Một số hộ nghèo vẫn chưa chủ động vươn lên thoát nghèo - Thời sự 17g00 14/11/2018

(VOH) - Theo phản ánh của Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững của các quận, huyện, một số hộ nghèo vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ, chưa thật sự tự giác, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Vừa qua, Ban Văn hoá – Xã hội HĐND TP đã có các buổi giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 tại một số quận, huyện trên địa bàn TPHCM.

Qua đợt khảo sát này, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Ban Văn hóa – xã hội HĐND TP nhận định: Chính quyền địa phương các cấp, ban ngành đoàn thể không ngừng nỗ lực hỗ trợ giảm nghèo thông qua hoạt động đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng những mô hình giảm nghèo của người dân.

Nuôi bò sữa, Củ Chi, thoát nghèo vươn lên

Nuôi bò sữa giúp nhiều người dân Củ Chi thoát nghèo vươn lên. Ảnh: SGGP

Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các quận, huyện giảm nhanh. Tuy nhiên, theo phản ánh của Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững của các quận, huyện, một số hộ nghèo vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ, chưa thật sự tự giác, chủ động vươn lên thoát nghèo. Xung quanh nội dung này, Phóng viên VOH có phỏng vấn bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP. 

VOH: Qua đợt khảo sát này bà có nhận định chung như thế nào về công tác giảm nghèo tại tất cả các quận, huyện mà bà vừa giám sát?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Tôi đi giám sát ở tất cả các quận như là quận 6, quận 12, quận Tân Bình, Gò Vấp, đến 2 huyện là huyện Bình Chánh và Củ Chi. Tôi thấy sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp ủy, của chính quyền, của Mặt trận các đoàn thể trong việc hỗ trợ Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Thường trực Ban chỉ đạo Giảm nghèo của các quận huyện, các đồng chí đã điều tra khảo sát, bình nghị, đưa các hộ nghèo ra hoặc vào chương trình rất cụ thể.  Và các cô chú Tổ trưởng Tổ Tự quản giảm nghèo thường xuyên chịu khó đến động viên, vận động tuyên truyền hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên làm ăn có hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ về vốn, hỗ trợ về phương tiện sinh kế làm ăn, các phương tiện thông tin tuyên truyền về nước sạch...Thì phải nói là sự vào cuộc đồng bộ rất tốt, đời sống của nhân dân một bước đã được nâng lên, những chiều thiếu hụt cũng từng bước giảm đi, ví dụ như vấn đề đào tạo nghề cho hộ nghèo đã được quan tâm chú ý rất tốt.

VOH: Những chiều nghèo xã hội là nét mới của chương trình Giảm nghèo Bền vững so với các giai đoạn trước. Qua khảo sát lầ này bà đánh giá 3 quận đã chú trọng và thực hiện tốt việc hỗ trợ hộ nghèo giải quyết chiều nghèo xã hội như thế nào?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Ví dụ như chiều thiếu hụt về bảo hiểm y tế thì mặt trận các đoàn thể đã quan tâm, vận động, hỗ trợ cho hộ cận nghèo hộ nghèo thì ngân sách nhà nước đã hỗ trợ. Tôi đơn cử như huyện Bình Chánh hai năm đã hỗ trợ cả hơn 100.000 số lượng thẻ Bảo hiểm y tế cho nhân dân trong hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là một chương trình làm rất là tốt. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nghề cho người lớn thì tôi thấy là các quận huyện phải cần quan tâm vì đào tạo nghề xong chúng ta phải giải quyết việc làm, giải quyết được việc làm thì mới có thu nhập và có thu nhập thì các chiều thiếu hụt còn lại về nhà ở, về các phương tiện khác sẽ được giải quyết một cách căn cơ hơn.

VOH: Theo bà thì có những cách làm hay mô hình giảm nghèo nào hiệu quả mà chúng ta có thể ghi nhận và nhân rộng qua đợt khảo sát lần này?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Tôi ghi nhận tại các huyện ngoại thành, ở Bình Chánh là mô hình về trồng cây cảnh, trồng hoa lan, chăn nuôi… rất là nhiều mô hình và trong đó có ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất nuôi trồng, từ đó làm tăng chất lượng của các mặt hàng hóa và gắn với nhu cầu của thị trường hiện nay. Ở huyện Củ Chi cũng vậy, như chăn nuôi bò, trồng hoa lan cắt cành… Đó là những mô hình hiệu quả trong thời gian vừa qua.

VOH: Từ các kiến nghị của chính quyền quận thì đâu là vấn đề cần đặt ra để HĐND TP xem xét và đề xuất với UBND TP để đưa công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao hơn?

Bà Thi Thị Tuyết Nhung: Tôi mong muốn rằng đối với những con em của hộ nghèo, hộ cận nghèo mà đi xuất khẩu lao động ở các thị trường Nhật Bản Hàn Quốc, hoặc các thị trường ở các nước mà chúng ta có ký kết thì được vay nguồn vốn cao hơn nữa. Hiện nay thì thành phố cho vay là 100 triệu đồng ở hai nguồn vốn giải quyết việc làm… Tôi muốn là sẽ cho vay, tăng số tiền vay vốn này cao hơn nữa để đảm bảo chi phí làm thủ tục đi suất khẩu lao động, tránh thủ tục rườm ra. Chúng ta cho vay làm sao phải rút ngắn thời gian, giúp các thành viên hộ nghèo này được đi suất khẩu lao động. Thứ hai nữa là chính sách cho các cô chú làm Tổ tự quản Giảm nghèo ở các huyện ngoại thành do địa bàn xa, khoảng cách di chuyển đến nhà các hộ nghèo xa, vì vậy chi phí đi lại, tiền xăng xe rất là khó khăn. Thứ ba, các hộ nghèo không thể lao động không có sức khỏe vì bệnh tật, ngoài chính sách thụ hưởng hiện nay thì tôi nhận diện được rằng thu nhập không cao; do đó, Thành phố cũng cần cân nhắc tính toán  trong việc quan tâm hỗ trợ cho các hộ không còn sức lao động.

VOH: Xin cám ơn bà!

Minh Phước

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo