Vợ bỏ nhà đi cắt đứt liên lạc, có ly hôn được không?

(VOH) - Vợ bỏ đi với người khác, không gặp mặt như vậy có thể ly hôn vắng mặt được không?

Một nam độc giả có gửi email hỏi: Tôi mới lấy vợ  được 1 năm (có giấy đăng ký hôn nhân). Khi tôi đi công tác xa thì vợ tôi ôm đồ đi khỏi nhà. Tôi không liên lạc được với vợ tôi, về quê vợ thì nghe nói vợ tôi đã đi sống với người khác ở tỉnh xa. Vậy tôi có thể ly hôn với vợ tôi được không? Nếu như tòa án gọi vợ chồng tôi lên xử lý hôn mà không có mặt vợ tôi thì có xử được không?

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích, yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Như vậy, vợ anh bỏ nhà đi sống chung với người khác như vợ chồng là hành vi không chung thủy với nhau xâm phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng. Do đó anh có căn cứ để ly hôn theo quy định trên.

Ngoài ra hành vi chung sống như vợ chồng với người khác của vợ anh là một trong những hành vi bị cấm tại Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 35 Điều 1 Nghị định 67/2015/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 Bộ luật hình sự 2015.

Điều 54. Hòa giải tại Tòa án

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được

1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.

Theo đó, trước khi Tòa án giải quyết cho vợ chồng anh ly hôn thì phải qua thủ tục hòa giải. Tuy nhiên nếu vợ anh được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì không tiến hành hòa giải, nếu không phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt họ theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

Xin cám ơn luật sư

>>>>  Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại Tư vấn pháp luật

>>>> Không Đăng Ký Kết Hôn Có Cần Làm Thủ Tục Ly Hôn?

>>>> Chồng Giấu Giấy Đăng Ký Kết Hôn, Có Ly Hôn Được Không?

BT (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo