Khi sân khấu cải lương "khát" đạo diễn - Kỳ 1

(VOH) – Một thực tế hiện nay của sân khấu cải lương là đạo diễn ngày một khan hiếm. 

Thiếu nguồn đào tạo hoặc đào tạo được vài đạo diễn thì họ bỏ nghề vì nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân lớn được nhiều người quan tâm là: thiếu cơ hội làm nghề và không sống được với nghề. 

Ảnh minh họa: PLO

Cần có những giải pháp như thế nào và chiến lược lâu dài ra sao để khắc phục những hạn chế này, đây là nội dung của tọa đàm, nhan đề: “Khi sân khấu cải lương khát đạo diễn” với sự tham gia của các đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc – Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Đạo diễn, Thạc sĩ Lê Nguyên Đạt – Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM; Đạo diễn Phan Quốc Kiệt – Trưởng đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. 

VOH: Xin  gửi  lời chào đến các đạo diễn, với chuyên đề này, chúng ta sẽ có rất nhiều vấn đề để bàn luận, ở đây, chúng tôi không dùng từ thiếu mà chúng tôi dùng từ “khát”, một từ mà chúng tôi nghĩ sẽ phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay khi mà sân khấu cải lương, sân khấu truyền thống ngày một khó khăn, mà đạo diễn cải lương thì tìm không ra. Vấn đề đầu tiên được nhiều người quan tâm là chúng ta đang thiếu nguồn đầu vào để đào tạo, thiếu nhân tố con người yêu đam mê để đi học đạo diễn. Chúng ta sẽ nói rõ hơn về vấn đề này, tìm ra những  giải pháp để khắc phục hạn chế. Về vấn đề đào tạo thì đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc là có nhiều kinh nghiệm với bề dày đào tạo cho đạo diễn sân khấu gần như cả nước, ông có ý kiến như thế nào?

NSƯT Đạo diễn Trần Minh Ngọc: Tôi nhận thấy là hiện tại chúng ta chỉ mới quan tâm đến việc đào tạo đạo diễn kịch nói, chứ chúng ta ít quan tâm đến đào tạo đạo diễn cho nghệ thuật truyền thống, cải lương. Lẽ ra chúng ta phải đào tạo những người rất am hiểu về cải lương, hiểu về cải lương trước rồi khi đó  mới làm được công việc đạo diễn. Cho nên tôi cho rằng gọi là chúng ta đang “Khát” đạo diễn là đúng. Vì thật sự có 1 điều rất khó cho đạo diễn đó là, trước khi anh là đạo diễn thì anh phải là 1 diễn viên, thì tôi cho rằng hiện nay cái khó là tìm được những diễn viên chịu khó học hành.

VOH: NSƯT Trần Minh Ngọc vừa đề cập đến 1 vấn đề là nếu như chúng ta có thể đào tạo được những người đã từng là diễn viên cải lương thì khi đào tạo sẽ dễ dàng hơn và bản thân họ cũng sẽ tiếp thu tốt hơn. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, giảng dạy ở trường sân khấu và là trưởng khoa thì anh cho biết thêm qua từng năm tuyển sinh thì những bạn thi vào trường là những bạn chưa từng học cải lương hay như thế nào?

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt: Theo tôi được quan sát thì qua từng năm, khoa đạo diễn tuyển sinh thì có từ 40 đến 60% là diễn viên của nghệ thuật dân tộc thi vào. Nhưng cái việc mà tôi quan tâm nhất cũng giống như ý của đạo diễn Trần Minh Ngọc đó là tuyển các em vào và không có một cái giáo án, một cái lộ trình dành riêng cho kịch hát dân tộc đã rất nhiều năm nay. Vì vậy mà khi học, các bạn sẽ bị học chung chung, thành ra khi các bạn tốt nghiệp ra trường, lại gặp tình hình của sân khấu dân tộc hiện nay là thiếu vắng và khó có điều kiện tiếp cận. Thì khi đó các bạn sẽ dần rơi rụng nghề và không có điểm tựa. Tôi nghĩ rằng đây là cái điều mà hôm nay, chúng ta cùng thử tìm, mổ xẻ thêm, chúng ta thử tìm giải pháp nào đó trong vấn đề chúng ta đang rất thiếu nguồn nhân lực của sân khấu dân tộc. 

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt: Một thời gian thì Quốc Kiệt đã học đạo diễn sân khấu ở trường, về giáo án chuyên môn của sân khấu cải lương thì hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu. Quốc Kiệt nhớ là lớp của Kiệt khi tốt nghiệp ra trường là 18 bạn, nhưng mà đến khi thực tế làm chỉ còn khoảng 3 đến 4 người làm đạo diễn sân khấu cải lương thôi. Thì hiện nay đang thiếu là thiếu môi trường làm nghề, đặc biệt là sân khấu cải lương.

Tôi ví dụ, khi 1 lớp cùng học đạo diễn sân khấu, khi bước ra làm thì chủ yếu là làm kịch nói, hay ca nhạc, chứ làm về sân khấu thì rất hạn chế. Vì khi mà sân khấu cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn, điều đó dẫn đến định hướng của đạo diễn khi còn ở môi trường nhà trường sẽ rất trăn trở khi muốn định hướng cho mình đường đi đến với sân khấu cải lương. 

VOH: Chúng ta đang đề vấp đến việc giáo trình giảng dạy không phù hợp, vậy thì đã không phù hợp tại sao nhiều năm nay lại không có những kiến nghị để thay đổi, và theo như các đạo diễn thì phải làm sao có 1 giáo trình thật hay và hấp dẫn hơn đối với người học?

NSƯT - Đạo diễn Trần Minh Ngọc: Tôi cho rằng hiện nay, đứng về mặt quản lí nhà nước, Bộ giáo dục đào tạo xem sân khấu truyền thống cũng như kịch nói, đạo diễn kịch nói học 3 năm ra trường có thể làm nghề được nhưng với cải lương là phải từ 5 năm. Là vì các em phải có thời gian để học âm nhạc, và biết bao nhiêu thứ khác nhau của sân khấu truyền thống, vì nó còn có những đặc trưng riêng. Không thể nào áp dụng chương trình chung cho tất cả các khoa như hiện nay.

Tôi cho là chúng ta cần có 1 sự cải tiến. Rõ ràng là sân khấu cải lương của chúng ta hiện tại đầu ra không kích thích được người làm, bây giờ cả TP chỉ có mỗi nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đứng về phía quản lí tôi cho rằng chúng ta phải có 1 chiến lược lâu dài về việc nâng cao trình độ khán giả, nâng cao trình độ dân trí. Bởi vì chính khán giả mới là nguồn động viên người nghệ sĩ lao vào làm tác phẩm cho thật tốt. Hiện tại cung ít cho nên là cầu cũng ít chứ nếu cung nhiều thì cầu cũng sẽ nhiều theo. 

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt: Tôi đồng ý với câu nói của đạo diễn Trần Minh Ngọc là chữ chiến lược, nó phải thay đổi, tôi trở lại với việc vừa rồi, bây giờ với quy định chung là đạo diễn kịch nói với cải lương đều bằng số tiết học với nhau, tôi cho rằng như vậy là không hợp lí và khối lượng học hiện tại của các bạn sinh viên là yếu và thiếu. Thành ra tôi nghĩ là các đơn vị đào tạo, phải theo tình hình thực tế của địa phương và khu vực để mình chủ động đề xuất và có những biện pháp để làm sao tập trung đào tạo đánh vào mũi nhọn.

Để mình đào tạo ra những người làm chuyên môn, chuyên gia sau này về loại hình nghệ thuật đặc thù này. Và tôi nghĩ trong thời điểm như vầy, chưa có sự hỗ trợ lớn từ phía ban ngành thì tôi nghĩ rằng mỗi một cá nhân nên tự vận động, tự mình hoàn thiện kiến thức của mình. Chúng ta sẽ tìm ra được hướng đi cho mỗi người, ví dụ như hiện nay Quốc Kiệt thuận lợi là làm ở nhà hát, nhưng dĩ nhiên tôi hiểu khi dựng 1 vở cũng rất trăn trở, rất lo.

Hay như ở trường chúng tôi có những bạn đạo diễn trẻ, khi làm 1 vở tốt nghiệp cải lương là cả 1 vấn đề, rồi các bạn cũng khát vọng được tham gia các cuộc thi dành cho đạo diễn trẻ, hoặc những hội diễn, những liên hoan… để giới thiệu mình, để khẳng định mình, khẳng định  đam mê của mình, ngay cả tôi cũng vậy. Phải nói đó là cả 1 sự vất vả, cả 1 công trình, nếu như chúng ta không có sự tôi luyện, sự học hỏi ở đó.

Đạo diễn Quốc Kiệt: Tôi nghĩ kiến thức của 1 đạo diễn sân khấu không nằm ở phạm vi nhà trường mà  còn  nằm ở nhiều phạm vi khác, phải có  đam mê và học hỏi thì mới làm được nghề này. 

VOH:  Xin cám ơn các đạo diễn 

Kỳ 2 của tọa đàm đề cập đến cơ hội làm nghề và chiến lược ra sao để nâng tầm công tác đạo diễn và hấp dẫn được công chúng đến với sân khấu cải lương.

Ngọc Thu

Bình luận

Đọc Báo mới