TPHCM và Bình Dương quyết tâm xử lý triệt để ô nhiễm kênh Ba Bò

(VOH) - UBND TPHCM và UBND tỉnh Bình Dương vừa thống nhất ký kết kế hoạch tăng cường phối hợp nhằm kiểm soát và xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trên kênh Ba Bò giai đoạn 2017-2018. 

TPHCM sẽ chỉ đạo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức trạm xử lý nước thải trên kênh; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Tiếp tục thực hiện công tác quan trắc chất lượng nước kênh tại các vị trí tiếp nhận nước thải; chia sẻ thông tin, kết quả quan trắc định kỳ cho tỉnh Bình Dương.

Khối bọt khổng lồ trên kênh Ba Bò, đoạn chảy qua cầu Liên Tỉnh lộ 43 thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức (Ảnh: NLĐ)

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP mong muốn việc triển khai này được đồng bộ từ kỹ thuật, trách nhiệm của nhà nước đến doanh nghiệp, người dân phải hợp tác thì mới làm được. Đồng thời, cả hai sẽ thống nhất tổ công tác để giám sát, kiểm tra cũng như nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm. Ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị: "Tôi đề nghị khi triển khai cần có tổ công tác, gồm 2 Sở Tài nguyên và Môi trường 2 địa phương làm thường trực, có giao ban thông tin với nhau hằng tuần về tiến độ xử lý và cần có sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Bình Dương cũng như TPHCM. Mong muốn đánh giá là có sự chuyển biến, có giám sát của báo chí, của người dân cùng tham gia, với mong muốn khi làm là triệt để, căn cơ, chứ không đối phó, hình thức. Hia lãnh đạo kỳ vọng rất lớn vào tổ công tác, để theo dõi sát, phản ánh, kiến nghị và đề xuất các giải pháp, thậm chí là vấn đề xử lý".

Về phía tỉnh Bình Dương, sẽ thực hiện kiểm tra, rà soát toàn bộ các nguồn ô nhiễm của khu công nghiệp Sóng Thần I, Sóng Thần II, đồng thời tăng cường giám sát hai khu công nghiệp này và các cơ sở trong khu công nghiệp; xử lý nghiêm những cơ sở có hành vi xả nước thải không đạt chuẩn môi trường ra Kênh Ba Bò. Bình Dương cũng sẽ kiểm tra và xử lý dứt điểm những cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư xả nước thải chưa đạt chuẩn; lập phương án và triển khai hệ thống thoát nước cho các khu dân cư, không để nước thải tại các khu dân cư thải vào cống thoát mưa của khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng công suất xử lý của nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Sóng Thần. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Mai Hùng Dũng cho biết: định hướng phát triển sau năm 2020 của tỉnh, sẽ di dời tất cả các nhà máy bên ngoài vào khu công nghiệp. Tuy nhiên, khi còn ở bên ngoài một ngày thì việc xử lý ô nhiễm của các nhà máy, doanh nghiệp phải triệt để ngày đó.  Bên cạnh các giải pháp công trình, Bình Dương cũng đề ra những giải pháp cụ thể đối với từng đơn vị: "Về phía tỉnh Bình Dương, chúng tôi cũng cam kết với đồng chí Phó chủ tịch UBND TP HCM chúng ta sẽ phối hợp chặt chẽ, từng bước làm được những cam kết, và hy vọng với cách làm này, với cách tiếp cận này thì chúng ta sẽ giải quyết được dứt điểm tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò. Về phía tỉnh thì chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình; và đối với các sở ban ngành thì tôi đề nghị: Công ty Đại Nam cố gắng làm cho xong hệ thống xử lý nước thải; còn việc đấu nối thì ở Thuận An và Dĩ An các đồng chí lãnh đạo địa phương cùng với công ty cấp thoát nước tuyên truyền cho bà con đấu nối được vào hệ thống xử lý nước thải. Xử lý được nước thải đô thị, nước thải sinh hoạt của nhân dân là một phần rất căn cơ ".

Kênh Ba Bò là tuyến kênh thoát nước và nước thải của lưu vực các phường Bình Chiểu và Linh Trung thuộc quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với các phường Hòa Bình (Thị xã Thuận An), phường Tân Đông Hiệp và phường Dĩ An của thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Mỗi ngày có hơn 20.000m3 nước thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương đổ trực tiếp vào con kênh này. Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để giải quyết vấn để chống ngập, cải thiện ô nhiễm, nhưng dự án kênh Ba Bò vẫn chưa giải quyết được ô nhiễm. Buổi ký kết thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo 2 địa phương giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò đã diễn ra hơn 10 năm qua.

 

Huệ Như

Bình luận

Đọc Báo mới