TPHCM ưu tiên phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng
Kỳ 1: Doanh nghiệp chủ lực và tiềm năng của TPHCM được hưởng lợi và phát triển ra sao?
Để tiếp sức những bước đi lâu dài cho các doanh nghiệp có những sản phẩm được đánh giá là tốt, chất lượng, phát triển khá ổn định, có tiềm năng, tiềm lực, có thương hiệu, uy tín được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và cả xuất khẩu, TPHCM đã xây dựng các chiến lược phù hợp để phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng, trong đó, có cơ chế riêng về hỗ trợ mặt bằng, lãi suất, khoa học – công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu; tạo thuận lợi về thủ tục hành chính về thuế, hải quan… Đặc biệt là cơ chế vốn vay ưu đãi.
Hiện TPHCM có 70 doanh nghiệp đủ tiêu chí là sản phẩm chủ lực, tiềm năng. Trong chiến lược thúc đẩy các doanh nghiệp chủ lực, tiềm năng phát triển, có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP đã được chọn bao gồm: rau, hoa cây kiểng, tôm nước lợ và cá cảnh, bò sữa, heo…
Phát triển cá lăng giống là bước đi khá mới mẻ của chủ trại cá giống Nguyễn Trung Hiếu vào thời điểm hơn 10 năm trước. Mua lại từ 264 ký cá giống còn sót lại trong dự án đã phá sản bằng toàn bộ số tiền tiết kiệm, được thành phố hỗ trợ vốn vay với lãi suất hấp dẫn để phát triển kinh doanh, đến nay, cơ sở của anh Nguyễn Trung Hiếu đã mở rộng được 1,5 hecta ở Củ Chi để ươm cá bố mẹ, 1,7 hecta ươm cá giống, hiện tổng đàn cá đẻ khoảng 18 tấn. Ngoài ra anh còn có nhiều kênh vệ tinh ươm gia công cá giống ở các tỉnh miền Tây với tổng vốn đầu tư lên đến 7 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những sản phẩm tiềm năng của thành phố trong nuôi trồng thủy sản.
Ban đầu do khó khăn về vốn nên việc kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, trong chuyến khảo sát của TP về chương trình cơ cấu vật nuôi cây trồng về nuôi trồng thủy sản, anh Nguyễn Trung Hiếu được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng BIDV Củ Chi, doanh nghiệp nhỏ như anh đã được hồi sinh.
"Sản phẩm của tôi hiện nay chủ yếu bán trong thị trường nội địa, sản phẩm cá lăng đuôi đỏ giống trên thị trường cũng khá cao. Hiện tại giá cả ổn định tương đối cao, cá thịt khoảng từ 90-100 ngàn đồng/ký; cá giống cũng khá cao, mỗi con cá bột vậy là 120 -140 ngàn đồng/ký tùy size. Bình quân mỗi đợt sản xuất khoảng 10 ngày thì có được từ 3-3,5 triệu con. Doanh nghiệp của tôi được sự hỗ trợ của TP 4 năm nay rồi, nhờ có sự hỗ trợ mà doanh nghiệp càng ngày càng lớn, càng phát triển”. - anh Nguyễn Trung Hiếu cho biết.
Ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh cho biết sản phẩm nước chanh muối restore được TP chọn là sản phẩm chủ lực để hỗ trợ phát triển. Sản phẩm này không dùng màu, chỉ lấy nước cốt chanh sử dụng, còn xác chanh bán lại cho các doanh nghiệp khác. Ông Hiến kể, vừa qua, khi đưa sản phẩm này vào hội chợ triển lãm quốc tế, nước chanh muối restore được rất nhiều người tiêu dùng chọn.
Khi được hỏi, doanh nghiệp chủ lực, tiềm năng mong muốn được hỗ trợ những gì, ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết: “Mỗi doanh nghiệp đều có nhu cầu khác nhau cho sản phẩm chủ lực của mình, có doanh nghiệp thì cần vốn, có doanh nghiệp cần mặt bằng và có doanh nghiệp cần công nghệ. Vì dụ người ta thích sản phẩm đó nhưng công nghệ người ta không có. Thực tế là như vậy. Riêng chúng tôi, với sản phẩm chủ lực là nước chanh muối restore, chúng tôi cần nguồn vốn tín dụng ưu đãi để chúng tôi phát triển nguồn chanh để làm nguyên liệu, thứ hai, chúng tôi mở rộng và lắp đặt dây chuyền tốt hơn, áp dụng công nghệ truyền thống trên các dây chuyền và thiết bị hiện đại để đưa ra sản phẩm tốt hơn”.
Tuy sản xuất ốc vít là một công đoạn rất nhỏ trong sản phẩm hỗ trợ, nhưng ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit, dần nhận ra khoảng trống của thị trường và giá trị của những sản phẩm rất nhỏ nhưng không thể thiếu để cung ứng cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, điện - điện tử, cơ khí lắp ráp. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp TP từng xuất khẩu đi các nước đạt 600.000 đô la Mỹ. Với ông, việc sản xuất ra các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu là vô cùng quan trọng. Với nguồn vốn trung, dài hạn được ngân hàng hỗ trợ từ chương trình kết nối ngân hàng của TP, công ty đã dần đầu tư nâng cấp thiết bị, mở rộng thị trường, tạo sự cạnh tranh bền vững, đảm bảo nguồn vốn tín dụng đã ký kết, đảm bảo nguồn vốn hoạt động có hiệu quả.
“Những năm 2017-2018, công ty chúng tôi được sự hỗ trợ của UBND TP tham gia chương trình kích cầu đầu tư, đặc biệt sự hỗ trợ của các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng ngoại thương, chúng tôi đã đầu tư máy móc, đổi mới thiết bị công nghệ, đầu tư khoảng 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi và được hỗ trợ lãi vay, nhờ đó, chúng tôi hoạt động sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị, mở rộng thị trường. Sản phẩm chúng tôi đã từng bước tham gia chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, ví dụ như cung ứng cho ô tô Trưởng Hải, được Sam Sung tới đào tạo, huấn luyện”. - ông Nguyễn Dương Hiệu nói.
Các doanh nghiệp ví ngân hàng chính là mạch máu nuôi sống họ. Chính vì vậy, doanh nghiệp luôn cần nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản phẩm. Hiện nay trên cả nước mới chỉ có những chương trình kết nối ở từng địa phương. Theo ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP, cần có những chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp theo từng ngành riêng biệt như: ngành nhựa, giấy, xuất khẩu thanh long, cao su… để tạo sự liên kết, tương hỗ.
Ông Trần Việt Anh cho biết thêm: “Cần phải tăng tỉ lệ tín chấp, đánh giá lại tài sản thế chấp, chọn lựa những doanh nghiệp mang tính đặc thù theo ngành và những doanh nghiệp nhỏ đang sử dụng công nghệ truyền thống mà chúng ta gọi là công nghệ thấp, nhưng nếu không có những công nghệ thấp thì không có sản phẩm cho thị trường. Những sản phẩm đó hay bị từ chối lắm, bởi vì nhìn “ông” công nghệ, ông chỉ có 3, 4 cái máy. Ngoài ra, đưa những chuyên ngành chú trọng nhiều hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất, hai “ông” này phải ưu tiên. Đến giờ phút này ông nào trụ được sản xuất là ông đó có giá trị rất nhiều. Tất nhiên không chê dịch vụ, không so sánh như vậy được nhưng trụ được sản xuất phải ưu tiên vì quy trình thành phẩm nó nhiều.”
Sức ép từ thị trường tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết, doanh nghiệp tiềm năng, chủ lực của TP luôn cần sự đồng hành từ nhiều phía, nhất là những chính sách tạo thuận lợi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn được liên kết ngành, chuỗi giá trị tạo ra các kênh phân phối, tiêu thụ ổn định. Và doanh nghiệp cũng rất cần được bảo vệ để tránh sự phiền hà nhũng nhiễu, bị ép giá, bị cạnh tranh bất chính… để họ có cơ hội làm ăn chính đáng, phát triển doanh nghiệp.
Lệ Loan