Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội? (P.1) - Thời sự 5 giờ 30 25/07/2018

(VOH) - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Đồng thời tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, đứng trước làn sóng hội nhập ngày càng mạnh mẽ khi phần lớn thuế các sản phẩm nhập khẩu từ khu vực ASEAN sẽ giảm về 0%, đi kèm với đó là nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội xen lẫn thách thức đối với các sản phẩm nội địa trong nước, hàng Việt vì thế cần cải tiến về chất lượng, mẫu mã, liên kết với các nhà phân phối để tăng tính cạnh tranh, giữ được chỗ đứng ở thị trường trong nước và quốc tế.

Với nội dung này, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức Tọa đàm “Hàng Việt làm gì trước cơn bão hàng ngoại” với sự tham gia của các khách mời: Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam; Ông Phạm Quốc Liêm – Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp U&I, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Rau Anh Đào Lạt – doanh nghiệp sản xuất và cung cấp rau an toàn Đà Lạt lớn nhất cho thành phố và các tỉnh của hệ thống Co.opMart. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Maketing Liên Hiệp hợp tác xã Saigon Co.op.

*VOH: Sau những năm TP.HCM thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho một vài đánh giá về tính hiệu quả và sức lan tỏa của cuộc vận động này?

- Ông Nguyễn Ngọc Hòa: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam triển khai trên phạm vi cả nước và được sự hưởng ứng tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân. Cuộc vận động đã đem lại kết quả ý nghĩa. Người tiêu dùng VN đồng hành và ủng hộ cho các sản phẩm của doanh nghiệp VN sản xuất, các sản phẩm của các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất tại VN tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng sản lượng, mở rộng thị trường và mạng lưới phân phối cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng.

*VOH: Hầu hết các lĩnh vực hàng hóa, thực phẩm, thị trường trong nước đang chứng kiến sự xâm nhập mạnh mẽ của hàng ngoại. Cùng với đó, tác động của các Hiệp định thương mại ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh nghiệp Việt Nam. Phân tích thêm về những thách thức, khó khăn mà doanh nghiệp trong nước phải đối diện?

- Giáo sư Bùi Chí Bửu: Tôi thấy rằng hàng Việt Nam chất lượng cao so sánh giữa năm 2017, 2018, đây là mô hình bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 25-35% thị phần của chúng ta hiện nay. Năm nay chúng ta thua ngay trên sân nhà. Con số năm ngoài người ta thích mua tiêu dùng trên 60%, thì 4 tháng đầu năm đã giảm còn 32%. Lý do tại sao?

Nhưng đối với mô hình bán lẻ truyền thống ở các chợ, tôi làm nông nghiệp, tôi lang thang ở các chợ truyền thống, tôi thấy mô hình này chiếm 70-75% nhưng tràn ngập hàng Trung Quốc, hàng trôi nổi. Đây là thị trường mình thua ngay trên sân nhà mình luôn. Năm nay thách thức lớn nhất là chúng ta thực hiện 16 FTA, đặc biệt đối với Trung Quốc, Hàn Quốc thị trường rất lớn, hai thị trường này có nhiều mặt hàng có thuế suất bằng 0. Trở lại mô hình bán lẻ hiện đại, về lâu dài mô hình này sẽ phát triển mạnh hơn. Với mô hình này, hiện nay chúng ta thua ngay trên sân nhà với sự xuất hiện của Lotte, Ion, 7- eleven… họ làm quảng cáo thương hiệu rất mạnh trong khi đây là điểm yếu của Việt Nam. Rất yếu. Việt Nam còn thua xa hàng ngoại ở lĩnh vực này chưa nói tới chất lượng.

Mình có khả năng chứ không phải không có. Chúng ta phải đặt 90 triệu người dân mới là vấn đề chính. Tại sao bây giờ mình đặt vấn đề xuất khẩu không à. Năm nay các bộ đặt ra vấn đề xuất khẩu rất lớn, làm ra nông sản mà không xuất khẩu thì không được. Tuy nhiên khi gặp biến động kinh tế thế giới thì xuất khẩu gặp vấn đề. Tại sao 90 triệu người tiêu dùng lớn thế này, trên thế giới ít có nước nào có 90 triệu người như mình, ít lắm, chừng mười mấy nước thôi. Nếu chúng ta gọi là hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam mới là hay, hàng mình phải chinh phục được người Việt mình, chinh phục được khách hàng thế giới nữa mới ở thế tích cực hơn.

