Các nội dung chất vấn xoay quanh vấn đề: giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Trả lời chất vấn trong những phút cuối của phiên chất vấn hôm qua, 14/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thừa nhận hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công thời gian qua chưa hiệu quả, dẫn tới đầu tư dàn trải, nhiều dự án có vốn được phê duyệt gấp 3 lần so với khả năng thu xếp vốn.
Tiếp đó, các đại biểu đã tranh luận lại với bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – đoàn TP.HCM đặt câu hỏi cho bộ trưởng và cả Chính phủ vấn đề liên quan đến Luật Đầu tư công không hề giao Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền ủy quyền, nên quy định Hội đồng nhân dân có thể ủy quyền cho thường trực Hội đồng nhân dân phê duyệt một số loại dự án là phạm luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Thể - đoàn Sóc Trăng nêu ý kiến xoay quanh Luật đầu tư công và nghị định của Chính phủ, với nhiều thủ tục, dường như đang làm chậm, thậm chí là rào cản cho việc thu hút đầu tư, đặc biệt là theo hình thức đối tác công – tư.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – đoàn TPHCM cũng đưa ra ý kiến tranh luận liên quan đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua hạn chế, khó khăn.
Với câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua hạn chế, khó khăn, Bộ trưởng Chí Dũng giải trình: Do điều kiện đất đai của ta nhỏ lẻ, manh mún, không có diện tích lớn như cánh đồng mẫu lớn, nên chưa thể áp dụng khoa học kỹ thuật.
Với câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh về thủ tục các dự án PPP (đối tác công tư) làm sao để thu hút nhiều đầu tư hơn, bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thủ tục cho các dự án PPP đang có vấn đề, do đó đang nghiên cứu đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 15.
Ngoài ra, về đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã có kế hoạch từ tháng 8 năm 2014 và được Quốc hội thông qua ở kỳ họp thứ 2 vừa rồi. Còn một số dự án đã khởi công nhưng chưa đủ thủ tục, khoảng 13.000 tỉ đồng.
Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị các địa phương, bộ ngành tập trung thông báo, xây dựng kế hoạch, hoàn thiện thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân, vì thời gian qua ta giải ngân thấp và chậm.