Ngăn chặn xóa bỏ lao động trẻ em - khẩn cấp hơn bao giờ hết! (kỳ cuối)- Thời sự 5g30 ngày 15/6/2022

(VOH) - Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ năm nay, thông điệp “Tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” tiếp tục được đề cao.

Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6) được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra năm 2002 và được Liên hợp quốc công nhận, nhằm nâng cao nhận thức và hành động để ngăn chặn lao động trẻ em.

Nằm trong số các quốc gia giữ vai trò tiên phong của Liên minh thực hiện mục tiêu 8.7, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, vì sự phát triển bền vững từ năm 2017, trong đó nêu rõ nhiệm vụ: Thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp để xóa bỏ lao động ép buộc, ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức. Và Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ năm nay, thông điệp “Tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” tiếp tục được đề cao, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em. Phóng viên Phương Dung có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam – Cục Trưởng Cục trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về những giải pháp căn cơ phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em. Đây cũng là nội dung khép lại chủ đề: “Ngăn chặn xóa bỏ lao động trẻ em - khẩn cấp hơn bao giờ hết!”, 

*VOH: Thưa ông, ông nhận định ra sao về tình trạng trẻ lao động sớm ở Việt Nam?

Ông Đặng Hoa Nam: Việt Nam đã có 2 cái điều tra cấp Quốc gia về lao động trẻ em. Lần thứ nhất là vào năm 2012, lần thứ 2 là vào năm 2018. Qua đó tình hình lao động trẻ em đã giảm từ 5 đến 15 tuổi tương đương khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tức là khoảng 9,3%. Điều tra lần thứ 2 đã giảm xuống còn 5,3%. Giảm 4% trong vòng hơn 6 năm và thấp hơn khu vực Châu Á Thái Bình Dương, như vậy chúng ta thấy một bức tranh tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam giảm nhanh hơn. Bên cạnh đó, số trẻ em được tiếp cận giáo dục cũng tăng lên giữa 2 kỳ điều tra và vào khoảng 63% lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục, trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, so với giai đoạn trước là tăng khoảng 20%. Đó là sự tiến bộ của Việt Nam về xử lý, can thiệp lao động trẻ em, là đóng góp quan trọng để Việt Nam chúng ta tiếp tục hội nhập nhất là khi VN tham gia vào các Hiệp định Thương mại Tự do ở khu vực cũng như song phương thì vấn đề trẻ em luôn là vấn đề được đặt ra trong các hiệp định Thương mại Tự do và ở thế hệ mới nhất, như vậy những kết quả về phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam đã được thừa nhận.

*VOH: Ông đánh giá thế nào về công tác thanh kiểm tra để phát hiện và xử lý tình trạng sử dụng lao động trẻ em trái quy định tại Việt Nam?

Ông Đặng Hoa Nam: Thời gian qua, từ khi chúng ta có bộ Luật lao động 2019 có hiệu lực ở tất cả các cấp cũng ưu tiên đến công tác thanh tra, kiểm tra về lao động trẻ em. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh về đội ngũ thanh tra còn hết sức mỏng ở tất cả các cấp

là không thể. Công tác thanh tra, kiểm tra chúng ta chỉ có thể ngăn chặn và phát hiện những vấn đề nghiêm trọng cũng như các cơ sở mà sử dụng lao động trẻ em mà vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Cái thách thức lớn thứ hai của việc thanh tra, kiểm tra lao động trẻ em đó là lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay xảy ra chủ yếu ở khu vực phi chính thức như các làng nghề, kinh tế hộ gia đình. Vì vậy việc thanh tra, kiểm tra cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thứ 3 là chúng ta cần phải mở rộng tự thanh tra và kiểm tra của các doanh nghiệp, các nhà cung ứng cũng như các bên tham gia vào chuỗi cung ứng. Chúng tôi cho rằng là hơn hết là các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng cách chúng ta phải kiểm soát được vấn đề lao động trẻ em. Thời gian qua, đặc biệt là sau Covid -19 xảy ra vấn đề một số doanh nghiệp ví dụ ở Bắc Giang và một số địa phương khác đã tuyển dụng lao động mà vi phạm về độ tuổi lao động. Cái này thì trước Covid -19 cũng đã có. Tức là một số gia đình và trẻ chưa thành niên sử dụng căn cước, chứng minh thư giả hoặc mượn của anh chị, em ruột để đi xin việc làm. Nếu các nhà máy, cá xí nghiệp mà không có các kiến thức, kỹ năng, có nhân lực để sàng lọc những lao động như vậy khi có nghi ngờ thì rất dễ vi phạm những quy định của Pháp luật về lao động trẻ em.