* VOH: Chúng tôi muốn nghe thêm ý kiến hai ông Phạm Quốc Liêm và Đỗ Quốc Huy với tư cách là doanh nghiệp trong nước chuyên tận dụng những sản phẩm Việt để sản xuất và phân phối ra thị trường trong và ngoài nước. Hai ông nhìn nhận thế nào về những thách thức đối với doanh nghiệp của mình, cũng như các doanh nghiệp Việt phải đối diện?

- Ông Đỗ Quốc Huy: Đứng ở góc độ nhà phân phối, Liên hiệp hợp tác xã Sài Gòn Co.op luôn đồng hành với chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Vai trò của nhà phân phối, chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, và đó cũng là thách thức lớn trong những năm gần đây khi hàng ngoại xâm lấn hàng nội khá nhiều, đó cũng là thách thức của Saigon Co.op khi phải lựa chọn hàng hóa lên quầy kệ vừa đáp ứng được hàng hóa tiêu dùng cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong phân phối hàng hóa. Lấy một ví dụ, đôi giày Việt Nam Biti’s Hunter, trong suốt hai năm gần đây, đôi giày này không có đủ trên kệ để bán. Giày Biti’s Hunter này có mặt vừa kênh truyền thống, hiện đại, doanh nghiệp Bình Tiên đã thành công về quảng bá thương hiệu và đánh dấu chất lượng đôi giày này lên tầm cao hơn, có thể cạnh tranh với Nike, Adidas ngay tại thị trường sân nhà Việt Nam.

- Ông Phạm Quốc Liêm: Là một doanh nghiệp sản xuất, tôi cho rằng, chúng ta không nhìn nhận hàng hóa vào Việt Nam như thách thức, khó khăn mà cần nhìn nhận như một cơ hội để thay đổi chính mình. Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, chúng tôi cần nhìn lại chúng ta đang đứng ở đâu. Những điều cơ bản cần phải làm phải ổn định về số lượng, chất lượng cung cấp cho thị trường đúng số lượng thị trường cần vào đúng thời điểm thị trường cần.

Và chất lượng liên quan tới cảm quan, mẫu mã, và an toàn bên trong. Nhiều năm qua khi nhắc đến hàng nông sản, chúng ta nói nhiều đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Làm doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi xác định từng bước tuân thủ quy định của Nhà nước, tiến tới hạn chế sử dụng nông dược trong quá trình sản xuất nông sản.

Vấn đề tiếp theo tôi quan tâm, mặc dù hàng của chúng ta có rất nhiều mặt hàng ngon được thị trường trong và ngoài nước yêu thích như bưởi da xanh, rau Đà Lạt… Tuy nhiên, khi chúng ta cung cấp mẫu cho khách hàng, người tiêu dùng thì mẫu khác, khi cung ứng một sản lượng lớn thì làm việc với nhiều hộ dân, qua đó chất lượng thay đổi. Đó là lý do tại sao tôi nói làm sao phải ổn định về chất lượng. Thứ hai là công nghệ sau thu hoạch. Có rất nhiều khách hàng ở trong và ngoài nước họ nói rất thích rau Đà Lạt. Tuy nhiên, theo tôi biết hiện tại chưa có doanh nghiệp nào có thể xuất khẩu được rau Đà Lạt dạng tươi đi qua các nước khác. Lý do là khi đưa qua bên đó, chừng 2, 3 ngày là sẽ bị ố vàng. Do đó, điều cần làm là chúng ta cần đầu tư công nghệ sau thu hoạch, cụ thể là công nghệ bảo quản, đóng gói, làm sao sản phẩm của chúng ta không những đạt chất lượng thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài. Làm sao đủ năng lực để cạnh tranh sòng phẳng với tất cả những nước đó hoặc nhà cung cấp nhập vào thị trường Việt Nam.

*VOH: Cảm ơn các khách mời đã tham gia chương trình!

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo