Các bên đang chỉ trích lẫn nhau, một sân bay quân sự ở miền Trung Syria hôm thứ Hai đã bị không kích bằng tên lửa. Trong một diến biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “tên lửa đã sẵn sàng nhằm vào Syria”. Những diễn biến này cho thấy tình hình Syria đang hết sức nóng khi một lần nữa Nga-Mỹ đứng trước nguy cơ đối đầu trực diện tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Trump trong cuộc họp với các lãnh đạo quân sự tại Nhà Trắng vào ngày 9/4. Ảnh: New York Times.
Tưởng như việc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bị đánh bật khỏi Syria và việc Mỹ tuyên bố có thể rút quân khỏi quốc gia này đã chấm dứt chuối ngày xung đột đau thương tại Syria, thế nhưng những diễn biến phức tạp mới đã biến Syria thành chảo lửa với nguy cơ xung đột quân sự trực diện giữa Nga và Mỹ.
Vụ tấn công thường dân được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Ghu-ta, miền Đông Syria cuối tuần trước và vụ tấn công một sân bay quân sự ở gần thành phố Homs vào thứ Hai, đã và đang thổi bùng mâu thuẫn giữa các bên. Nếu như Mỹ và phương Tây cáo buộc quân đội chính phủ Syria là thủ phạm tiến hành vụ tấn công hóa học, thì Nga và chính phủ Syria lại tố cáo Israel (với sự hậu thuẫn của Mỹ) đã tấn công sân bay quân sự và rốt cuộc Tổng thống Mỹ tuyên bố có thể sẽ “hành động” tấn công quân sự vào quân đội chính phủ Syria, còn phía Nga thì tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ quân đội Syria “ứng chiến”.
Thực tế cho thấy dư luận không còn bất ngờ với những cáo buộc vũ khí hóa học của Mỹ nhằm vào chính quyền Tổng thống Syria Ba-sa Al Át-xát. Kể từ khi cuộc chiến Syria xảy ra cho đến nay, Mỹ và phương Tây vẫn luôn đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Syria là “thủ phạm” của các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Lần này cũng vậy, sau vụ tấn công hóa học nhằm vào người dân tại Đu-ma, một thị trấn do lực lượng đối lập kiểm soát tại khu vực Đông Ghu-ta (Ghouta) khiến hơn 60 người thiệt mạng và gần 1.000 người khác bị thương cuối tuần trước, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã đồng loạt cảnh cáo sẽ tấn công Syria.
Sau vụ tấn công tuần trước, dù rằng chưa xác định rõ thủ phạm là ai, nhưng Liên minh châu Âu (EU) đã sốt sắng thông báo rằng, với những bằng chứng ban đầu họ có được, chính quyền Tổng thống Syria Al Át-xát đã tiến hành một vụ tấn công vũ khí hóa học tại đây. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Ma-crông “lên án mạnh mẽ các vụ tấn công hóa học nhằm vào người dân tại Đu-ma”, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Tổng thống Syria sẽ phải “trả giá đắt” vì tiến hành một vụ tấn công vũ khí hóa học chết người nhằm vào dân thường.
Tất nhiên về phần mình, chính quyền Syria liên tục bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào họ. Trước sự việc lần này, Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức đã ra tuyên bố khẳng định những thông tin xung quanh vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là hoàn toàn giả mạo, đồng thời cảnh báo mọi hoạt động quân sự tiến hành dựa trên “chứng cứ giả mạo hoặc bịa đặt” có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trong bối cảnh những tranh cãi chưa chấm dứt, vụ tấn công sân bay quân sự Tay-phua (Tayfur) của quân đội chính phủ Syria, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, lại thổi bùng một ngọn lửa căng thẳng mới. Tổng thống Mỹ trong một tuyên bố hôm thứ 4 nói rằng “tên lửa Mỹ đã lên nòng” và “Mỹ đã sẵn sàng” cho một hành động mới. 24h qua cũng đã chứng kiến bầu không khí ngột ngạt căng thẳng tại Trung Đông trong bối cảnh Mỹ có thể tấn công Syria bất cứ lúc nào còn Nga sẵn sàng đáp trả.
Trong bối cảnh, cuộc chiến Syria dường như sắp đi đến hồi kết với lợi thế đang nghiêng về chính quyền Syria, còn vai trò và vị thế của Nga và Iran đang ngày càng được khẳng định. Mỹ có lẽ đang phải kiếm một cái cớ để “khuấy động” lại cuộc chiến này. Ở đó, Mỹ không thể bị “gạt ra rìa” như thời gian qua. Vì thế, con bài vũ khí hóa học một lần nữa lại được dùng đến. Và chắc chắn như mọi lần, dù có bao nhiêu cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thì thủ phạm thực sự vẫn không thể được tìm ra.
Câu hỏi đặt ra vì sao Mỹ và phương Tây lại có những động thái bất ngờ này, khi tình hình Syria đang dần vào hồi kết?
Giới phân tích cho rằng thực chất vấn đề chính là việc phân chia miếng bánh lợi ích Syria, rộng hơn là Trung Đông khiến các bên không thể ngồi lại với nhau.
Nhìn lại thời gian qua, mục tiêu chung loại bỏ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kéo Nga và Mỹ hợp tác với nhau. Tuy nhiên, từ khi cuộc chiến chống IS có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thúc đẩy một giải pháp chính trị cho Syria, những mâu thuẫn lợi ích căn bản giữa Nga và Mỹ một lần nữa lại được xới lên. Mỹ lo ngại Nga và Iran, sau thắng lợi tại Syria có thể giành ảnh hưởng tuyệt đối tại Trung Đông. Còn Nga không muốn Mỹ có cớ “nấn ná” để cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực này. Chính vì thế, Nga-Mỹ đối đầu nhau trong hồ sơ Trung Đông là điều luôn xảy ra. Bởi thế mà dư luận lo ngại, khi cuộc chiến chung chống IS kết thúc cũng sẽ là thời điểm một cuộc đối đầu khác giữa Nga-Mỹ và các đồng minh chính thức bắt đầu.
Ở thời điểm này, dư luận vẫn “nín thở” chờ xem Tổng thống Mỹ có hành động quân sự tấn công chính phủ Syria như ông đã tuyên bố hay không? Nếu điều này xảy ra, chắc chắn cục diện Trung Đông sẽ lại diễn biến cực kỳ phức tạp. Dư luận đang lo ngại Mỹ có thể sử dụng tên lửa Tô-ma-hốc (Tomahawk) tấn công Syria như Mỹ đã từng làm tại Syria hồi tháng 4 năm ngoái. Khi đó, cũng với lý do trả đũa một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ cáo buộc do phía chính quyền Syria thực hiện, Tổng thống Trump đã phát lệnh bắn 60 quả tên lửa Tô-ma-hốc nhằm vào căn cứ không quân của Syria ở khiến hàng chục người thương vong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cảnh báo rằng, nếu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không ra quyết định hành động về Syria, Mỹ sẽ có hành động đơn phương. Nhưng giới phân tích cho rằng có lẽ lời cảnh báo của ông Trump vẫn sẽ chỉ là lời nói bởi cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép yêu cầu Nga-Mỹ phải thỏa hiệp về về một giải pháp chính trị hòa bình cho Syria. Vì thế, rất có thể ông Donald Trump, dù tuyên bố sẽ hành động quân sự nhằm vào Syria, nhưng cũng sẽ chỉ là lời nói./.