Là một trong số ít các ngôi đình được công nhận là di tích lịch sử ở TPHCM, đình Phong Phú không những là một trong những di tích có bề dày lịch sử mà còn là một cơ sở hoạt động cách mạng suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ngôi đình ẩn mình trong những hàng cây sao, cây dầu xanh rì trên khu đất 4,2ha, tại khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Đình thu hút người dân địa phương và các tỉnh lân cận đến tưởng nhớ các bậc tiền nhân, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống.
Đình được người dân làng Phong Phú xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, thờ Thành Hoàng. Các họa tiết trang trí tại đình như long, lân, quy, phụng, bát tiên, cá hóa long... đều mang phong cách mỹ thuật Nam bộ. Năm 1937, đình được tu tạo với mái ngói âm dương, tường gạch. Năm 1948, đình bị phá bởi chiến tranh. Vào năm 1952, đình được tái lập lần thứ nhất trên nền đất cũ. Năm 1969, đình tái lập lần thứ hai. Sau giải phóng năm 1975, đình được tu sửa hoàn chỉnh và giữ nguyên cho đến ngày hôm nay.
Ông Phạm Hải Nam, Ban Quý tế đình Phong Phú, nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi tham quan xung quanh ngôi đình và kể nhiều câu chuyện về những người trông đình thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Để nuôi giấu cán bộ, nhóm Hội đình đào hầm bí mật trong khuôn viên đình vào những đêm tối. Hầm bí mật ở đình Phong Phú là sáng kiến của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Bá, được đặt ngay dưới bàn thờ ở chánh điện. Một hầm khác được đào bên hông đình, dài 20m, ngụy trang kín đáo, ăn thông ra rừng cao su. Đây cũng là điểm đặc biệt làm nên dấu ấn riêng cho đình Phong Phú. Ông Phạm Hải Nam kể: "Có căn hầm bí mật, ngắn thôi, là nơi trú ẩn. Che chở cách mạng mà. Đình là nơi kinh tài cung cấp cho cách mạng. Bây giờ trùng tu lại mang tính chất lịch sử. Hiện tại ở dưới bây giờ có điện, có quạt gió".
Lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho bộ đội là tấm lòng của người dân vùng Thủ Đức đến viếng đình. Bà con nơi đây hào sảng, có gì mang tặng nấy, với mong muốn bộ đội có sức khỏe chiến đấu. Năm 1960 toàn bộ Hội đình bị bắt vì bị tình nghi có tiếp tế và quan hệ với cách mạng. Ở trong tù, mặc dù bị tra khảo, các cụ vẫn cương quyết không khai. Khi ra tù, Hội đình vẫn hướng về cách mạng, tiếp tục làm công tác hậu phương vững chắc. Dù nhiều lần địch theo dõi, đe dọa nhưng ý chí mọi người vẫn kiên định.
Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, nhiều lần bị tổn thương vì bom đạn, đình Phong Phú vẫn tồn tại cùng thời gian. Kiến trúc của ngôi đình được bố trí cân đối, hài hòa với không gian ngoại cảnh. Bên trong đình, tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ. Điểm đặc biệt của ngôi đình là bàn thờ lộ thiên được đặt phía trước miếu Ngũ Hành Nương Nương. Thời kháng chiến, nơi đây dùng thắp nhang làm ám hiệu khi có quân địch xuất hiện.
Vào ngày mùng Một, Rằm và lễ Kỳ Yên, người đến viếng đình rất đông, nhiều nhóm học sinh đến tìm hiểu giá trị lịch sử và kiến trúc của đình. Lễ Kỳ Yên, còn là lễ cầu an, tế Thành Hoàng lớn nhất trong năm của những ngôi đình thần ở Nam bộ. Đây cũng là lễ chính của đình Phong Phú, diễn ra vào ngày 14 đến 16 tháng 11 Âm lịch thường niên. Nếp sinh hoạt văn hóa này có từ rất lâu và hằng năm, cứ đến dịp lễ, hàng ngàn người dân địa phương nô nức đến đình. Mọi người thắp nén hương thành kính cầu an và tưởng nhớ đến những chiến sĩ cách mạng từng trú ngụ nơi này.
Du khách tận Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, miền Trung, thậm chí là miền Bắc cũng đến viếng đình. Người viếng thường mang đến nhiều vật phẩm cúng đình, nhiều nhất là gạo, thịt. Lễ không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu quê hương, đất nước. Đây là dịp mà nhân dân địa phương và các nơi tụ về cúng viếng rất đông. Vào các dịp lễ, Tết, đình cũng thường xuyên phối hợp cùng địa phương thực hiện công tác từ thiện, tặng quà cho các gia đình khó khăn. Ông Phạm Hải Nam cho biết thêm: "Bà con đến cúng, tiền bạc gạo thóc các thứ. Đình đều có hỗ trợ cho phường để giúp đỡ những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Ngày Tết, đình cũng đóng góp từ 200 suất quà trở lên để hỗ trợ các gia đình nghèo, người già neo đơn".
Nhiều năm gắn bó với đình, cung cấp nhang đèn bái tế, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, nơi này mang ý nghĩa đặc biệt với người dân địa phương: "Mọi người rất trọng nơi đây, nơi linh thiêng. Phần nhiều vào đây cúng viếng, để tu sửa. Ai có lòng thì đến cúng viếng. Gạo được tặng rất nhiều, quà cũng nhiều. Đình cũng thường tặng quà cho người nghèo, người khó khăn".
Năm 1976, xã Tăng Nhơn Phú (nay là phường Tăng Nhơn Phú) được công nhận là xã anh hùng, trong đó có sự đóng góp to lớn của Hội đình Phong Phú. Và để ghi nhớ công lao của các chiến sĩ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Hội đình tổ chức xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ. Có đến 179 chiến sĩ đến từ mọi miền đất nước đã ngã xuống mảnh đất này. Với những đóng góp của hội đình cho công cuộc giải phóng dân tộc và việc bảo tồn nếp sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, đình phong Phú đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử quốc gia từ năm 1993. Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đến viếng đình, thắp nén hương tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Và rất nhiều người dân gắn bó với ngôi đình như mạch sống, như kỷ niệm thiêng liêng.