(VOH) - Khi gặp tai nạn giao thông làm hư xe, ai phải chịu trách nhiệm việc hư hại này, tài xế hay chủ xe? Khi phải bồi thường tai nạn do lỗi tài xế gây ra cho người khác, ai sẽ bồi thường ? Trường hợp lỗi không phải do tài xế gây ra tai nạn thì ai sẽ bồi thường?
Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn :
Căn cứ vào nguyên nhân mà cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định được sẽ có những biện pháp xử lý về hình sự và dân sự. Cụ thể :
Nếu chủ thể gây tai nạn giao thông có lỗi khi tham gia giao thông đường bộ (ví dụ như không tuân thủ các nguyên tắc an toàn giao thông) gây ra hậu quả nghiêm trọng như gây thiệt hại lớn về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người bị hại thì có thể chủ thể gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 như sau :
"Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm"
Cùng với việc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, người có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho người khác cũng phải bồi thường về vật chất cho người bị tai nạn theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015
Theo khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông (khi xảy ra thiệt hại vật chất, thương tích, sức khỏe, tinh thần) đương nhiên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Trong thực tế ở xã hội Việt Nam khi xảy ra tai nạn, về luật thì chủ phương tiện không bắt buộc phải bồi hoàn nếu lỗi không phải do tài xế gây ra. Nhưng về đạo nghĩa, chủ phương tiện tự nguyện hỗ trợ bên thiệt hại một phần nào đó.
Trách nhiệm thuộc về tài xế là đương nhiên nếu do lỗi của tài xế. Còn lỗi do những điều bất khả kháng theo luật quy định thì tài xế không phải chịu trách nhiệm.
>>>> Xem thêm các tư vấn khác tại tư vấn pháp luật