Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ký kết hợp đồng cam kết 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp giữa nhà trường và sinh viên. Đặc biệt, sự cam kết này diễn ra tận cấp khoa, đợt này có 5 khoa thực hiện ký cam kết việc làm cho sinh viên bao gồm: Y – Dược, Kỹ thuật công trình, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Du lịch và Ngoại ngữ. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường cho hay, thực hiện chương trình “Hợp tác đào tạo và tuyển dụng cùng doanh nghiệp”, nhiều năm qua Trường xây dựng một mô hình đào tạo khoa học, mang tính thiết thực cao và quan hệ bền chặt với các doanh nghiệp: “Cấp Trưởng khoa ký kết với người học, bởi vì Trường quan niệm cấp Khoa là nơi trực tiếp đào tạo và quyết định chất lượng đào tạo, nên Trường giao cho Khoa. Trong công tác tuyển sinh, trường đảm bảo yếu tố nâng cao chất lượng, làm sao cho các em ra trường có việc làm 100%, nhà trường đã, đang và sẽ làm. Việc ký kết này sẽ giúp cho sinh viên, không còn lo lắng việc thất nghiệp sau ra trường nữa mà các em chỉ lo tập trung cho việc học”.
Bên cạnh chính sách cam kết việc làm sau ra trường để người học yên tâm, nhiều trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay còn có những hướng đi khác nhau, chính sách hấp dẫn để thu hút người học, nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực hướng đến thị trường lao động nước ngoài. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành - Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng Bách Việt cho hay, trong công tác tuyển sinh mỗi năm của Trường đều phải cần sự đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu xã hội:“Trường năm nay chủ yếu tập trung đào tạo một số ngành nghề hiện thị trường lao động Nhật đang rất cần. Từ trước đến nay, Trường vẫn tiếp tục đẩy mạnh chương trình Internship – là chương trình cho sinh viên năm cuối đi thực tập tại Nhật và có thu nhập, sau đó về nước hoàn thành chương trình cao đẳng của Trường, xong quay trở lại Nhật làm việc nếu có nguyện vọng. Thu nhập của các em rất cao. Trường thực hiện chương trình này đã được hai, ba năm nay”.
Hiện nhiều trường đã chủ động thực hiện tốt nội dung gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, với thị trường lao động thông qua việc ký kết hợp tác song phương nhà trường – doanh nghiệp để thực hiện tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho học viên sau tốt nghiệp. Có thể kể đến, tại nhiều lễ tốt nghiệp của nhiều trường, luôn có từ một vài đến hàng chục doanh nghiệp tham dự để thực hiện ký kết hợp đồng tuyển dụng ngay với học sinh - sinh viên tốt nghiệp.
Theo đánh giá mới đây của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, tỷ lệ học sinh sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp đạt khoảng 80%. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên cao đẳng sau tốt nghiệp khoảng 6 triệu đồng/tháng, trung cấp sau tốt nghiệp khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Một số ngành, nghề khối kỹ thuật, nhà hàng, khách sạn có mức lương khá cao từ 8 – 12 triệu đồng/tháng, có những nghề ở một số trường sinh viên tốt nghiệp có mức lương lên đến 10 – 15 triệu đồng/tháng.
Về cơ hội và thách thức của giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh tuyển sinh 2020, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng, có những thách thức mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phải mạnh mẽ thay đổi: “Bây giờ chúng ta phải nâng cao chất lượng, tập trung vào đào tạo chất lượng cao. Nhưng chất lượng cao lại không hề rẻ, cho nên bài toán về quy mô – chất lượng – chi phí luôn đi với nhau. Làm sao để phá vỡ được tam giác này – các trường phải thay đổi về tư duy, phương pháp, cách làm, phải số hóa ứng dụng công nghệ thông tin. Chỉ có ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong quản trị, trong phát triển nhà trường, trong tổ chức đào tạo thì mới phá vỡ được tam giác này. Muốn tăng quy mô với chi phí thấp, chất lượng vẫn đảm bảo thì phải làm như vậy. Đây là chuyện các trường cần phải thay đổi, trước hết là tư duy người lãnh đạo, không chỉ đơn thuần là nhà giáo dục mà cần phải có tư duy thị trường”.
Ông Trương Anh Dũng cũng nhấn mạnh, có 5 yêu cầu mới đặt ra đối với các trường, đó là số hóa, xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, yêu cầu chuyển đổi cơ chế hoạt động cơ chế tài chính sang mô hình tự chủ; Vấn đề đào tạo gắn với doanh nghiệp gắn với thị trường; kể cả yêu cầu những kỹ năng mới cho người học, đơn cử như kỹ năng số, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp… đòi hỏi cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tự thay đổi để thích ứng với bối cảnh tuyển sinh mới.
Thùy Linh