Trường đại học sáng tạo trong mùa dịch Covid-19 - Thời sự 11g 6/5/2020

(VOH) - Chung tay trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã nhanh chóng bắt tay nghiên cứu, cho ra đời nhiều giải pháp sáng tạo cùng toàn xã hội chống dịch.

Chưa bao giờ vai trò nghiên cứu, trách nhiệm cộng đồng của các trường đại học được thể hiện nổi bật trong thời gian qua.

Trong đại dịch Covid-19, người dân được Bộ Y tế khuyến cáo hạn chế tiếp xúc, đến những nơi đông người và giữ khoảng cách với nhau khi giao tiếp. Nhiều nơi đã áp dụng các giải pháp khác nhau như in, vẽ các dấu hiệu đánh dấu vị trí, dùng vật dụng đánh dấu, hoặc có sự hướng dẫn của tình nguyện viên. Góp phần để biện pháp giãn cách xã hội hiệu quả hơn, mới đây, nhóm sinh viên và nghiên cứu viên chuyên về lĩnh vực thị giác máy tính thuộc Phòng thí nghiệm truyền thông đa phương tiện của Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Hệ thống hỗ trợ giám sát đảm bảo khoảng cách an toàn thông qua camera, vừa được thử nghiệm thành công. 

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Thành, Trưởng phòng thí nghiệm Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hệ thống này do sinh viên Trường thực hiện với hỗ trợ và hướng dẫn của các giảng viên tại Phòng thí nghiệm Truyền thông đa phương tiện và Khoa Khoa học máy tính: “Với hình ảnh từ camera quan sát, hệ thống sử dụng công nghệ về trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính, tự động xác định vị trí và ước lượng khoảng cách giữa những người xuất hiện trong khung hình. Từ thông tin tương tác được, hệ thống sẽ có cảnh báo khoảng cách giữa người với người không đảm bảo. Xét về mặt ý tưởng và công nghệ sử dụng không hoàn toàn mới so với thế giới, nhưng Hệ thống có giá trị ứng dụng cao trong tình hình hiện nay, khi cả nước chung tay phòng chống dịch Covid-19. Đây là cơ hội để các sinh viên vận dụng kiến thức đã học của mình vào giải quyết các vấn đề thực tế, đồng thời giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của sinh viên với cộng đồng và xã hội”.

Tiến sĩ Ngô Đức Thành cũng cho biết thêm, hệ thống hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm với dữ liệu tự thu thập được, cần tinh chỉnh để phù hợp với các môi trường và yêu cầu ứng dụng thực tế khác nhau. Nhóm nghiên cứu sẵn sàng hợp tác với các đơn vị quan tâm để thử nghiệm và tiếp tục phát triển hệ thống này để có thể sớm đưa vào sử dụng.

Khi tham gia cùng cả nước chống dịch, nhận thấy nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên y tế khi trực tiếp thực hiện công việc khử khuẩn tại các bệnh viện, khu cách ly là rất cao mặc dù đã có trang phục bảo hộ; Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã khẩn trương tìm kiếm ý tưởng, thảo luận đúc kết, nghiên cứu, đưa ra bản vẻ thiết kế; và tiến hành sản xuất thử nghiệm thành công Robot khử khuẩn với mục đích thay thế con người, giảm thiểu rủi ro cho nhân viên y tế trong quá trình tác nghiệp tại các khu cách ly hoặc bệnh viện. Kết quả, nhóm đã nghiên cứu và chế tạo thành công hai loại robot để phục vụ cho hai loại khu vực cần khử khuẩn khác nhau: khu vực chịu được nước thì khử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất với Robot khử khuẩn CD 1.0; và khu vực không chịu được nước như có nhiều máy móc thiết bị, thì khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV với Robot khử khuẩn DR 1.0. Ngay sau đó, Robot khử khuẩn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng bắt đầu làm việc tại Khu cách ly Ký túc xá Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Ứng dụng, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ, nhóm nghiên cứu Robotics là môi trường thực hành cho sinh viên, đồng thời là nơi thực hiện những nghiên cứu để đưa ra sản phẩm phục vụ thực tế: “Ví dụ, trong điều kiện dịch bệnh, nhóm nghiên cứu sản xuất ra những Robot phục vụ cho việc chống dịch. Còn trong hoàn cảnh khác, nhóm sẽ nghiên cứu chế tạo để phục vụ cho công tác khác. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của nhóm là luôn nghiên cứu công nghệ robot, công nghệ mới để đưa nó vào đồ án môn học, trong những chương trình giảng dạy cho sinh viên, để người học tiếp cận những công nghệ mới của những chuyên ngành liên quan tới robotics, điều khiển tự động, công nghệ thông tin… của nền tảng 4.0”.

Sau khi khống chế được dịch bệnh, Robot sẽ được cải tiến để sử dụng cho các công việc và công năng khác như cứu hộ, cứu nạn,... trong những môi trường và điều kiện mà con người không thể trực tiếp tham gia tác nghiệp do nguy hiểm đến tính mạng hoặc quá khó khăn.

Trong bối cảnh hiện tại, vừa đảm bảo phòng dịch hiệu quả, vừa tiếp tục kinh doanh sản xuất, các doanh nghiệp tại Việt Nam phải vượt qua khó khăn, nhanh chóng hướng tới chuyển đổi và thích ứng, Trường Đại học Ngoại thương đã cho ra đời Cổng thông tin hỗ trợ Doanh nghiệp. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, một trong những điều nhà trường ấp ủ nhất chính là việc xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch, nhanh chóng hướng tới chuyển đổi và thích ứng hiệu quả với những yêu cầu của trạng thái "bình thường mới", tổ chức xã hội mới, nền tảng giá trị, văn hóa và giao tiếp mới, hành vi tiêu dùng và kinh doanh mới: "Hoạt động dựa trên cơ sở 4 nền tảng. Đó là thông tin, chúng tôi cung cấp chia sẻ thông tin cho các doanh nghiệp. Chúng tôi có đội ngũ cộng tác viên đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và nhiều tổ chức khác. Thứ hai là kết nối. Chúng tôi mong muốn kết nối các mạng lưới doanh nghiệp với nhau để cùng chia sẻ những thành công, những khó khăn, kết nối để tạo một thị trường rộng lớn hơn trong hoạt động và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp. Thông qua Cổng thông tin điện tử này, đội ngũ chuyên gia tư vấn của Trường cũng như các tổ chức có tham gia sẽ tư vấn trực tiếp cho các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn phòng dịch covid 19 và các giai đoạn tiếp theo. Thông qua kênh này, chúng tôi muốn đồng hành cùng với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp từng kết nối với chúng tôi trong thời gian qua, mở rộng phạm vi kết nối đến các doanh nghiệp trên cả nước cũng như doanh nghiệp ở nước ngoài”.

Với những sản phẩm nghiên cứu, những giải pháp sáng tạo mà từ chính năng lực nghiên cứu khoa học của mình, các trường đại học đã cùng chung tay, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Những giải pháp trên được xã hội đánh giá rất cao về tính thực tế, đặc biệt là ý nghĩa nhân văn trong thời điểm cả xã hội cùng chung tay chống dịch Covid-19.

Thùy Linh

Bình luận

Đọc Báo