Công tác phê bình điện ảnh: Cần chuẩn mực hơn!

(VOH) - Trong những năm gần đây xã hội hóa điện ảnh phát triển nhanh chóng, đồng nghĩa kéo theo sự nở rộ của các hãng phim tư nhân với tần suất sản xuất phim nhiều hơn. Không đề cập đến mảng truyền hình, chỉ tính riêng mảng điện ảnh thì cuộc cạnh tranh đã vô cùng khắc nghiệt.

Nếu vài năm trước đây điện ảnh Việt chỉ ra rạp vào các dịp lễ Tết, thì giờ đây khán giả có thể thưởng thức nhiều bộ phim Việt vào tất cả các tháng trong năm. Số lượng nhiều nhưng chất lượng không đồng đều.

Để đánh giá là bộ phim hay, khán giả thường dựa vào sự đánh giá của báo chí. Khán giả giờ đây quá quen thuộc với những phát ngôn “bộ phim sau 3 ngày công chiếu thu về vài chục tỷ đồng”, dễ gây nhầm lẫn về một bộ phim ăn khách khi không có sự kiểm chứng nào.

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nhận được nhiều lời đánh giá tích cực từ các nhà làm phim. Ảnh minh họa. 

Nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long, cho biết: Trước đây đánh giá về một bộ phim cần một đội ngũ lý luận phê bình giỏi nghề và thẳng thắn, thẳng thắn ở đây là góp ý trên tinh thần xây dựng chứ không phải trù dập để phim chết yểu. Nhưng hiện giờ công tác lý luận phê bình lại đang nằm trong tay một bộ phận báo chí không được đào tạo về nghiệp vụ. 

Cách đây vài năm, thời phim hài nhảm lên ngôi, sau mỗi dịp tết con số thống kê  tiền vé thu được làm nhiều người chóng mặt, và chuyện “thổi phồng” doanh thu để câu khách là hoàn toàn có thực, bởi doanh thu các bộ phim tại thị trường Việt Nam từ trước đến nay vẫn chỉ mang tính một chiều do phía nhà sản xuất, phát hành của bộ phim cung cấp.

Trước đó, để khán giả nhớ mặt đặt tên, trên báo có những bài hậu trường, bài viết về nhân vật chính, thậm chí những scandal liên quan đến phim… để phim ngày càng “lan tỏa” sâu rộng. Tất cả đều có sự giúp sức của những người nắm mảng điện ảnh.

Nhưng khán giả không thể bị lừa dối mãi, cái thời của phim “Khi đàn ông có bầu, Hello cô Ba, Nàng men chàng bóng”… như giọt nước làm tràn ly về sức chịu đựng của khán giả, nhiều người cảm thấy như mình đang bị lừa.

Nghệ sĩ nhân dân, Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết về thực trạng này: “Lý luận phê bình điện ảnh không có một đội ngũ uy tín, có tiếng nói, không có tác động gì đến đời sống sinh hoạt điện ảnh. Trước tình hình đó rõ ràng báo chí chính là người hướng dẫn dư luận, báo chí là ai, khi nói tờ báo thì thực sự chỉ có 1 người được phân công theo dõi nắm mảng điện ảnh, đó lại gọi là dư luận của tờ báo. có phim chưa ra nhưng quảng cáo rất hay rồi người xem đi coi cảm thấy thất vọng”.

Có thể nói, chưa bao giờ trở thành nhà lý luận, phê bình lại dễ dàng như hiện nay. Khi nhiều kênh thông tin, trang mạng xã hội phát triển, ai cũng có quyền nói lên quan điểm cá nhân của mình trước mọi vấn đề. Người đọc phải tự chọn trong hàng loạt thông tin ấy để lọc ra điều hữu ích, mà không có một người định hướng cho những thước đo giá trị ấy. Đây là công việc của những chuyên gia, lý luận phê bình nhưng mọi thứ đều bị bõ ngõ.

Nhà phê bình Đoàn Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh từng nhận xét: lĩnh vực điện ảnh vốn lâu nay đã bị “chết chìm” trong giá trị hoang mang vì phát triển thiếu định hướng. Điều này hoàn toàn đúng bởi chưa có một tiêu chí cụ thể để đánh giá, phê bình một tác phẩm điện ảnh, dẫn đến tình trạng phê bình cảm tính, thiếu khách quan, làm cho giá trị công tác phê bình bị xem nhẹ.

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại còn yếu và thiếu, Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy- Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM cho biết: “Để làm được công việc lý luận phê bình theo đúng nghĩa của nó thì rất khó, đội ngũ hiện nay mỏng, viết đòi hỏi có năng lực hiểu biết để đánh giá phê bình có tính chính xác và độ tin cậy. Để khắc phục điều này chúng ta phải xây dựng đội ngũ thật sự chuyên nghiệp, muốn như vậy phải đào tạo cho họ có năng lực và đạo đức về nghề nghiệp”.

Đào tạo đội ngũ kế thừa là công việc cần làm cấp bách nhưng đào tạo thế nào để đáp ứng nhu cầu của thời đại lại là một điều không đơn giản. Ngay cả những trường có chuyên ngành lý luận phê bình, như: Đại học Sân khấu điện ảnh cũng rất khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, tìm giảng viên, lên giáo trình. Vì thế hệ lý luận phê bình tốt nghiệp trước đây, nay đã già yếu, hầu hết chuyển sang công tác quản lý. Vài năm Trường chỉ mở một khóa học, và cũng không nhiều người trụ lại được với nghề. Nói như nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long thì “đất đâu mà viết”.

Lý luận đi liền với sáng tác, nếu chỉ diễn ra một chiều sẽ dẫn đến tình trạng lệch lạc, và thiếu chuẩn mực. Để tìm được giải pháp mang tính khả thi, không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần phải có định hướng lâu dài. Muốn như vậy, hơn ai hết báo chí cần khách quan và chuẩn mực hơn để  khán giả tìm được những thông tin bổ ích, cần thiết trong lúc có nhiều thông tin đa chiều hiện nay.

 

Hải Hạnh

Bình luận

Đọc Báo