Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch phối hợp cùng Câu lạc bộ Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp sáng nay tổ chức Tọa đàm “Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối thương mại thực phẩm”. Phóng viên Phước Tiến có ghi nhận:
Vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề luôn được xã hội quan tâm. Tọa đàm đã chia sẻ thực tế, làm rõ trách nhiệm và những bất cập trong việc hợp tác giữa các bên liên quan, kiểm soát chuỗi liên kết từ sản xuất tới bàn ăn, làm sao để kiểm soát thực phẩm đến tay người tiêu dùng được an toàn nhất.
Theo bà Phạm Phương Thảo - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Organica thì làm thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ không hề đơn giản. Doanh nghiệp phải xác định mục tiêu cụ thể và phải đặt mình vào tâm lý khách hàng là mong muốn tìm được một sản phẩm nào đó thật sự an toàn và đầy đủ dưỡng chất. Hiện nay, với 1 tờ giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm hoặc tiêu chuẩn nào đó cũng không làm người tiêu dùng tin tưởng, do vậy, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ thực sự không chỉ khó ở canh tác mà còn khó với khách hàng: “Người tiêu dùng Việt Nam bây giờ đang thiếu thông tin và thừa nghi ngờ. Chính vì thế, trong tất cả những buổi đào tạo nhân viên của công ty, các vấn đề đối mặt với những câu hỏi khó của người tiêu dùng, mình phải dành rất là nhiều thời gian và làm sao để cho các em tự tin rằng sản phẩm bước qua cánh cửa kia để các em đứng đây và làm việc, nói rằng sản phẩm đã được kiểm soát, ngoài sức khỏe được đảm bảo tiêu chuẩn mà nó còn đóng góp vào môi trường tốt đẹp hơn cho tương của con em các bạn cũng như của khách hàng. Thì đấy là những cái mà mình phải đối mặt trong thời gian vừa qua.”
Theo ông Trần Nguyên Chí - Giám đốc công ty nông sản bền vững Sinh Lộc vấn đề đặt ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn, đó là cần phải chú trọng đến người sản xuất. Chúng ta chỉ tập trung vào khách hàng là chính. Nếu chúng ta có giải pháp bảo vệ, đảm bảo thu nhập cũng như đầu ra cho người sản xuất ra các thực phẩm sạch, an toàn thì sẽ không còn việc họ phải sản xuất gian dối, cũng như canh tác không đúng quy trình: “Hiện nay chúng ta chỉ quan tâm đến cái người hưởng thụ thôi là người tiêu dùng thôi mà chúng ta quên đi cái cuộc sống của người đang sản xuất ra thực phẩm đó cũng như trong cái nông sản đó. Vậy thì có cách nào giúp cho họ là họ có thể liên kết lại và họ có những cái quy trình sản xuất chung và giải quyết một cái vấn đề chung, rồi bán chung, rồi để từ đó thì họ làm chủ được cái quy trình công nghệ và cái giá thành họ được đảm bảo cuộc sống của họ, thì họ sẽ yên tâm sản xuất mà họ không phải lăn tăn là phải phun thuốc đâu. Bởi vì rồi bán cho ai thì lúc đó họ sẽ tập trung hơn về chất lượng. Còn hiện nay là họ phải tự bơi, thành ra cứ gì rẻ thì họ phải làm cái gì an toàn cho cuộc sống của họ thì họ phải làm. Thành ra nhiều khi chất lượng họ sẽ không quan tâm nữa. Tại vì có ai quan tâm đến họ đâu. Tại vì họ đâu quan tâm đến chất lượng thì đương nhiên cái chất lượng đó nó ra thị trường rồi lại ca thán họ, chẳng ai muốn làm một sản phẩm mà không chất lượng cả.”
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm Minh Bạch thì hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý sản phẩm đầu vào đạt các tiêu chuẩn an toàn cũng như là xuất xứ, do vậy cần phải có sự thay đổi: “Lỗ hổng hiện nay thì thứ nhất là về mặt pháp luật là không bắt buộc áp dụng Vietgap. Luật an toàn thực phẩm chỉ quy định là giấy chứng nhận an toàn thực phẩm thôi, mà an toàn thực phẩm nó còn thấp hơn Vietgap nữa. Cái thứ hai nữa là Luật thương mại không bắt buộc rau củ, quả tươi sống phải có nhãn mác. Cái thứ ba là cũng không bắt buộc truy xuất nguồn gốc. Luật an toàn thực phẩm chỉ quy định là khi nào có sự cố với truy xuất thì khi có sự cố truy xuất thì làm sao mà khoanh được cái lô hàng, truy xuất là anh phải làm thường xuyên hàng ngày, mỗi ngày. Cái thứ tư, tất cả những cái mô hình thành công ở Việt Nam hữu cơ hoặc là Vietgap hoặc là cái gì đó hỗ trợ cho nông dân, có hỗ trợ kỹ thuật và có hỗ trợ thị trường thì mới thành công.”