TPHCM tập trung vào quản trị dữ liệu, chính quyền số và kinh tế số - Thời sự 11g 3/8/2022

(VOH) - TPHCM đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu; phát triển nền tảng số...

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hoá và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu Thành phố. TPHCM cũng đã công bố chỉ số cải cách hành chính ở các quận huyện sở ngành. Trong số 22 quận, huyện của TPHCM, Bình Tân vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng cải cách hành chính. Đến quận này giải quyết các thủ tục hồ sơ, giấy tờ, ông Nguyễn Minh Tâm, Tổng Giám đốc công ty dầu nhớt hóa chất miền Nam cho biết: “Khi quận áp dụng công nghệ thông tin vào thủ tục, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí và nhân sự để phụ trách, việc trả kết quả cũng nhanh chóng, không bị vấn đề mời lên bổ sung thủ tục này, chỉnh sửa thủ tục kia”.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong lĩnh vực kinh tế số, lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 318.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tham gia chương trình chuyển đổi số, tăng trưởng 760% so với năm 2021. Với kết quả này, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình chuyển đổi số trong 2 quý vừa qua đã đạt hơn 88% mục tiêu đặt ra của kế hoạch cả năm 2022, tương đương khoảng 360.000 doanh nghiệp. Cùng với sự tăng trưởng số lượng doanh nghiệp tiếp cận, tham gia, lượng doanh nghiệp sử dụng nền tảng số trong 6 tháng cũng có mức tăng trưởng bứt phá gần 197%, đạt mức hơn 45.500 doanh nghiệp, đạt hơn 95% kế hoạch năm 2022. Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM nhìn nhận: “Chuyển đổi số là xu thế, yếu tố cần thiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tôi nhận định, hiện nay doanh nghiệp đã thấy được sự cần thiết của chuyển đổi số. Ruy nhiên việc tiếp cận vẫn còn chậm, do đó, sắp tới chúng tôi cùng với Thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số tốt hơn”.

Theo các chuyên gia, kinh tế số dự kiến chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của điện tử thương mại phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu; phát triển nền tảng số, bao gồm các nền tảng như nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng Internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng blockchain, nền tảng định danh điện tử; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin… Trong giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TPHCM sẽ tập trung vào quản trị dữ liệu, chính quyền số và kinh tế số.

Lệ Loan

VOH

Bình luận

Đọc Báo