Hoạt động công đoàn phải tiếp tục có những thay đổi - Thời sự 5g30 28/7/2018

(VOH) – Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Đất nước tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Bên cạnh đó là quá trình thực hiện các cam kết trong cộng đồng ASEAN, tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới tạo ra nhiều thời cơ và những thách thức đối với việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động.

Vì vậy, yêu cầu tất yếu của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn Thành phố là phải tiếp tục có những thay đổi. Tổ chức công đoàn phải thực sự là tổ chức đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Tham gia giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề. Đó cũng chính là mục tiêu mà ban chấp hành công đoàn TP xác định phải thực hiện trong nhiệm kỳ mới 2018-2023. Nhân kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2018), VOH phỏng vấn bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM. 

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM. 

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM. (Ảnh: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

VOH: Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và cơ hội cùng những thách thức đan xen thì Liên đoàn lao động TP sẽ có những giải pháp nào để thực hiện đạt những mục tiêu mà nghị quyết đại hội công đoàn TP lần thứ XI đã đề ra?

Bà Trần Thị Diệu Thúy: Để thực hiện các nhiệm vụ mà đại hội đã đề ra, tôi nghĩ điều đầu tiên là ban chấp hành phải bám cơ sở, hiểu cơ sở. Nắm được tình hình chung của công nhân viên chức lao động TP và cán bộ công đoàn TP để xây dựng chương trình và phương pháp tổ chức cho phù hợp và hiệu quả. Các cơ hội cũng rất nhiều mà thách thức cũng rất nhiều đòi hỏi đội ngũ và lực lượng của tổ chức công đoàn phải thật sự sáng suốt và gắn với thực tiễn của phong trào.

VOH: Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện đạt được điều này thì cần phải có đội ngũ cán bộ công đoàn có kỹ năng, bản lĩnh vững vàng mới có thể đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới, bà  nhìn nhận những ý kiến này như thế nào?

Bà Trần Thị Diệu Thúy: Đội ngũ cán bộ công đoàn bây giờ không chỉ là tâm huyết với phong trào và kinh nghiệm nữa mà còn phải thật sự có năng lực và có trình độ. Các yêu cầu của thời đại mới nó đòi hỏi và các vấn đề liên quan đến các hiệp định thương mại mới đang diễn ra. Do đó đòi hỏi cán bộ công đoàn phải thật sự có năng lực và phải có trình độ. Vừa là để thực hiện nhiệm vụ gắn bó mật thiết với quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động vừa là làm việc, thương lượng được với chủ sử dụng lao động để thông qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích của mình. Qua đó thuyết phục được người sử dụng lao động ủng hộ các phong trào của công đoàn, đưa các phong trào công đoàn vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh , đưa hoạt động sản xuất kinh doanh ngược trở lại thành hoạt động phong trào công đoàn và công nhân lao động. Có như vậy thì mới có sự gắn bó mật thiết với phong trào, mật thiết với điều kiện, hoàn cảnh sản xuất kinh doanh tại mỗi đơn vị, doanh nghiệp và phù hợp với tình hình hiện nay của TP.

VOH: Và như vậy thì cần có sự đổi mới trong hoạt động công đoàn và các phong trào công nhân viên chức lao động?

Bà Trần Thị Diệu Thúy: Phong trào và tổ chức cơ sở của công đoàn thì phải linh hoạt. Phong trào linh hoạt phù hợp với từng đối tượng công nhân viên chức lao động. Linh hoạt với từng điều kiện sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và linh hoạt trong từng thời điểm. Ví dụ tết thì phải khác với thời điểm giữa năm hoặc là các điều kiện sản xuất thấp điểm. Phải rất khác. Như vậy người cán bộ công đoàn và phong trào của công đoàn phải rất linh hoạt để có thể tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Một vấn đề nữa là phải tăng cường hơn nữa đội ngũ ban chấp hành các cấp phải linh hoạt trong phối hợp, tham mưu với lãnh đạo các cấp, lãnh đạo thành ủy.  Bảo vệ ý kiến của tổ chức công đoàn trong các vấn đề liên quan đến công nhân viên chức lao động của các cơ sở để thể hiện được tiếng nói, chính kiến của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị. Và điều cuối cùng là tổ chức công đoàn phải mạnh mẽ hơn nữa trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, của đoàn viên như là các vấn đề liên quan đến pháp luật. Đưa các vấn đề của đoàn viên công đoàn và người lao động ra trước pháp luật, ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng. Qua đó tổ chức công đoàn mới thật sự là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

VOH: Xin cám ơn bà

 Mỹ Trang

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo