Tối nay (9/2), Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 chính thức khai mạc tại Hàn Quốc. Tâm điểm thu hút dư luận là lần đầu tiên, đoàn thể thao Triều Tiên tham gia Thế vận hội và cùng hợp nhất với đoàn thể thao Hàn Quốc diễu hành dưới 1 lá cờ chung.
Cũng tại Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 khai mạc tối nay, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ dẫn đầu đoàn thể thao Mỹ tham dự sự kiện quan trọng này. Có thể nói “sức nóng” của sự kiện Pyeongchang 2018 đã vượt khỏi quy mô của một sự kiện thể thao, với tín hiệu ấm lên trong mối quan hệ liên Triều và những diễn biến chính trị mới giữa Mỹ và Triều Tiên. Bình luận của Nhà báo Nguyệt Minh:
Trước hết, phải khẳng định rằng sự hiện diện của đoàn thể thao Triều Tiên và việc đoàn Triều Tiên, Hàn Quốc cùng diễu hành chung trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 chính là sự kiện mang tính lịch sử. Đây là lần thứ 4, hai đoàn Hàn Quốc và Triều Tiên cùng diễu hành chung tại các kỳ Olympic. Đây cũng là lần đầu tiên hai miền Triều Tiên lập đội thi đấu chung tại Thế vận hội. Đáng chú ý, việc em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham gia đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 2018 tại Hàn Quốc, cũng đã cho thấy “một tín hiệu khác” từ Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin Anh Reuters, lá cờ Thống nhất của hai miền Triều Tiên có hình bán đảo với màu xanh nước biển, lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1991, sẽ một lần nữa tung bay tại lễ khai mạc Olympics mùa đông tối nay. Kết quả các cuộc đàm phán giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng cho phép đội cổ động viên Triều Tiên gồm 230 thành viên đến Hàn Quốc nhằm cổ vũ các vận động viên của nước này tại sự kiện thể thao lớn nhất thế giới khai mạc tối nay. Nhận định về động thái này, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên hy vọng có thể mở ra một thời kỳ quan hệ tốt hơn giữa hai miền. Trong khi đó, Thứ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae Sung khẳng định các nỗ lực của hai miền sẽ biến Thế vận hội Pi-âng-Chang thành một sự kiện hòa bình, góp phần cải thiện quan hệ trên bán đảo Triều Tiên.
Dưới góc nhìn phân tích, việc Triều Tiên và Hàn Quốc cùng diễu hành dưới một lá cờ thống nhất chung, trước hàng tỷ khán giả truyền hình theo dõi trực tiếp trên khắp thế giới, được cho là một tín hiệu tích cực trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Quan hệ liên Triều đã có dấu hiệu tích cực kể từ đầu năm nay, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị cử đoàn tới tham dự Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018. Trong Thông điệp đầu Năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un, đã khẳng định hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ. Việc Bình Nhưỡng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018, giống như một “nhành ô liu” hưởng ứng chủ trương đối thoại của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In. Đây là sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Bình Nhưỡng bởi lâu nay Triều Tiên dường như vẫn "phớt lờ" đề xuất của Seoul về đối thoại hai miền, bất chấp việc Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In đã nhiều lần gợi ý Hàn Quốc và Triều Tiên giải quyết căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên trên bàn đàm phán.
Gợi ý đối thoại được nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang liên tiếp hứng chịu những sức ép từ bên ngoài, với những lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước tới nay. Trong thông điệp đầu Năm mới 2018, Kim Jong-un thừa nhận rằng nhân dân Triều Tiên đang phải đối mặt với “cuộc sống khó khăn" do các biện pháp cấm vận. Chính vì vậy, gợi ý đối thoại của ông Kim Châng-Un được cho là "kế hoãn binh", để Triều Tiên có thêm thời gian tạm ngừng hoặc giảm bớt tần suất các vụ thử hạt nhân-tên lửa và tập trung vào các hoạt động sản xuất để phát triển kinh tế. Giới chuyên gia thận trọng cảnh báo rằng sự thay đổi chiến thuật của nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chỉ cốt để tạo một không gian "đỡ ngột ngạt hơn". Nhiều ý kiến mang nặng hoài nghi còn cho rằng động thái của Triều Tiên còn có thể nhằm tìm cách chia rẽ Hàn Quốc với đồng minh chính của Seoul là Mỹ - quốc gia đã từ chối đối thoại vô điều kiện với Triều Tiên và chủ trương gia tăng sức ép kinh tế với Bình Nhưỡng. Như vậy, với việc chủ động tham gia Thế vận hội Mùa Đông, Bình Nhưỡng dường như đã đạt được “kết quả kép”, vừa hòa hoãn với Hàn Quốc vừa giảm bớt sức ép và sự cô lập từ bên ngoài.
Nhận thức được cơ hội quý giá này, Hàn Quốc đã nhanh chóng hoan nghênh thông điệp đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Trên thực tế, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In, là người ủng hộ “Chính sách Ánh dương”, vốn được các đời tổng thống tiền nhiệm của Hàn Quốc thực thi từ năm 1998-2008. Bản thân ông Mun Chê In đã nhiều lần đưa ra các đề xuất đàm phán quân sự liên Triều, đối thoại Hội Chữ thập Đỏ, và đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau Chiến tranh Triều Tiên… song không nhận được sự hưởng ứng của Bình Nhưỡng. Dù vậy, Tổng thống Mun Chê In cho tới nay vẫn theo đuổi giải pháp đối thoại, và có cách tiếp cận cởi mở hơn với Triều Tiên so với người tiền nhiệm Park Geun-hye.
Về phần mình, chính quyền Mỹ tỏ ra khá thận trọng trước động thái của Triều Tiên đồng thời khẳng định kiên trì với chính sách gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt và đe dọa Bình Nhưỡng. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump dù thừa nhận đề xuất của Bình Nhưỡng là "tin tốt lành", nhưng cho rằng việc Triều Tiên quay lại đối thoại là bằng chứng cho thấy các lệnh trừng phạt đang phát huy tác dụng, Trong một động thái mới nhất, Mỹ tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Mỹ- Hàn ngay sau khi sự kiện thể thao tại Hàn Quốc kết thúc.
Thực tế cho thấy, bất kể động thái mềm mỏng từ phía Bình Nhưỡng nhằm mục đích gì, thông điệp về đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un có thể coi là tín hiệu hết sức tích cực và mang tính thiện chí. Trong bối cảnh năm qua, cuộc khủng hoảng hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên thực sự đã bị đẩy lên nấc thang mới, với những hành động cũng như tuyên bố cứng rắn chưa từng thấy của cả phía Mỹ và Triều Tiên và nguy cơ đối đầu quân sự là có thật, việc Triều Tiên có mặt tại Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 là động thái dự báo về những thay đổi mới trên bán đảo Triều Tiên những ngày tới./.