Giáo dục sẽ phải thay đổi vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

(VOH) - Đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo hay những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu lao động sẽ gây ra sức ép lớn cho ngành giáo dục. 

Các trường dạy nghề, đại học không thể dự đoán được kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lai gần, do tốc độ thay đổi công nghệ quá nhanh. Vì vậy, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới mô hình giảng dạy là giải pháp rất cần thiết. Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học sẽ phải đối mặt với những yêu cầu về cải cách và cạnh tranh mới. Thói quen sính bằng cấp, chọn trường uy tín để học hay bảng điểm cao mới dễ được tuyển dụng có thể sẽ bị thay đổi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp. Ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu họ không trang bị kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo. Đề cập đến vấn đề này, VOH có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ DTT.

Ảnh minh họa: Chinhphu

VOH: Thực tế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới đang diễn ra rồi. Vậy trong vấn đề dạy nghề ở VN việc tiếp cận cuộc cách mạng này sẽ gặp phải khó khăn gì?

Ông Nguyễn Thế Trung: Cái khó khăn lớn nhất của dạy nghề Việt Nam là chúng ta không có những cái dự báo về nhân lực và thị trường nhân lực của chúng ta cũng chưa được định nghĩa một cách rõ ràng. Nó sẽ đến từ VN như thế nào và đến từ quốc tế thì như thế nào? Trong bối cảnh công việc nó sẽ thay đổi rất lớn.

Trong 10 năm tới người ta có thể ngồi tại đây và làm cùng lúc rất nhiều việc ở nhiều nơi trên thế giới. Thì mô hình dự báo đấy nó quyết định các trường nên đầu tư vào đâu v2 dạy nghề gì. Và không chỉ dạy một nghề cụ thể mà dạy những kỹ năng gì để học sinh có thể làm nhiều nghề, thì đấy là một thách thức. Thách thức thứ 2 là bản thân doanh nghiệp của chúng ta cũng tương đối bị động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và hiện giờ cũng rất bị động trong cuộc cách mạng lần thứ 4. Cho nên cũng chưa thể tạo ra sự đột phá để hỗ trợ nguồn nhân lực được. Cũng như các doanh nghiệp công nghệ cao bên Silicon Valley thì họ tự thành lập ra một trường và hó nói cái trường đó phải làm như vậy thì mới đào tạo được cho giai đoạn tiếp theo thì Việt Nam chúng ta chưa có việc đó. Cho nên tôi nghĩ công việc nó sẽ khó gấp nhiều lần so với những nước đi trước và chỉ có một cách duy nhất là bản thân các trường phải đổi mới, nâng cao năng lực của mình và các doanh nghiệp cũng phải dựa vào câu chuyện của các trường đang làm để hy vọng đấy là cái giải pháp cho mình. Hiện giờ các trường đang chạy theo một vài doanh nghiệp cụ thể để nói là tôi sẽ đào tạo chừng này thì sẽ ra làm việc cho các doanh nghiệp đó. Nhưng cái bối cảnh này sẽ thay đổi nếu bản thân doanh nghiệp đó không trụ được. Cho nên tôi nghĩ trong vấn đề này hai bên phải rất cần nhau để có hoạch định dựa trên những dữ liệu rất cụ thể của thị trường để cùng nhau bàn và tham dự các hoạt động về đào tạo, dạy nghề.

VOH: Theo quan điểm của ông, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng thế nào dưới Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo xu hướng tích cực hay tiêu cực, cơ hội hay thách thức, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Trung: Về căn bản cuộc cách mạng nào có xảy ra hay không thì cũng do con người có cho phép nó xảy ra hay không. Cho nên khi nó xảy ra chắc chắn nó phải mang lại cái điều tích cực cho chúng ta. Vấn đề là cái tích cực đó chỉ dừng ở việc chúng ta tiêu thụ các sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay là còn tích cực trong việc chúng ta có thể sản xuất và đáp ứng cho cả thế giới về một số phần nào đó trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì đấy là cái lựa chọn của chúng ta. Nếu chúng ta không làm gì cả thì đến ngày đó chúng ta cũng sẽ tiêu dùng sản phẩm công nghiệp lần thứ 4 và chắc chắn nó sẽ giúp ích cho chúng ta làm cho mỗi người chúng ta có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, như một nền kinh tế, sản xuất chúng ta tham dự vào cái chuỗi sản xuất đó, sản xuất được một số mặt hàng cung ứng cho thế giới trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì chúng ta sẽ tận dụng cơ hội đó tốt nhất.

VOH: Ông đánh giá như thế nào về cơ sở hạ tầng giáo dục mà Việt Nam đang có và với những cơ sở đó thì Việt Nam nên tập trung vào hướng nào để phát triển, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Trung: Về hạ tầng mà nói thì VN chúng ta đang có một cái hạ tầng về internet tương đối tốt và chúng ta có hạ tầng nguồn nhân lực tương đối trẻ. Đây là hai hạ tầng tôi nghĩ là sẵn có. Thế nhưng chúng ta lại thiếu hạ tầng về đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp lớn dẫn dắt sự phát triển của nền công nghiệp. Thế thì nếu nhìn như vậy thì chúng ta vẫn có cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nếu chúng ta tận dụng những người trẻ đó và nâng cao cái đổi mới sáng tạo và dựa trên internet để tiến đến thị trường toàn cầu thì chúng ta sẽ có những thách thức rất lớn trong các ngành công nghiệp sản xuất mà nó đòi hỏi những thiết bị chẳng hạn như cơ khí chính xác. Chúng ta không có khả năng làm ra những thiết bị ngay trong ngày 1 ngày 2 mà có độ chính xác cao như của Nhật của Mỹ. Như vậy chúng ta sẽ phải hợp tác với những đối tác họ tham dự vào thị trường Việt Nam. Có thể là hướng đến sản xuất cơ khí chính xác, ô tô không người lái tại thị trường VN. Tôi nghĩ là qua cái đó sẽ tạo ra thêm cái hạ tầng cho doanh nghiệp khác và những nhân lực có thể phát triển được.

VOH: Dưới góc nhìn của ông thì Việt Nam, cần có một chiến lược dài hơi thế nào để ứng phó cũng như tận dụng được cơ hội mà cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang đến?

Ông Nguyễn Thế Trung: Để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này thì tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý với nhau là giải pháp cải cách giáo dục và tạo ra những cái hạ tầng xã hội. Không chỉ là hạ tầng cứng mà cả hạ tầng mềm. Đặc biệt là hạ tầng hỗ trợ cho đổi mới, sáng tạo là cực kỳ quan trọng. Theo tôi, Việt Nam sẽ phải nâng cao nồng độ về khoa học công nghệ trong các hoạt động của mình một cách cụ thể và đặc biệt là đổi mới sáng tạo chứ không phải chỉ là nghiên cứu hàn lâm nữa. Và đặc biệt là phải thay đổi giáo trình và cách thức dạy học từ cấp phổ thông cho đến dạy nghề và cấp đại học.

VOH: Vậy ông có lời khuyên gì cho những cơ sở giáo dục, dạy nghề cũng như các doanh nghiệp trước sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0?

Ông Nguyễn Thế Trung: Trong bối cảnh mới này thì doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều cạnh tranh. Chúng ta lại không có lợi thế của người đi đầu về công nghệ, cho nên chúng ta sẽ phải dựa vào con người. Doanh nghiệp nên nhìn thấy trong cuộc này họ rất cần các trường dạy nghề cùng với họ chuẩn bị cho một thế hệ làm việc mới mà đối diện với một môi trường làm việc phức tạp hơn. Đặc biệt là máy móc nó sẽ đòi thay thế con người rất là nhiều. Nếu chúng ta không có một lực lượng lao động mà có thể vượt lên trên máy móc, giải quyết những vấn đề phức tạp và hiệu quả hơn thì rất khó cho bản thân doanh nghiệp. Cho nên theo tôi bản thân các trường dạy nghề và doanh nghiệp phải thật sự ngồi lại làm việc một cách sâu sắc chứ không phải chỉ là hợp tác trên câu chuyện là tôi cần anh cái này và anh cần tôi cái kia. Mà cùng nhau nhìn thấy cơ hội cũng như thách thức đó để cùng nhau giải quyết.

VOH: Cảm ơn 

Phương Dung

Bình luận

Đọc Báo mới