*VOH: Thực tế cho thấy hoàn cảnh gia đình là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ phải lao động sớm. Nhiều chuyên gia nhận định, ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai đã đẩy nhiều gia đình vào tình cảnh khánh kiệt, khiến lao động trẻ em đổ về TP lớn ngày càng nhiều. Vậy ngành chức năng có những giải pháp gì trước thực trạng này cũng như vấn đề lao động trẻ em tại Việt Nam nói chung?

Ông Đặng Hoa Nam: Về lao động trẻ em từ trước đến nay thì vẫn có một nguyên nhân cơ bản là do nghèo đói, do mong muốn tăng thu nhập của gia đình. Tuy nhiên, nghèo đói không phải là lý do duy nhất. Ở khu vực toàn cầu sau đại dịch Covid -19 thì Tổ chức Lao động thế giới và các tổ chức có liên quan đến việc sử dụng lao động cũng có cảnh báo nguy cơ gia tăng trở lại lao động trẻ em ở trên phạm vi toàn cầu số liệu cho thấy cũng đã tăng lên. Ở Việt Nam thì chưa có cuộc khảo sát để chứng minh nó đã tăng lên hay chưa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có biện pháp phòng ngừa sự gia tăng trở lại đối với lao động trẻ em. Sau đại dịch Covid -19 thì tình hình suy giảm kinh tế của các gia đình cũng như nguy cơ mất sinh kế của lực lượng lao động cho nên có nguy cơ lao động trẻ em gia tăng trở lại.

Về các giải pháp thì Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp rất kịp thời. Ngay trong đại dịch chúng ta đã coi việc bảo đảm an sinh xã hội cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, những người lao động cũng như trẻ em, phụ nữ mang thai, lao động di cư thì đều có các chính sách hỗ trợ của nhà nước và vận động từ xã hội. Hiện nay, Chính phủ cũng đã bắt tay vào chương trình triển khai phục hồi kinh tế, xã hội. Sau đại dịch Covid-19, những chính sách về an sinh, xã hội vẫn tiếp tục được triển khai đó là những chiến lược và chính sách căn cơ để chúng ta ngăn ngừa tình trạng lao động trẻ em tăng trở lại.

*VOH: Kinh nghiệm ở một số quốc gia về xóa bỏ lao động trẻ em qua đó Việt Nam cần học hỏi gì để chăm lo cho trẻ em, phòng ngừa tình trạng đó tốt hơn, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Bên cạnh các chương trình và đề án của Chính phủ về phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em VN cũng đang triển khai một số viện trợ Quốc tế liên quan đến phòng ngừa lao động trẻ em. Đó là dự án về nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em hợp tác giữa Bộ LĐTB và XH, các bộ ngành có liên quan với Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO), cũng như với sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của Bộ Lao động Hoa Kỳ và các dự án khác đang triển khai với sự hỗ trợ của Tổ chức UNICEF, Tổ chức Cứu trợ trẻ em. Đây không chỉ là việc hỗ trợ về mặt nguồn lực, tài chính mà những dự án này còn cung cấp cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm, những giải pháp can thiệp rất tốt và khá hiệu quả. Ví dụ như dự án về tăng cường năng lực quốc gia về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em về hỗ trợ can thiệp, chúng tôi có đi khảo sát, đánh giá ở một số địa phương như TPHCM, An Giang và Hà Nội thì mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tạo ra nguồn thu nhập bền vững hơn và việc tiếp cận giáo dục, công ăn việc làm bền vững hơn, là những mô hình khá hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của địa phương cũng như năng lực của từng gia đình.

Những bài học này đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đã phần nào chuyển hóa vào trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021 -2025 và định hướng đến năm 2030. Chúng tôi đánh giá cao và một lần nữa cảm ơn đối với các tổ chức Quốc tế, các Chính phủ đã hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em để Việt Nam có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ của mình là một trong những quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu về đích về mục tiêu 8.7 về xóa bỏ động trẻ em vào năm 2025.

VOH

Bình luận

Đọc Báo