Tổng thống Trump cũng không quên cảnh báo Triều Tiên rằng Mỹ có lực lượng hạt nhân "to lớn và mạnh mẽ" có thể trấn áp Triều Tiên. Giới phân tích nhận định: những động thái này không chỉ bỏ lỡ 1 cơ hội lịch sử giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, mà còn đặt ra những nguy cơ xung đột mới.
Hãng tin Anh Reuters cho biết trong lá thư của Tổng thống Donald Trump gửi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa được công bố, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng cuộc gặp tháng tới giữa 2 người sẽ không diễn ra. Bức thư có đoạn: "Tôi rất mong chờ được có mặt ở đó cùng ông. Tiếc rằng, sau khi xem xét những động thái giận dữ và thù địch công khai xuất phát từ những phát biểu gần đây của ông, tôi cảm thấy không thích hợp, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, để chúng ta tham gia cuộc gặp vốn đã được lên kế hoạch từ lâu này”.
Như vậy, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử được mong chờ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ không diễn ra vào ngày 12/06 tới như dự kiến. Thông báo của Chính phủ Mỹ đưa ra ngay sau Triều Tiên khẳng định đã hoàn thành việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của nhiều nhà báo quốc tế. Và động thái này đã và đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về nguyên nhân vì sao Tổng thống Mỹ lại quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Un. Giới phân tích cho rằng nguyên nhân của quyết định này là do “sự không hài lòng” giữa các bên. Thời gian gần đây, cả Mỹ và Triều Tiên liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích lẫn nhau, cho thấy rõ Mỹ và Triều Tiên thực sự không đặt niềm tin vào đối tác của mình.
Đáng chú ý, tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa kết chuyến công du 2 ngày tới Mỹ, với sứ mệnh làm cầu nối giữa Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa hai nước này. Bởi vậy, tuyên bố của Tổng thống Mỹ có thể coi là "gáo nước lạnh" dập tắt hoàn toàn những tia hy vọng vừa nhen nhóm trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Một lần nữa, tuyên bố mới của Tổng thống Donald Trump cho thấy sự ngờ vực và thiếu lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên. Cụ thể, Mỹ chưa tin vào những hành động của Triều Tiên mặc dù Triều Tiên đang thể hiện thiện chí nhất định, với việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong tuần này. Hôm thứ Tư, một nhóm hơn 20 nhà báo từ các cơ quan truyền thông phương Tây, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đã có mặt tại Triều Tiên để chuẩn bị chứng kiến sự kiện đóng cửa bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, Triều Tiên cho nổ tất cả đường hầm của bãi thử, chặn hoàn toàn các lối vào, dỡ bỏ tất cả cơ sở quan sát, viện nghiên cứu và chốt bảo vệ trên mặt đất.
Vậy thì vì sao nhà lãnh đạo Mỹ lại đưa ra quyết định bất ngờ này? Thực ra, Mỹ muốn chứng kiến việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và Mỹ sẽ là một bên giám sát. Tuy nhiên, Triều Tiên lại có những tính toán riêng của mình.
Quan điểm của Triều Tiên trong vấn đề này rất rõ ràng, khi Triều Tiên đề cập tới giải pháp phi hạt nhân hóa từng phần theo kiểu "có đi có lại" với những động thái tương ứng từ phía Mỹ. Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố “hủy” hội nghị thượng đỉnh lịch sử sắp tới, bản thân Triều Tiên cũng đã có những tuyên bố khá cứng rắn khi cảnh báo sẽ hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều để phản đối cuộc tập trận chung Thần Sấm của Mỹ và Hàn Quốc. Triều Tiên cũng không ngần ngại chỉ trích “đòi hỏi một phía” của Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện. Giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên không mấy tin vào lời hứa “hỗ trợ kinh tế” và “đảm bảo không có sự thay đổi chế độ ở Triều Tiên” mà Mỹ đưa ra, nhất là khi bất kỳ nhà lãnh đạo kế nhiệm ông Trump sau này cũng có thể dễ dàng đảo ngược chính sách của ông Trump. Do đó, một điều chắc chắn Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Và đây là điều mà Mỹ lo ngại.
Vậy, tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều sẽ dẫn tới những hệ lụy gì? Hiện, còn quá sớm để đưa ra kết luận về vấn đề này. Nhưng một điều chắc chắn cả Mỹ và Triều Tiên đã bỏ lỡ một cơ hội lịch sử để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Và đằng sau đó sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Ở một góc độ khác, giới phân tích nhận định trong bối cảnh hai bên cùng “không tin nhau”, thì tuyên bố mới của Tổng thống Mỹ có thể là cách để Mỹ tiếp tục chính sách gây sức ép tối đa với Triều Tiên. Hoặc cũng có thể hiểu đây là "đòn gió" của Tổng thống Trump để tạo áp lực với phía Triều Tiên để tiếp tục mặc cả với Triều Tiên trong những ngày sắp tới.Đây cũng có thể là chiến thuật mà nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn khi thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh cận kề.
Ở thời điểm này, mọi con mắt đang đổ dồn vào các động thái của Mỹ và Triều Tiên. Dư luận trông đợi Mỹ-Triều Tiên có thể bình tĩnh, để giảm bớt căng thẳng sau tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Mỹ. Không ai mong muốn xung đột xảy ra giữa Mỹ và Triều Tiên. Những những ngày tới sẽ ra sao, rõ ràng sẽ phụ thuộc vào cả hai quốc gia này.