Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại (Kỳ 3)-Thời sự 5g30 18/2/2019

(VOH) - Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tính từ 17/2/1979 – 18/3/1979, quân và dân ta đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực.

Đồng thời loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng. Tuy vậy, chúng ta cũng chịu không ít thiệt hại về người và của. Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400 ngàn gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản. Quả thật, đau thương mất mát mà chiến tranh để lại không gì có thể bù đắp được.

40 năm trôi qua, Việt Nam – Trung Quốc đã đạt nhiều kết quả nổi bật sau bình thường hóa quan hệ, và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 đã để lại bài học vô giá cho hai bên về ý nghĩa của hòa bình. Trong kỳ cuối của Tọa đàm “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại” với chủ đề “Hòa bình – Hai tiếng thiêng liêng”, chúng ta sẽ cùng nghe quan điểm xung quanh vấn đề này cùng các khách mời: Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mạnh Hùng – nguyên là Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 198 đặc công, chiến đấu tại mặt trận Lạng Sơn; Đại tá Đồng Quốc Tâm – nguyên là Trung úy, Cục Trinh sát biên phòng, chiến đấu tại mặt trận Hoàng Liên Sơn, Lào Cai; Cựu chiến binh Lê Gia Tôn – nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Văn Bàn, Lào Cai, qua đề dẫn của Phóng viên Quỳnh Anh.

VOH:Thưa Đại tá Lê Mạnh Hùng, chiến tranh biên giới phía Bắc đã lùi xa 40 năm. Ông đánh giá thế nào về bản chất, vị trí của cuộc chiến này trong lịch sử dân tộc?

Đại tá Lê Mạnh Hùng: Theo tôi, người lao động và nhân dân Trung Quốc cũng như người lao động và nhân dâ Việt Nam đều có những quan điểm sống giống nhau là lấy tình người làm cơ bản. Còn cái giá phải trả qua những đường lối chính trị ở các giai đoạn thì chính người dân Trung Quốc cũng đã thấy, và nhân dân Việt Nam cũng thấy rõ. Chiến tranh là tội ác, không bên nào muốn chiến tranh cả. Hiện nay, thế giớ đã hòa đồng, thống nhất với cuộc cách mạng 4.0 thì ta cũng phải hòa đồng với thế giới.

Đại tá Đồng Quốc Tâm: Theo tôi đây là một cuộc chiến cũng để lại bài học lịch sử sâu sắc cho Việt Nam và Trung Quốc, là hai nước núi liền núi sông liền sông. Nên trong thời gian tới, về vấn đề biên giới hay trên biển, các nước có tranh chấp hay mâu thuẫn thì nên giải quyết bằng đàm phán hòa bình, thương lượng chứ không nên để xảy ra chiến tranh, vì chiến tranh thì bên nào cũng thất bại.

VOH: Đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Vậy theo các vị khách mời, chúng ta phải làm gì để tôn vinh những người đã hy sinh cũng như trả lại vị trí xứng đáng cho cuộc chiến tháng 2/1979 trong lịch sử dân tộc?

Đại tá Đồng Quốc Tâm: Theo tôi chúng ta nên khắc cốt ghi ân những người đã hy sinh ở biên giới phía Bắc. Thế hệ này và mai sau vẫn nên ghi nhớ cũng như xem đây là bài học sâu sắc cho Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta nên tuyên truyền rằng không nên có chiến tranh, chiến tranh thì bên nào cũng thất bại.

Ông Lê Gia Tôn: Để ghi nhận, tôn vinh công lao của những người đã hy sinh thì công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Chính phủ từ trước đến nay vẫn chu đáo, rất tốt, nhưng theo tôi những người có trách nhiệm nên cùng với nhân dân thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa này cho thỏa đáng hơn nữa, để đền đáp công lao hy sinh của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Đại tá Lê Mạnh Hùng: Về đặc công chúng tôi thì nhất là ở bình độ 400 và Vị Xuyên thì thực chất có những nơi không thể nào tìm được xác anh em, vì rơi vào “cối xay thịt” thì tan nát hết cả. Theo tôi bây giờ nên niêm yết lại danh sách chiến sĩ đã hy sinh để làm thành tượng đài, nhắc nhở rằng anh em chúng tôi đã hy sinh vì đất nước.

VOH: Trong bối cảnh hôm nay, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã để lại cho chúng ta những cảnh giác và bài học gì, thưa các vị khách mời?

Đại tá Lê Mạnh Hùng trả lời: Ở bên cạnh một nước lớn như thế thì chúng ta luôn thân thiện với người dân Trung Quốc nhưng cũng phải sẵn sàng cảnh giác cao độ. Đừng để xảy ra sự kiện như tháng 2/1979.

Đại tá Đồng Quốc Tâm: Việt Nam – Trung Quốc là hai nước núi liền núi, sông liền sông thì ta phải hợp tác để phát triển kinh tế, nhưng trong sự hợp tác đó phải luôn luôn cảnh giác. Khi đối phương nổi lên thì ta phải bằng con đường ngoại giao hoặc bằng dư luận thế giới để làm giảm bớt mâu thuẫn.

Ông Lê Gia Tôn: Dù cho chúng ta hòa bình thì lực lượng quân đội, nhất là vùng biên giới trải dài phải được củng cố. Chiến tranh có thể hoặc không thể xảy ra, nhưng bất cứ cuộc chiến nào thì ta cũng phải độc lập tự chủ, thực túc binh cường. Về vũ khí, về con người phải nâng cấp lên. Muốn làm được chuyện này thì ta phải mạnh về kinh tế mới bảo vệ được đất nước.

VOH: Từ sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc khôi phục nhanh, phát triển mạnh. Là một người lính, các ông nghĩ sao về ý nghĩa của sự chiến đấu của mình cho nền hòa bình, hữu nghị giữa hai nước hiện nay?

Đại tá Lê Mạnh Hùng: Qua quan hệ của Việt Nam – Trung Quốc, chúng tôi rất phấn khởi, đây đúng theo đường lối mà Đảng và nhà nước ta đã vạch ra. Nhân dân 2 nước đều mong cơm no áo ấm chứ không ai muốn chiến tranh. Song song với phát triển kinh tế thì ta phải luôn nêu cao tinh thần tự chủ. Chúng ta mà mạnh lên thì không ai làm gì được cả. Những hy sinh cũng qua rồi, đó là lịch sử, và chúng ta đừng lặp lại lịch sử ấy nữa, hãy trở lại lịch sử con người với con người và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đại tá Đồng Quốc Tâm: Cuộc chiến nào cũng để lại bài học sâu sắc, nhưng chúng ta là những người còn sống sót thì cũng không nên khoét sâu và hãy lấy đó làm bài học kinh nghiệm, phát triển kinh tế nhưng bằng sức của chính mình chứ không quá lệ thuộc vào nước nào. Cũng như Thủ tướng đã nói, phải đánh thức tài năng trí tuệ của người Việt, vươn lên thành lập các doanh nghiệp để đưa Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Ông Lê Gia Tôn: Cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc là chúng ta bảo vệ đất nước và biên giới lãnh thổ của mình, điều này hoàn toàn chính đáng. Sau này khi bình thường hoá quan hệ và gắn bó thì cũng phù hợp với tinh thần gác lại quá khứ hướng đến tương lai. Hơn nữa xu thế bây giờ thì ngoại giao cũng là một mặt trận vô cùng quan trọng. Ngoại giao, bình thườn hoá quan hệ để hạn chế xung đột, thứ hai nữa là để làm kinh tế, khi kinh tế phát triển thì dân giàu nước mạnh, ta không phụ thuộc vào ai và đó là một thành công lớn.

VOH: Xin cám ơn các vị khách mời!

Nhìn lại gần 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam – Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, mặc dù còn tồn tại những bất đồng, những điểm khác biệt, song hợp tác và hữu nghị luôn giữ vai trò chủ đạo, mang tính tất yếu trong sự phát triển quan hệ hai nước, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay. Và cũng từ cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc tháng 2/1979, có thể rút ra những bài học: Phải luôn luôn cảnh giác cao độ; trong mọi tình huống, hoàn cảnh nào cũng phải thể hiện tính chủ động vì lợi ích quốc gia, dân tộc để hành động. Trong quan hệ quốc tế, không để cho bất cứ một thế lực nào tạo ra sức ép khiến chúng ta mất tự chủ.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo