Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc–40 năm nhìn lại (Kỳ 2) -Thời sự 5g30 17/2/2019

(VOH) - Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc kiên quyết chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Với tuyên bố “dạy cho Việt Nam một bài học”, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã xua 600 ngàn quân tấn công sang lãnh thổ Việt Nam. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng, hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn), hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu), hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên. Tuy chênh lệch lực lượng, nhưng với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc một lần nữa đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Lạng Sơn, Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

Bộ Chỉ huy mặt trận Lạng Sơn cùng chỉ huy Đoàn 327 bàn phương án tác chiến tại hang Chùa Tiên, thị xã Lạng Sơn (Ảnh: TTXVN)

Trong kỳ 1 của tọa đàm “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – 40 năm nhìn lại” các vị khách mời chia sẻ về tình hình trước khi cuộc chiến diễn ra. Và trong kỳ 2 với chủ đề “Quyết tâm giữ vững biên cương của Tổ quốc”, các vị khách mời: Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mạnh Hùng – nguyên là Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 198 đặc công, chiến đấu tại mặt trận Lạng Sơn (3/1979); Đại tá Đồng Quốc Tâm – nguyên là Trung úy, Cục Trinh sát biên phòng, chiến đấu tại mặt trận Hoàng Liên Sơn, Lào Cai (1982); Cựu chiến binh Lê Gia Tôn – nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Văn Bàn, Lào Cai chia sẻ về ký ức của những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu tại vùng biên giới phía Bắc cách đây 40 năm. 

VOH: Lạng Sơn là một trong hai hướng tiến công chủ yếu của Trung Quốc. Mở đầu cuộc tiến công, đối phương đã sử dụng 3 quân đoàn với 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới, chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chắt, Chi Ma, Ba Sơn, Tân Thanh, Tân Yên và khu vực thị trấn Đồng Đăng. Có thể nói đây là mặt trận mà cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt, với sự chiến đấu anh dũng, kiên cường của đơn vị chủ lực Quân khu 1 cùng bộ đội địa phương tỉnh Lạng Sơn và các huyện. Là một trong những người lính tham gia chiến đấu tại mặt trận Lạng Sơn, xin Đại tá Lê Mạnh Hùng cho biết ấn tượng sâu sắc nhất của mình tại chiến trường này?

Đại tá Lê Mạnh Hùng: Sau khi chúng tôi đến Lạng Sơn, đi vào bình độ 800, Đồng Đăng và tất cả các vị trí chốt của ta từ biên giới vào đến Lạng Sơn thì dấu tích còn để lại rất rõ nét. Anh em đã vật lộn với địch, nhiều đơn vị bắn hết cả vũ khí. Khi chúng tôi đến Đồng Mỏ, pháo chiến dịch của địch bắn dạt cả đội hình ra. Khi đó chúng tôi có hai nhận định, thứ nhất là nếu chúng vượt qua được Lạng Sơn xuống Hà Nội thì đứng đánh ở đâu, hai là nếu chúng rút thì đánh như thế nào. Vừa bám được bình độ 800 Đồng Đăng thì địch bắt đầu rút, bám đến đâu thì rút đến đấy. Cho nên nếu chúng tôi ra sớm khoảng 2 tuần thì có thể chúng tôi đã giải quyết gọn trận địa pháo ở Đồng Đăng. Hết tháng 2/1979, Trung Quốc lấn chiếm chúng ta ở bình độ 400. Đặc công chúng tôi chui vào chiếm lại bình độ 400 nhưng khi đánh xong rồi, các đơn vị bộ binh bắt đầu vào thì địch bắt đầu đẩy toàn bộ đặc công ra khỏi công sự và rơi vào “cối xay thịt”, tất cả các hỏa lực bắt đầu công phá. Đây chính là lúc ác liệt nhất, trong không ra được, ngoài không vào được. Cả bộ binh lẫn đặc công hy sinh ở giai đoạn này rất nhiều.

VOH: Không chỉ tại mặt trận Lạng Sơn, mà các mặt trận khác như Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh … cuộc chiến đấu cũng diễn ra vô cùng ác liệt. Các đơn vị của ta đã chốt giữ các khu vực, điểm cao quan trọng, chiến đấu dũng cảm đến người lính cuối cùng để đánh tan và đẩy lùi nhiều đợt tiến công của đối phương. Xin ông Lê Gia Tôn và Đại tá Đồng Quốc Tâm chia sẻ thêm về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta tại khắp các mặt trận?

Ông Lê Gia Tôn: Chúng tôi thuộc các đơn vị địa phương bổ sung, lúc bấy giờ, cấp trên truyền xuống là vừa đánh vừa bám rút chứ không chốt chặn vì lúc đó quân số ở Lào Cai của ta khá mỏng. Khi chúng tôi hành quân đến Văn Bàn thì đụng độ một trận chiến ác liệt. Đơn vị Đại đội 2 của tôi có bảy mươi mấy cán bộ chiến sĩ phải chiến đấu với 2 tiểu đoàn địch. Lực lượng phía Trung Quốc có thể nói là biển người, nó quá đông. Trận đó chúng tôi cũng hy sinh hết mấy chục anh em vì không thể bám trụ được. Khi chiến đấu, nhìn sang phía chính diện, vị chỉ huy của mình là đại đội trưởng đeo xà cột, đeo quân hàm, súng AK, bắn theo kiểu bộ đội trong chiến trường B là bắn hai phát một, vừa bắn vừa rút vào rừng mà chỉ có mình đại đội trưởng chiến đấu như thế. Phải nói tinh thần chiến đấu của cán bộ chiến sĩ chúng tôi là quyết tâm bảo vệ đến cùng.

Đại tá Đồng Quốc Tâm: Mặt trận Hoàng Liên Sơn khi chúng tôi tăng cường lên thì kỷ niệm sâu sắc nhất là có một tổ công tác có 11 người thì bị Trung Quốc pháo câu chết 10 người, chỉ có 1 người đi lấy nước thì còn sống sót. Trong 10 người hy sinh, có 2 người là bạn với tôi vừa mới ra trường chưa được 1 năm. Thương nhớ nhất là các đồng chí đã hy sinh 40 năm rồi nhưng vẫn còn nằm lại trên biên giới.

VOH:  Để đẩy lùi các đợt tấn công, chúng ta đã sử dụng những chiến thuật gì và những chiến thuật đó phát huy hiệu quả ra sao, thưa Đại tá Lê Mạnh Hùng?

Đại tá Lê Mạnh Hùng: Mở cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, chúng ta đã sử dụng rất nhiều chiến thuật. Ngoài pháo binh ra thì ta có sử dụng lực lượng đặc công. Sau khi chúng tôi đã nghiên cứu cùng Bộ Tổng Tham mưu và các lực lượng về đội hình chiến thuật của đối phương, chúng ta đã dùng pháo binh của ta áp chế toàn bộ pháo binh của địch, nhất là ở Vị Xuyên. Sau này đánh Vị Xuyên, Thanh Thủy thì chúng tôi đã có kinh nghiệm thông qua đánh bình độ 400 ở Lạng Sơn. Để hạn chế tính sát thương của các vũ khí bốc thả của Trung Quốc, chúng tôi đã dùng hình thức gần như là “vây, lấn, tấn, phá” của Điện Biên Phủ ngày xưa, dùng các chiến hào, chạy cơ động, thứ hai nữa là tích cực đánh phía sau đội hình của địch.
MC: Với tinh thần “Phía trước không tiếc máu xương, phía sau không tiếc của”, nhân dân các tỉnh biên giới đã sát cánh cùng các lực lượng vũ trang của ta trong những ngày bom đạn ác liệt nhất, nhiều thanh niên và dân quân đã tình nguyện ở lại cùng bộ đội chiến đấu. Theo các vị khách mời, điều gì đã làm nên tinh thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ như vậy giữa quân và dân ta trong tình hình đó?

Đại tá Lê Mạnh Hùng: Sự gắn bó này có lẽ xuất phát từ lòng yêu nước của dân tộc. Nước ta đã có từ 4 – 6 ngàn năm lịch sử, và văn hóa của người Việt luôn là “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Vậy nên ngày xưa gian khổ ở biên giới phía Bắc, chúng ta có câu chuyện “ưu tiên phía trước” là vậy, tất cả quần áo cắt ra ưu tiên cho phía trước. Thế nên dù gian khổ cách mấy thì lòng yêu thương và giữ từng tấc đất của chúng ta càng thể hiện rõ.

Đại tá Đồng Quốc Tâm: Theo tôi khi khó khăn thì truyền thống của người Việt càng được khơi dậy. Bình thường thì không sao nhưng khi đất nước khó khăn, lâm nguy thì quân và dân ta đồng lòng cho cuộc kháng chiến phía Bắc.

Ông Lê Gia Tôn: Truyền thống yêu nước của người Việt thì tất cả chúng ta đều biết. Từ thời cha ông, bất cứ cuộc xâm lăng nào khi xảy ra thì chúng ta cũng đoàn kết và quyết gìn giữ, bảo vệ non sông.

VOH: Xin cám ơn các vị khách mời!

Do không đạt được mục đích đề ra, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng. Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta. Nhưng trên thực tế, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, thường xuyên gây xung đột vũ trang, trong đó có những mặt trận như Vị Xuyên – Hà Tuyên, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các điểm cao, làm cho tình hình luôn căng thẳng kéo dài đến 1989. Cuộc chiến qua đi, sự sống đã hồi sinh trên những vùng đồi trọc, nhưng bài học mà nó để lại cho thế hệ sau vẫn còn đó. 

Quỳnh Anh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo