THỜI SỰ AM 610 KHZ - 28/9/2016
(VOH) - Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ sẽ góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho nông dân. Đây là con đường tất yếu để đưa nước ta tiến lên nền kinh tế phát triển hiện đại
Trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, cũng như cải tiến quy trình sản xuất, tạo động lực để nông nghiệp phát triển bền vững. TP.HCM có nhiều tiềm năng và môi trường thuận lợi để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, thành phố còn quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt để nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật.
Ảnh minh họa - Nguồn: KTVN
Thông qua việc tuyên truyền, vận động, nhận thức của nông dân về khoa học công nghệ ngày càng được nâng cao, giúp nông dân mạnh dạn lựa chọn những công nghệ thích hợp để mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong 10 năm qua, Hội Nông dân đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cung cấp 2.000 thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, những tấm gương điển hình trong sản xuất đến các hội viên nông dân. Hội còn hướng dẫn nông dân tiếp cận Internet để truy cập, tìm hiểu những kỹ thuật mới trong nước và trên thế giới để áp dụng vào sản xuất. Với việc thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ đã có nhiều chuyển biến. Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cho hay: “Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Trung ương Hội đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa của khoa học công nghệ trong cán bộ, hội viên nông dân, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới nói chung và nâng cao chất lượng công tác hội, phong trào nông dân thành phố nói riêng. Chất lượng các cuộc tập huấn và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng lên. Các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả đạt giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nông dân”
Bên cạnh đó, Hội còn chủ động phối hợp với các ngành khoa học, khuyến nông, khuyến ngư, Sở Khoa học và Công nghệ, Khu Nông nghiệp công nghệ cao… để hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây con giống cho nông dân. Từ đó, xây dựng nhiều mô hình đạt hiệu quả như mô hình trồng cây giảo cổ lam phục vụ thị trường dược liệu trong nước và xuất khẩu tại huyện Củ Chi, mô hình máy sấy cá dứa, nuôi ốc hương, tôm thẻ sạch tại huyện Cần Giờ, nghiên cứu chế tạo các thiết bị hỗ trợ sản xuất bánh tráng…
Nhờ đầu tư trang bị nhiều máy móc trong quá trình sản xuất, như máy tráng bánh, máy xay bột, máy dập bánh, nồi hơi... cơ sở sản xuất bánh tráng của bà Phạm Thị Minh Linh, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn hoạt động ngày càng hiệu quả, sản xuất ra những chiếc bánh tráng chất lượng, phục vụ cho việc xuất khẩu. Bà Phạm Thị Minh Linh chia sẻ: “Sử dụng máy móc thì sản lượng tăng, năng suất cao hơn. Hồi xưa tráng thủ công mình ngồi tráng thì một ngày nếu hai người chỉ khoảng được 10 - 20 kg. Bây giờ có máy thì sản lượng tăng lên gấp 10 lần. Đa số bây giờ người ta tráng bằng máy, có nơi người ta sấy luôn, khỏi phải phơi, khỏi phụ thuộc thời tiết, phơi phụ thuộc thời tiết thì bị hư nhiều”
Hiện nay, khoa học công nghệ rất được chú trọng, đòi hỏi nông dân phải thường xuyên học hỏi, suy nghĩ để cải tiến quy trình sản xuất, góp phần tăng nâng suất lao động, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, rút ngắn thời gian chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn liền với ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo nên một đội ngũ nông dân mới, năng động, sáng tạo, hiện đại, đạt nhiều thành tích trong sản xuất. Đồng thời, sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao kiến thức, khoa học kỹ thuật cho những nông dân khác. Ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè không chỉ thành công trong việc đưa cây lan về phát triển trên vùng đất phèn mà còn tích cực hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con, góp phần phát triển nông nghiệp ở địa phương. Ông Hùng khẳng định: “Nông dân bây giờ không nắm được khoa học kỹ thuật là thua. Nông dân bây giờ không phải như hồi xưa, giao cho trời cho đất mà phải tự mình tạo. Chăn nuôi, trồng trọt gì cũng phải áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhà Bè trước đây không trồng lan được vì đất phèn, nhưng mình mạnh dạn trồng hoa lan, rồi làm điểm cho bà con học hỏi, tham quan rồi người ta làm”
Không chỉ có vậy, nông dân ngày nay còn chịu khó nghiên cứu, cải tiến công cụ, thiết bị máy móc để phục vụ sản xuất và đời sống, giúp tiết kiệm thời gian, công sức lao động. Thông qua hội thi Kiến thức và Sáng tạo nhà nông, đã góp phần khuyến khích phong trào sáng tạo, cải tiến trong sản xuất nông nghiệp của nông dân thành phố. Điển hình là anh Nguyễn Trung Lập, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, sau khi đạt giải nhì của hội thi, đã tự tin, mạnh dạn tiếp tục cải tiến, sáng chế thêm nhiều máy móc như máy ủ phân bò, máy kéo cỏ… giúp việc sản xuất ngày càng thuận lợi. Anh Lập cho biết thêm: “Lao động tại địa phương thì ít, mà thuê mướn người thì giá thành cao, không hiệu quả trong chi phí chăn nuôi. Mình chế ra máy móc thay thế sức con người, thì đỡ mất thời gian, về sức khỏe. Không có gì sáng tạo ra thành công và hiệu quả bằng chính người đó trực tiếp lao động và trực tiếp sản xuất”
Muốn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhất thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ, tăng cường điện khí hóa, cơ giới hóa, đổi mới quy trình sản xuất. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay còn chưa đồng bộ, chưa kết nối các thông tin để nâng cao hiệu quả sản xuất. Các cách làm hay, hiệu quả chưa được nhân rộng và cập nhật thường xuyên. Vì vậy, các hoạt động khoa học công nghệ phải gắn liền với thực tiễn sản xuất và xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân.
Ông Trần Văn Làm, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban công tác phía Nam nêu ý kiến: “Những sáng tạo, sáng chế, những máy móc nhỏ để phục vụ hằng ngày trong nông nghiệp thì là ứng dụng công nghệ. Mình phải phát huy cái này, tập trung tiếp tục ủng hộ cho họ, họ làm cho thành công thì tốt. Còn công nghệ thông tin, vi tính, biết được thế giới, biết được tỉnh này, tỉnh khác để áp dụng vào đồng áng thì rất hay”
Hội Nông dân cần tích cực, chủ động nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nông dân thành phố ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin thị trường vào các hoạt động sản xuất cũng như đời sống. Đặc biệt là tăng cường áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy đề nghị: “Hội Nông dân thành phố cần nghiên cứu, đề xuất các hình thức hỗ trợ phù hợp cho hội viên nông dân trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện cho nông dân thoát nghèo bền vững để tiến tới làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục phát huy việc tổ chức thi và tôn vinh các nhà nông với sáng tạo, những nông dân tiêu biểu, đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình tiên tiến trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Chúng ta phải xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp hội cũng như của địa phương”
Tới đây rất cần phải khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành. Đồng thời, chú trọng đến việc đào tạo kiến thức cho nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống nông thôn, tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước.