Cần làm gì để tránh tình trạng lừa đảo trên không gian mạng

(VOH) – Làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất và cần nâng cao cảnh giác như thế nào trước những sự việc lừa đảo trên không gian mạng?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Theo Chương trình Pháp luật và cuộc sống phát sóng trên kênh AM 610Khz, thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng như lừa đảo môi giới việc làm, đưa người đi xuất khẩu lao động, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử, giả danh tin nhắn của ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo chiếm đoạt tài sản... vẫn tiếp tục xảy ra với chiều hướng phức tạp. Dù hành vi này không còn mới nhưng vẫn nhiều người mắc bẫy bằng hình thức chuyển tiền để xin việc, lấy hàng, làm ăn cho tài khoản Facebook, Zalo….

Để tìm “con mồi”, các đối tượng không ngần ngại đăng bài chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội. Với các từ khóa hấp dẫn như “làm việc tại nhà”, “không cần ôm hàng”, “không cần bỏ vốn”, “được phép trả hàng”, mức lương từ 200-500/ngày; hưởng 10%-20% hoa hồng sau mỗi sản phẩm,… khiến không ít người mắc lừa, mất hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn. 

Vậy theo luật sư, làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này? Người dân cần phải nâng cao cảnh giác như thế nào trước những sự việc như thế này? 

Luật sư Trần Văn Sỹ, giảng viên Học viện Tư pháp tư vấn: 

Hiện nay, tình trạng này rất phổ biến trong thời đại 4.0. Để hạn chế mức thấp nhất và nâng cao cảnh giác trước tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, kinh doanh đa cấp, môi giới việc làm, giả mạo tin nhắn của ngân hàng, hoặc bấm vào đường link giả mạo. Người dân cần lưu ý như sau: 

Phải xác định được tên, địa chỉ của nơi tuyển dụng. Sau đó, tìm hiểu thêm qua các trang mạng hoặc người quen để xác nhận công ty, văn phòng đang tuyển dụng có tồn tại hay không để không bị lừa đảo về môi giới việc làm. 

Đề phòng trước những thủ đoạn dụ dỗ, mời gọi tham gia bán hàng, mua hàng hóa mà không rõ nguồn gốc hoặc giá cả chênh lệch quá lớn so với thị trường. 

Cảnh giác với các số điện thoại lạ, số giả mạo gọi đến yêu cầu xác minh tài khoản ngân hàng, các số thường có dấu + ở đầu số. Không click vào các đường link trên tin nhắn điện thoại, facebook, mạng xã hội nếu chưa xác định được nguồn đáng tin cậy. Tuyệt đối không giao tiền, chuyển tiền vào tài khoản của người khác khi không nắm rõ nội dung và người nhận tiền, chuyển tiền để làm gì. Không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng cho người khác qua điện thoại. 

Nếu có người xưng danh là cán bộ, công an, viện kiểm soát, tòa án gọi điện đến yêu cầu điều tra thì đề nghị cho biết rõ họ tên, địa chỉ làm việc để ghi nhận nội dung cung cấp cho cơ quan công an. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn khác, luôn luôn nâng cao cảnh giác để không bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất khi phát hiện và nghi vấn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra. 

(Theo Chương trình Pháp luật và cuộc sống ngày 1/7/2022)

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo