Riêng 4 địa phương là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã đóng góp đến 50% GDP cả nước.
Với đóng góp này, từ lâu, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xác định là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, tại diễn đàn bàn về cơ chế chính sách phát triển kinh tế của Vùng diễn ra vừa qua tại TPHCM, các tỉnh, thành này đều thẳng thắn nhìn nhận, trọng trách thì lớn nhưng mức độ liên kết của Vùng này còn kém do thiếu cơ chế đặc thù để quản lý. Đa số ý kiến đều cho rằng, muốn kinh tế phát triển, rất cần cơ chế riêng cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lâu nay vẫn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Đây cũng là Vùng duy nhất hiện nay hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt phát triển công nghệ cao, công nghiệp điện tử-tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu…
Ảnh minh họa.
Riêng TP.HCM đã tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, tạo ra lợi thế so sánh cho vùng, cung cấp nguồn nhân lực cho các vùng khác của cả nước. Tuy phát triển như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện vấn đề liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế, trong đó, công tác tổ chức quy hoạch chung còn yếu kém, chưa tạo sự gắn kết thống nhất, đồng bộ kéo theo sự phát triển cũng manh mún, không đồng đều. Ngay cả các doanh nghiệp rất khó phát triển khi thiếu sự kết nối.
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu TPHCM nhìn nhận: “Ngành dệt may, chiếm tỷ trọng rất lớn, so với cả nước chiếm khoảng 40% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên thời gian qua, sự phát triển còn mang tính thụ động, chưa chủ động kết nối với nhau nhiều. Từ đó, kéo theo sự phát triển chậm, hiệu quả thấp”.
Đại diện tỉnh Đồng Nai cũng nhìn nhận thực tế hiện nay, các tỉnh trong Vùng hiện đang phải điều tiết ngân sách về trung ương rất cao, do đó cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Vùng không được đầu tư đúng mức, không đáp ứng được nhu cầu và thậm chí chậm hơn các Vùng khác.
Từ bất cập này, lãnh đạo thành phố đề nghị Chính phủ xác định lại tỉ lệ điều tiết cho ngân sách của địa phương tương ứng với đóng góp ngân sách của từng tỉnh, thành phố với ngân sách trung ương. Từ đó, tạo nguồn lực cho các tỉnh, thành phố tăng đầu tư trở lại cho phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Trước mắt, Chính phủ cần ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm; quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics. Đồng thời, kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh: Giao thông, cảng, bến, kho bãi, mạng thông tin quản lý, tài chính, ngân hàng, hải quan, thuế…
Đồng tình về việc đã quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm cần phải có cơ chế hoạt động và liên kết cụ thể, đại diện tỉnh Tiền Giang, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Bình Dương đều thống nhất ý kiến đề xuất Trung ương sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy Vùng kinh tế này phát triển, đặc biệt chú trọng đến giao thông đô thị, y tế, giáo dục.
GS. TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM bày tỏ quan điểm: “Cái mấu chốt phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho đến thời điểm này, theo tôi vẫn là vấn đề ủy quyền và phân cấp…”.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, muốn phát triển kinh tế Vùng, cần phải đề cập đến cơ sở quyền lực của Vùng và nguồn lực, cơ sở kinh tế nào để liên kết Vùng phát triển. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện đóng góp hơn 50% GDP cả nước nhưng nếu không có cấu trúc đặc thù, không có thể chế riêng thì rất khó mà đột phá:
“63 tỉnh thành hiện nay, không liên kết với nhau nên dẫn đến việc phát triển rất kém hiệu quả. Do đó chúng ta mới bàn về việc liên kết phát triển Vùng, phải vượt qua được tư duy tỉnh thành độc lập. Nguồn lực phát triển, liên kết phát triển phải khác hẳn đi thì mới được. Vượt qua điều này chúng ta mới bàn được. Thể chế Vùng phải là cách tiếp cận mới về thể chế, chứ không phải phát triển dựa trên thực tế từng tỉnh độc lập với nhau…”.
Tuy nhiên, ở vị trí quản lý, điều tiết ngân sách, theo ông Ngô Đông Hải - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế trung ương, các đề xuất này đều thực hiện không dễ. Hiện có 3 vấn đề mấu chốt gây khó khăn cho liên kết Vùng.
Trong đó, luật pháp về tổ chức chính quyền hiện không cho phép thành lập một cơ chế quyền lực trung gian nằm trên các tỉnh thành và dưới trung ương. Ngoài ra, mỗi tỉnh đang phát triển như một nền kinh tế độc lập, lãnh đạo các tỉnh phải chịu áp lực hàng năm về phát triển kinh tế. Do đó, không ai có thể từ bỏ quyền lợi của địa phương mình vì quyền lợi chung. Cũng theo ông Hải, hiện quy mô, trình độ phát triển kinh tế xã hội của các địa phương chưa đến mức buộc các địa phương phải liên kết với nhau để phát triển tiếp.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng vẫn cho rằng, lúc này đang rất cần cơ chế liên kết hiệu quả, gắn địa phương với cả vùng thành đặc khu kinh tế mở cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: “Đinh La Thăng “Từng địa phương trong Vùng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Vùng, chung sức, đồng lòng và trách nhiệm cùng các địa phương trong Vùng xây dựng triển khai cơ chế chính sách mang tính đốt phá và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nói như PGS.TS Trần Đinh Thiên, chúng ta phải xây dựng được cấu trúc liên kết bền vững. Cơ chế hiệu quả của từng địa phương, của Vùng phài gắn với nhau. Hiệu quả địa phương cũng chính là hiệu quả của Vùng…”.
Lãnh đạo TPHCM mong muốn các bộ, ngành hỗ trợ triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông đã có quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm sự thống nhất với quy hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực trong từng vùng.
Trong khi chờ cơ chế mới, các địa phương cũng cần chủ động khai thác hiệu quả các chủ trương hiện có, cải thiện tình hình, tăng khả năng kết nối giao thông giữa Đồng Nai và TPHCM, sớm triển khai dự án sân bay Long Thành, xử lý tình trạng kẹt xe ở khu vực ra vào cảng Cát Lái, tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ phía Đông của thành phố.