F0 không khai báo sẽ bị xử phạt như thế nào?

(VOH) - Người mắc Covid-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị xử phạt ra sao?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Dịch Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới. Để tránh tình trạng quá tải ngoài việc tăng cường nhân viên y tế, các trạm y tế lưu động tại nhiều địa phương trên đã triển khai các giải pháp hỗ trợ F0 điều trị tại nhà theo hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà do Bộ Y tế vừa ban hành, đây là giải pháp phù hợp điều kiện thực tế. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều bệnh nhân vẫn không khai báo với trạm y tế, thậm chí cố tình che giấu tình trạng bệnh của mình, vẫn đi làm và tham gia các hoạt động xã hội bình thường. 

Dưới góc độ pháp lý việc làm này có vi phạm pháp luật không?

Bên cạnh việc có thể chịu các chế tài xử lý vi phạm nêu trên, người nhiễm bệnh Covid-19 khi không khai báo còn không được hưởng các quyền lợi gì theo quy định của pháp luật? 

Trong chương trình Pháp luật và cuộc sống phát trên kênh AM610 ngày 11/03/2022, luật sư Trần Văn Sỹ (Giảng viên học viện tư pháp) tư vấn như sau: 

Luật sư Trần Văn Sỹ chia sẻ, theo quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 Về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Theo đó, mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về che giấu, không khai báo, hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.  

Như vậy, nếu cá nhân không tuân thủ việc khai báo y tế theo các quy định trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi không khai báo y tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. 

Việc không khai báo y tế bị coi là trường hợp thực hiện hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. 

Mức phạt cho người không khai tuân thủ việc khai báo y tế làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 

Ngoài ra, tùy thuộc vào hậu quả của hành vi trốn cách ly, người phạm tội bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm nếu hành vi đó: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; Làm chết người; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; Làm chết 2 người trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Người nhiễm bệnh Covid-19 cố ý không khai báo còn không được hưởng các quyền lợi gì theo quy định của pháp luật như sau: 

Tiền bảo hiểm của chế độ ốm đau trong mọi trường hợp. F0 điều trị tại nhà vẫn cần phải khai báo với trạm y tế để có được giấy xác nhận hoàn thành điều trị Covid-19 hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội.

Khoản 1 điều 100 của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hành quy định, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trong đó, theo điểm a khoản 1 Điều 20 của Thông tư 56/2017/TT-BYT, Giấy này do cơ sở khám, chữa bệnh đã dược cấp giấy phép hoạt động cấp.

Khi đã có được giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động nộp lại cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng bằng 75% mức đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng hoặc tối đa 1,5 triệu đồng/người từ công đoàn nếu người lao động phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày theo xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo