Giăng bẫy trẻ trên mạng xã hội - Thời sự 11 giờ 11/6/2018

(VOH) - Khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng, bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, trẻ em có nguy cơ gặp nhiều rủi ro

Những rủi ro đó thể hiện qua các hình thức khiêu dâm, dụ dỗ chat sex, nhận hình ảnh khiêu dâm, bắt nạt... đang có xu hướng gia tăng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cách phòng tránh trẻ em nghiện mạng, nghiện game đang là vấn đề mà xã hội quan tâm. Mời quý vị nghe bài 1 của Loạt bài: Những hiểm họa đối với trẻ trong thế giới ảo do Phóng viên Phương Dung thực hiện, có nhan đề: Giăng bẫy trẻ trên mạng xã hội:

Theo số liệu thống kê từ Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan lạm dụng trẻ em trên thế giới được đưa lên internet. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm và không được thống kê. Trong khi đó, cha mẹ không thể ngăn cấm trẻ em tiếp xúc với môi trường mạng:

Các thiết bị công nghệ có khả năng gây nghiện, khi bị ép buộc chia tay với thiết bị, trẻ dễ nổi cáu, bực bội. Vì vậy, điều chúng ta cần là giáo dục cho các em biết cách xử lý và đối mặt với các rủi ro để tự bảo vệ mình trong môi trường mạng rộng lớn. Giúp các em phát triển lành mạnh, tự chủ, tự bảo vệ bản thân trong cuộc sống hiện tại như ý kiến của các em.

Thực tế việc các em không được hướng dẫn cách sử dụng mạng internet đã dẫn đến những hậu quả đau lòng. Theo lời kể của Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, mới đây có 4 trường hợp ở quận 3, quận 4, quận 8 và quận 9 đã bị xâm hại tình dục ngoài đời thật sau khi các em lên mạng facebook làm quen. Tại quận 3, em gái học lớp 10 sau khi được mẹ mua cho điện thoại Smartphone, em đã lên mạng làm quen với một nhân viên khách sạn. Được bạn trai mới quen rủ đi ăn trưa rồi sau đó đưa về khách sạn thực hiện giao cấu nhưng em đã không dám nói với mẹ, chỉ khi cô giáo thấy em có biểu hiện lạ mới báo với phụ huynh. Còn trường hợp ở quận 4, hai em quen nhau trên mạng xã hội và sau đó có quan hệ tình dục khi cả hai mới ở lứa tuổi 15, vì vậy không đủ cơ sở để khởi tố. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, cho biết trường hợp quen trên mạng hiện nay rất nhiều, bị rủ rê, lôi kéo nhiều lắm. Các em không dám nói ra, nhưng về sau cũng có nói. Bây giờ trẻ lên internet để học nhưng mấy trang web đó đâu phải chỉ để học mà nó nhảy ra những hình ảnh dẫn đến những mối quan hệ không tốt. Lên những trang mạng không cần thiết khi các em bị xâm hại trên mạng, tìm chứng cứ rất khó. Tốt nhất các em không nên lên mạng tìm hiểu vấn đề  hay làm quen với người khác.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Kỹ thuật viên Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, các em không nên tiết lộ thông tin thuộc bí mật cá nhân vì dễ bị kẻ xấu sử dụng thông tin đó để lôi kéo, kích động các em vi phạm pháp luật, xâm hại tình dục, bóc lột và lừa đảo qua các trò chơi trên mạng. Bên cạnh đó, cha mẹ nên đặt máy tính ở trong phòng ngủ của mình để có thể quan sát được con cái của mình đang truy cập những gì, đồng thời cài đặt những phần mềm có thể giám sát được hoạt động của các em. Đối với các em lớn hơn, cha mẹ không có nhiều thời gian và cũng không thể quản lý con về mặt thời gian. Vì vậy, thay vì cấm đoán, chúng ta nên trò chuyện, giúp trẻ nhận biết các mánh khóe của kẻ xấu, có kỹ năng đề phòng khi tham gia vào mạng xã hội: "Quan trọng nhất là các em cần tự bảo vệ chính mình, bao gồm bảo vệ thông tin cá nhân, tỉnh táo trong việc kết bạn, kết giao với những người lạ. Tránh đưa ra những nội dung mà sau này khiến các em hối hận như là về tâm tư đối với cha mẹ. Tâm tư đối với nhà trường, thầy cô giáo hay đối với người khác trong xã hội"

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững cho biết: có rất nhiều trường hợp các em khi bị xâm hại tình dục sau khi lên mạng xã hội làm quen với người lạ. Nhưng đa phần các em thường sợ hãi, không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội và để lại hậu quả nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe. "Khi các em trở thành nạn nhân của xâm hại thì dù là xâm hại ở trong đời thực hay ở trên mạng thì nó không ảo chút nào. Nó rất thật và nó ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý, ảnh hưởng hậu quả là những chấn động mà người lớn chúng ta không hình dung hết được. Lúc đó rất cần sự quan tâm của cha mẹ, của nhà trường và đặc biệt là sự hỗ trợ của cán bộ tâm lý để có thể hỗ trợ các em vượt qua khủng hoảng" - Bà Nguyễn Phương Linh cho biết

Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Vì vậy, hơn ai hết, chính trẻ em là người phải biết tự bảo vệ chính mình. Hãy lựa chọn truy cập những trang web rõ nguồn gốc, tránh truy cập những trang web được gửi đến từ những địa chỉ lạ. Nếu có những tin nhắn, email có vẻ khả nghi thì không nên click vào.

VOH

Bình luận

Đọc Báo