Tuy nhiên, theo bộ này, tình trạng các video clip có nội dung xấu, độc có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những giải pháp ngăn chặn quảng cáo trên những nền tảng xuyên biên giới. Bài viết do Phóng viên Quỳnh Anh thực hiện:
Youtube giờ đây không đơn thuần là một kênh video giải trí mà đã trở thành một mạng xã hội với lượng người dùng vô cùng đông đảo. Bên cạnh mặt tích cực thì nền tảng chia sẻ video này cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại. Sau khi những video có tính chất giang hồ như của Khá Bảnh được gỡ xuống, khoảng 22 triệu người dùng Youtube tại Việt Nam đang tiếp tục chứng kiến các Youtuber sử dụng chiêu trò phản cảm khác để thu hút người xem.
Mặc dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube còn nhiều bất cập nên việc ngăn chặn, gỡ bỏ này chưa phát huy tác dụng. Cụ thể trên Youtube hiện nay có khoảng 55 ngàn video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật – gấp rất nhiều lần số clip đã được gỡ bỏ. Điều này khiến dư luận một lần nữa không khỏi hoang mang về sự tồn tại và lan truyền của những video có nội dung xấu độc trên không gian mạng. PGS TS, Đại tá Đỗ Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) nhận định: "Chúng ta phải nhìn nhận ở nhiều góc độ. Thứ nhất là tính lan tỏa của mạng xã hội quá nhanh, và việc kiểm soát những video clip trên đó còn khó khăn vì nó nhiều quá, trong khi đó lực lượng chức năng, thực thi pháp luật của chúng ta còn hạn chế. Thứ hai, một số trang mạng đó là của nước ngoài, họ có những điều khoản của họ, nên khi nào họ đồng ý thì mới gỡ bỏ và không phải lúc nào họ cũng nhanh chóng thực hiện những yêu cầu của chúng ta".
Để ngăn chặn những nội dung xấu độc trên không gian mạng, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2019 đã quy định rõ trách nhiệm với cộng đồng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý hệ thống thông tin và cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, góp phần quan trọng hình thành không gian mạng an toàn, lành mạnh. Trong tháng 6/2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã công bố và yêu cầu 21 nhãn hàng, thương hiệu lớn dừng ngay việc quảng cáo trong các video trên Youtube có nội dung xấu độc, phản động. Theo Cục này, các sai phạm này đến từ nhiều chủ thể, không chỉ Youtube, Google mà cả các công ty mạng lưới đa kênh. Cục đã kịp thời cảnh báo các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Một phần trong các nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước lại lựa chọn hình thức mua quảng cáo trực tiếp với đối tác nước ngoài, không thông qua đại lý quảng cáo tại Việt Nam nhằm được lợi. Đó sẽ là kẽ hở về mặt kiểm duyệt cho sự xuất hiện của các video clip xấu độc. Luật sư Trương Thanh Đức – Văn phòng Luật sư Basico nêu rõ: "Ở nước ngoài thì cứ có người giao dịch chuyển tiền thì người ta sẽ quảng cáo và thực hiện theo luật của nước ngoài. Có lẽ quan điểm của họ sẽ không vướng mắc gì. Nhưng về phía doanh nghiệp quảng cáo của Việt Nam thì đã có Nghị định của Chính phủ quy định rất rõ là không được quảng cáo trực tiếp, giao dịch trực tiếp mà phải thông qua đại lý, doanh nghiệp đăng ký quảng cáo tại Việt Nam để quản lý về nội dung cũng như hoạt động kinh doanh".
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Google, Youtube trong việc phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ các clip, kênh vi phạm. Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử sẽ yêu cầu Youtube định danh các kênh Youtube tiếng Việt, chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với các công ty công nghệ tạo ra công cụ để sàng lọc nội dung xấu độc. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để phát huy tối đa tiềm lực doanh nghiệp Việt Nam. Ông Lê Quang Tự Do - Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: "Tất cả doanh nghiệp cũng như đại lý quảng cáo đều khẳng định là sẽ cùng chung tay với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng một môi trường internet lành mạnh, trong đó tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo trên mạng. Chúng tôi nhận định từ đó đến nay, hiện tượng quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu trong nước xuất hiện trên các video clip xấu độc đã không còn. Đây cũng chỉ là giải pháp bước đầu, bởi nhu cầu của các doanh nghiệp được quảng cáo trên mạng vẫn còn rất lớn . Do đó hiện nay bên phía các doanh nghiệp, các đại lý quảng cáo cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Google để tìm giải pháp căn cơ, triệt để hơn, không để tái diễn tình trạng như vừa xảy ra".
Youtube giờ đây đã trở thành một nền tảng mạng thu hút hàng chục ngàn người Việt Nam tham gia làm nội dung, thậm chí, nhiều bạn trẻ coi việc phát triển nội dung trên kênh Youtube là công việc khởi nghiệp của mình. Tuy nhiên, hãy khởi nghiệp bằng sự hiểu biết và thượng tôn pháp luật. PGS TS, Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho rằng: "Lời khuyên dành cho các bạn trẻ là tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật, phải đánh giá xem các hành vi, hoạt động của mình có vi phạm pháp luật hay không, có vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống hay không. Có lẽ nếu thấy những định hướng khởi nghiệp của mình không vi phạm pháp luật, không đi ngược lại đạo đức xã hội thì chúng tôi nghĩ rằng nên khuyến khích".
Văn minh trên không gian mạng mới chỉ bắt đầu. Chúng ta đang có độ trễ, thiếu sự song hành giữa luật pháp, cuộc sống và văn minh trên không gian mạng. Hy vọng với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, thời gian tới, người dùng Youtube tại Việt Nam sẽ được tham gia vào một không gian mạng lành mạnh và để tránh những tác động xấu, người sử dụng cũng cần cảnh giác, nâng cao sức để kháng trước những thông tin xấu độc trên Youtube.