Tiến sĩ trẻ Trần Thị Như Hoa: Đem hướng nghiên cứu “lạ” về Việt Nam – Thời sự 20/11/2022

Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa là một trong 10 nhà giáo trẻ vừa đạt danh hiệu Quả Cầu vàng năm 2022, lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới.

Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa (sinh năm 1989) là Giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TPHCM.

Nhận học bổng nghiên cứu sinh tại Đại học Gachon, Hàn Quốc, sau khi lấy bằng tiến sĩ, Như Hoa ở lại làm việc một thời gian, nhưng sau đó nữ tiến sĩ trẻ quyết định trở về nước, với kỳ vọng có thể đem những hướng nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực công nghệ vật liệu mới về ứng dụng tại Việt Nam. Điểm lại hành trình nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Hoa có 22 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế, trong đó, 13 bài báo thuộc danh mục Q1 (11 bài là tác giả chính); 5 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học trong nước (4 bài là tác giả chính); 18 bài báo khoa học đã công bố trên hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế. Song song đó, Tiến sĩ Hoa chủ trì, đồng chủ trì 4 chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. 

PGS TS Trần Thị Như Hoa tại phòng làm việc

 

PGS TS Trần Thị Như Hoa tại phòng làm việc. Ảnh: NVCC

*VOH: Trước tiên, cám ơn Tiến sĩ Như Hoa đã dành thời gian cho VOH. Là một trong 10 giảng viên trẻ đạt Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2022, Hoa có thể chia sẻ về hành trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình?

Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa: Với Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng, Hoa rất biết ơn ban tổ chức đã có một giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ trong nước, nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài có môi trường cho mình phấn đấu trong quá trình nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Có được thành quả ngày hôm nay, mình cũng đã trải qua nhiều thử thách khó khăn. Nhớ lại, khi mình đến môi trường học tập mới tại Hàn Quốc (Đại học Gachon, Hàn Quốc), nhiều khó khăn đến với mình, đặc biệt về ngôn ngữ giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh. Thứ hai, lĩnh vực mình nghiên cứu cũng mới. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, gia đình và động lực của bản thân, mình học xong ở Hàn Quốc và trở về Việt Nam làm việc. Với hướng nghiên cứu mới của mình, bên cạnh sự cố gắng của bản thân, mình còn nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn kinh phí từ nhà nước, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Nafosted….giúp mình xây dựng hướng nghiên cứu, phát triển và có được thành quả như ngày hôm nay.

*VOH: Được biết, Tiến sĩ Hoa có hơn 20 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế, bên cạnh đó còn hướng dẫn nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên, hướng nghiên cứu chính trong lĩnh vực mới của mình là gì?

Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa: Mình theo đuổi hướng nghiên cứu từ khi học tiến sĩ tại Hàn Quốc - tạm hiểu là nghiên cứu về một vật liệu nano hướng đến ứng dụng trong lĩnh vực y sinh, môi trường, vật liệu có tính chất đặc biệt là độ nhạy cao, cảm biến ở trong các môi trường như môi trường nước, môi trường chứa các yếu tố gây bệnh tiềm ẩn như ung thư dạ dày, hoặc ứng dụng trong môi trường phát hiện chất nhuộm độc hại trong môi trường nước. Mình theo đuổi hướng nghiên cứu này đã nhiều năm, bản thân có nhiều kinh nghiệm hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có thầy của mình tại Hàn Quốc, các đối tác khác ở các mảng sinh học, y học ở Úc, Nhật Bản

 *VOH: Để cân bằng giữa việc nghiên cứu khoa học và giảng dạy, đồng thời đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần từ đó cho mình sự toàn tâm toàn ý với đam mê nghiên cứu, bạn làm thế nào?

Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa: Bản thân Hoa khi về Việt Nam đã xác định, mình phải làm song song và làm tốt cả việc giảng dạy và nghiên cứu. Thứ nhất, mình phải hoàn thành nhiệm vụ người giảng viên, đó là truyền đạt kiến thức cho sinh viên, từ đó sinh viên cũng có cái nhìn mới về mảng nghiên cứu, về ngành của mình, đó là ra trường có thể đi làm tại công ty hoặc đi học tiếp ở nước ngoài. Những nghiên cứu trong mảng của mình, cụ thể là với nghiên cứu của bản thân Hoa, cũng có thể được ứng dụng tại các bệnh viện, công ty….Do đó, không chỉ là nghiên cứu ở phòng thí nghiệm mà còn có tính ứng dụng cao trong triển khai thực tế, vì vậy mình phải làm song song hai việc giảng dạy và nghiên cứu.

*VOH: Vậy, trong quá trình nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Hoa đã có sự chủ động, nắm bắt và tiếp cận các nguồn quỹ để phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học của mình như thế nào, bạn đã truyền động lực đến sinh viên ra sao?

Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa: Ban đầu, khi mới về Việt Nam, sinh viên biết mình rất ít, vì mình là giảng viên trẻ. Bắt đầu đi dạy một, hai môn, dần dần sinh viên biết đến mình, biết đến cô giảng viên với hướng nghiên cứu rất là lạ, mới, đòi hỏi nhiều kiến thức liên ngành không chỉ toán – lý – hoá mà còn liên quan đến sinh. Một số sinh viên lúc đầu cũng e dè, từ ban đầu chỉ có một vài sinh viên theo hướng này, cộng với tâm huyết của cô giáo trẻ, sau đó các em truyền lửa nghiên cứu đến các sinh viên còn lại. Ví dụ, với một số nhóm nghiên cứu, các bạn phải tự trả một phần chi phí nào đó để làm nghiên cứu, nhưng với các đề tài nghiên cứu của Hoa đều được tài trợ toàn bộ trong nghiên cứu, phân tích mẫu…nên các bạn cảm thấy yên tâm làm nghiên cứu. Mình còn giới thiệu cho các bạn một số công ty sau khi các bạn tốt nghiệp ra trường làm việc. Hiện, mình cũng đã giới thiệu cho 2 bạn học chương trình thạc sĩ nước ngoài.

*VOH: Với lĩnh vực Khoa học và Công nghệ Vật liệu mới, theo Tiến sĩ Hoa, tiềm năng ứng dụng của ngành khoa học vật liệu, nhất là vật liệu mới tại Việt Nam như thế nào?

Tiến sĩ Trần Thị Như Hoa: Lĩnh vực Khoa học và Công nghệ Vật liệu là một trong những lĩnh vực mới được nhà nước quan tâm, có nhiều chương trình dành cho các nhà khoa học, một số đề án lớn như chương trình phát triển Vật lý giai đoạn 2021 – 2025. Ngành khoa học công nghệ vật liệu rất cần thiết cho Việt Nam, theo khảo sát từ các doanh nghiệp thì nhu cầu tuyển dụng nhân lực của ngành này hiện rất cao, hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm. Hiện tại, Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu của Trường cũng đang đào tạo theo hướng tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để đào tạo người học theo hướng doanh nghiệp cần, mời doanh nghiệp về Trường chia sẻ và tuyển dụng sinh viên hàng năm.

 *VOH: Cám ơn Tiến sĩ Hoa rất nhiều qua cuộc trao đổi.

Thuỳ Linh

Bình luận

Đọc Báo