Từ 1/7/2020 công chức đã nghỉ hưu vẫn có thể bị xử lý kỷ luật

(VOH) - Việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 có hiệu lực từ 1/7/2020 có ý nghĩa lớn đối với công chức.

Một trong số những điểm nổi bật của Luật này là sửa đổi, bổ sung quy định về kỷ luật công chức.

Nghỉ hưu vẫn có thể bị xử lý kỷ luật

Theo Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 thì mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

Đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

- Khiển trách.

- Cảnh cáo.

- Xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.

Luật ghi rõ hành vi vi phạm của cán bộ  trong thời gian công tác trước ngày 1/7/2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.

Quy định mới này ban hành nhằm tránh những trường hợp thực tế hiện nay, cán bộ công chức có vi phạm trong thời gian còn công tác nhưng khi đã về hưu, nghỉ việc thì không thể xử lý (phát hiện vi phạm sau khi nghỉ hưu) vì chưa có quy định về xử lý sau khi về hưu, nghỉ việc.

Hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức

Về quy định những hình thức xử lý kỷ luật đối công chức có hành vi tham nhũng tại Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì:

“Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật ; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.”

Quy định mới này của Luật sửa đổi thể hiện được sự thống nhất trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng với các Luật khác cũng như đơn giản các thủ tục xử lý người có hành vi tham nhũng khi đã bị Tòa án kết án.

4 Trường hợp không qui định thời hiệu xử lý

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019   cũng “siết chặt” hơn với các hành vi vi phạm thông qua việc bổ sung 4 trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật với công chức, gồm:

- Công chức là Đảng viên mà vi phạm kỷ luật đến mức bị khai trừ khỏi Đảng nêu tại Quy định 102-QĐ/TW: Tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; Dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng; Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng…

- Vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ: Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, bảo vệ cán bộ, Đảng viên, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, Đảng viên…

- Xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Có thể thấy nếu áp dụng thời hiệu trong 4 trường hợp trên đồng nghĩa với việc sẽ bỏ qua những hành vi vi phạm vô cùng nghiêm trọng. Do đó, quy định mới này hoàn toàn phù hợp và đúng đắn trong công tác tổ chức cán bộ.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật

>>>> 6 Việc Cán Bộ, Công Chức, Viên Chức Không Được Làm Theo Luật Phòng Chống Tham Nhũng 2018

>>>> Cán Bộ Phường, Xã Có Phải Chuyên Viên-Công Chức?

>>>> Kê Khai Lý Lịch Không Trung Thực Ở Mức Độ Nào Thì Bị Kỷ Luật Khiển Trách ?

 

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo