Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động - Thời sự 5g30 ngày 26/4/2018

(VOH) - Trong 3 tháng đầu năm 2018, Thành phố xảy ra 15 vụ tai nạn lao động làm chết người.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, năm 2017, TP xảy ra gần 1.500 vụ tai nạn lao động với hơn 1.500 người gặp nạn, trong đó 102 người chết. Các vụ tai nạn lao động làm thiệt hại gần 19 tỉ đồng cho các chi phí bồi thường, trợ cấp, y tế, trả lương trong thời gian điều trị và mỗi năm đều tăng khoảng 13% số vụ. Trong 3 tháng đầu năm 2018, Thành phố xảy ra 15 vụ tai nạn lao động làm chết người.

Hưởng ứng tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động quốc gia được tổ chức vào tháng 5 tới, UBND TPHCM ban hành kế hoạch tổ chức lễ phát động với chủ đề: “Chủ động các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Xung quanh nội dung này, Phóng viên Phương Dung có cuộc phỏng vấn ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM.

VOH: Thưa ông, ông cho biết tình hình tai nạn lao động thời gian qua ở TPHCM tăng hay giảm? nguyên nhân là do đâu? Và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 phát động tại TPHCM sẽ diễn ra với những hoạt động trọng tâm nào?

Ông Lê Minh Tấn: Tình hình ATVSLĐ của TP trong thời gian qua nhìn chung là tăng, khoảng 13% mỗi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động không quan tâm đến công tác ATVSLĐ cải thiện môi trường lao động, nhất là những chủ đầu tư xây dựng. Thứ hai là không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động. Còn về phía người lao động thấy lợi là thu nhập trước mắt không tuân thủ các quy tắc làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo hộ. Còn về thánh ATVSLĐ của TPHCM năm 2018, đây là tháng hành động cấp Quốc gia do TP đăng cai để tổ chức lần thứ 2. Lần này tập trung hướng về cơ sở, hướng về doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo hiệu quả sâu rộng, có sức lan tỏa lớn thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức doanh nghiệp, kể cả người LĐ trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động. Chủ đề chung là kiểm soát ngăn ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp.

VOH: Việc đảm bảo ATVSLĐ không chỉ bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động mà còn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò cũng như ý thức của chủ doanh nghiệp (DN) trong công tác này?

Ông Lê Minh Tấn: Nguyên nhân phân tích cái vụ TNLĐ chết người do người sử dụng lao động chiếm 45%. Người sử dụng LĐ không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn chiếm 16,4%. Người sử dụng LĐ không huấn luyện an toàn hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động chiếm khoảng 12% trong tổng số vụ. Thiết bị lao động không đảm bảo an toàn chiếm 10% số vụ. Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 6,2% và do người lao động không trang bị phương tiện chiếm 2,5%. Ngoài ra, nguyên nhân do người lao động chiếm 20%, cụ thể là: NLĐ vi phạm quy trình, quy chuẩn ATLĐ, người LĐ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Những việc này qua thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động của các DN cho thấy các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh sản xuất, còn nhiều người sử dụng lao động có nhận thức chưa đầy đủ về công tác ATVSLĐ cũng như nguy cơ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

VOH: Thường thì khi xảy ra tai nạn lao động, các chủ doanh nghiệp thường đổ lỗi cho người lao động, vậy ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Lê Minh Tấn: Chủ DN thường đổ lỗi cho NLĐ việc này chưa đầy đủ vì chủ DN phải có trách nhiệm bảo vệ, bảo hộ, trang bị, huấn luyện kiến thức cho NLĐ vì người lao động là người tham gia trong quá trình thực hiện công trình. Bên cạnh đó người lao động cũng chưa phát huy hết được ý thức, trách nhiệm của mình trong cái bảo vệ an toàn lao động cho bản thân mình mà vì thu nhập, vì cuộc sống xem thường đến sức khỏe, tính mạng của mình. Vừa qua TNLĐ xảy ra nhiều nhất là trên lĩnh vực xây dựng, những công trình nhà ở riêng lẻ, các công trình ở huyện ven đô thường xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất.

VOH: Theo ông thì vì sao tai nạn lao động trong ngành xây dựng ở nước ta lại luôn cao nhất so với các ngành khác? Có rất nhiều những công trình xây dựng xảy ra tai nạn chết người và khi đó thì các chủ doanh nghiệp thường thương lượng với người nhà để bồi thường. Vậy thì việc che giấu này có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng an toàn, vệ sinh lao động động?

Ông Lê Minh Tấn: Việc khi xảy ra TNLĐ mà chủ đầu tư thường thương lượng để bồi thường khi xảy ra sự cố TNLĐ trên địa bàn TP nhưng các chủ đầu tư còn bao che, giấu giếm không báo cáo cho cơ quan chức năng để tổ chức điều tra làm rõ sự việc để có biện pháp xử lý việc này ảnh hưởng đến công tác thống kê đánh giá chung về thực trạng tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn TP trong thời gian qua. Lần này Sở sẽ nỗ lực gắn chặt với các quận huyện, phường xã, khu dân cư, mặt trận các đoàn thể tổ chức kiểm tra, giám sát việc này để tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành của người sử dụng lao động khi có sự cố xảy ra nhằm có biện pháp hiệu quả giám sát tình hình thực hiện chính sách lao động, điều kiện lao động để đảm bảo an toàn cho người tham gia lao động cũng như người sử dụng lao động ở các công trình trên địa bàn TP.

VOH: Như vậy, theo ông thì ý thức của công nhân và sự quản lý nghiêm của người sử dụng lao động thì cái nào quan trọng hơn trong việc giảm thiểu tai nạn lao động? Nhất là đối với nhóm lao động thời vụ

Ông Lê Minh Tấn: Tôi cho rằng 2 vấn đề này nó có mối quan hệ tương tác lẫn nhau nhưng dù sao trách nhiệm của người sử dụng lao động là quan trọng nhất vì người sử dụng lao động là doanh nghiệp là người hiểu về luật là người chủ đầu tư phải có trách nhiệm cao hơn đối với những nhóm người lao động thời vụ, những người vì cuộc sống mà họ tham gia làm công cho mình.

VOH: Vậy TP có những biện pháp gì nhằm giảm thiểu TNLĐ cùng những thiệt hại về người lẫn cơ sở vật chất?

Ông Lê Minh Tấn: Trong lúc thực hiện tháng hành động cấp Quốc gia ở TP nhưng không phải chỉ trong tháng 5 này mà sẽ thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt về ATVSLĐ thường xuyên, liên tục hàng năm chứ không phải cứ đến tháng hành động mới tổ chức. Sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động là DN phải có trách nhiệm trong quá trình đầu tư xây dựng, thực hiện các công trình trên địa bàn TP nhất là những công trình xây dựng có nguy cơ lớn cũng như những công trình dân dụng đáp ứng cho nhu cầu phát triển TP nhưng phải bảo đảm ATVSLĐ, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho những người tham gia lao động cho công trình của mình. Đây là trách nhiệm mà cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, các ngành các cấp phải tham gia, nhất là những cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng tham mưu thành phố phải vào cuộc thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm khắc với những trường hợp mà chủ đầu tư, người sử dụng LĐ vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

 Xin cám ơn ông!

VOH.

Bình luận

Đọc Báo mới