tên này nó đã hình thành, định trong những năm 1950 cho đến 1960 và tồn tại cho đến những năm sau giải phóng 1975”.

Những người định cư lâu năm ở đây cho biết, trước năm 1975, khu vực Ngã 5 Chuồng Chó vẫn còn khá vắng vẻ, thưa thớt dân cư, với những vườn rau, bến xe lam, xe xích lô và xe thồ hoạt động. Xung quanh hai bên đường là đất đỏ. Tuy nhiên, từ sau ngày giải phóng 30/4/1975, khu vực này càng lúc càng đông đúc hơn. Nhà cửa, đường sá theo đó cũng mọc lên san sát. Giờ thì ngã 5 đã thành ngã 6 do việc mở thêm đường để phục vụ nhu cầu giao thông phát triển trong nhiều năm trở lại đây. Dù trại huấn luyện chó đã bị xóa bỏ từ năm 1994, nhưng đến nay, mọi người đều vẫn quen gọi nơi này là Ngã 5 Chuồng Chó cho dễ nhớ. Ông Mai Xuân Đề, ở phường 6, quận Gò Vấp, nhớ lại: “Hồi xưa, nơi đây còn là ngoại ô. Tầm 5 - 6 giờ chiều là người ta khỏi đi đâu hết. Vì đâu có đèn đường như bây giờ, đến đèn dầu còn không có đốt nữa thì có thể đi đâu. Bắt đầu từ năm 1975 trở về sau này thì phát triển nhiều hơn là nơi đây hình thành các khu đô thị mới cho nên là khu vực này còn phát triển và sáng sủa hơn”.

Với những người gắn bó cùng mảnh đất này từ xưa đến nay, dù những con đường, góc phố luôn luôn vận động đổi mới theo hướng công nghiệp hóa nhưng cái tên Ngã 5 Chuồng Chó như nhắc lại một không gian xa xưa. Hiện nay, Thành phố đang ngày một phát triển với những công trình giao thông hiện đại. Các nhánh cầu vượt cũng đã được đầu tư, xây mới để từng bước tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe diễn ra hàng ngày như trước đây. Anh Nguyễn Ngọc Chiến, quận 12, cho hay: “Mình cũng đi lại thường xuyên trên khu vực này. Ngày trước khu vực này lưu lượng xe rất đông và tắc vì lượng phương tiện đi lại hay bị giao nhau nhiều. Sau khi khánh thành cây cầu vượt này thì tôi nhận thấy giao thông rất thoáng và các phương tiện đi lại đúng theo nền nước. Chứ trước đây, cách chừng 1 năm thì khác hoàn toàn.”.

Ngã 5 chuồng chó

Hệ thống cầu vượt bằng thép tại ngã 6 Gò Vấp

Ngã 5 Chuồng Chó nay đã trở thành ngã 6 và là nút giao thông quan trọng của quận Gò Vấp với các đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, Trần Thị Nghĩ, Nguyễn Văn Nghi, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Kiệm. Các tuyến đường hướng về vòng xoay đều được mở rộng khang trang, trở thành khu trung tâm thương mại sầm uất của quận Gò Vấp. Để khắc phục tình trạng ùn tắc thường xuyên nơi đây, Thành phố còn đầu tư xây dựng hệ thống cầu vượt bằng thép. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hùng, cho biết thêm: “Đến bây giờ sự phát triển của khu vực này khó ai có thể hình dung được. Không ai còn thấy chuồng chó hay tiếng cho sủa ở đâu nữa mà chỉ còn nghe tiếng còi ồn ào của xe cộ, của phố sá, của người đi lại. Cho đến bây giờ, người ta không thể nhận ra Ngã 5 chuồng chó của thời những năm 50 - 60 đã đành rồi nhưng cũng không thể nhận ra được những gì của 50 năm trước đây”.

Sự phát triển đi lên mạnh mẽ của kinh tế quận Gò Vấp nói riêng cũng như TPHCM nói chung trong vài thập kỷ trở lại đây đã làm cho diện mạo đô thị cũng như mức sống của người dân quanh khu vực Ngã 5 Chuồng Chó cũng đi lên tương ứng. Ông Trần Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, nhận định: “Đời sống bà con khá lên và từng bước được nâng cao hơn về thu nhập, về công ăn việc làm, về giao thông và các vấn đề về tình hình an ninh chính trị xã hội. Từ một khu vực trồng rau trước đây, nay nơi đây đã trở thành các trung tâm thương mại và mua bán rất sầm uất”.

Có thể khẳng định, với những người dân gắn bó với mảnh đất này từ xưa đến nay, dù những con đường góc phố luôn luôn vận động, đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thành phố đang ngày một phát triển với những công trình giao thông hiện đại, nhưng Sài Gòn xưa vẫn còn in đậm dấu ấn về những hình ảnh thân thuộc, khó quên và Ngã 5 Chuồng Chó là một minh chứng cho điều này. 

Hữu Nghị

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo mới