Sức sống mới từ các đảo tiền tiêu - Thời sự 5g30 15/10/2022

(VOH) - Chuyến hải trình mang đến những trải nghiệm không thể nào quên, để mỗi cá nhân thêm yêu quê hương, trách nhiệm hơn với tổ quốc.

Loạt bài: Hành trình đáng nhớ trên vùng biển Tây Nam (4 bài)

Bài 1: Sức sống mới từ các đảo tiền tiêu

8 ngày lênh đênh trên biển, vượt trên 1.000 hải lý, đến với 7 điểm đảo và nhà giàn DK 1/10, trao tặng hơn 7,8 tỷ đồng –  Đây là những con số ấn tượng của chuyến hành trình mà đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên vùng biển Tây Nam tổ quốc cuối tháng 9/2022 vừa qua. Chuyến hải trình mang đến những trải nghiệm không thể nào quên, để mỗi cá nhân thêm yêu quê hương, trách nhiệm hơn với tổ quốc. Cùng có mặt trong chuyến hải trình ý nghĩa này, phóng viên Huệ Như thực hiện Loạt bài “Hành trình đáng nhớ trên vùng biển Tây Nam”, sẽ phản ánh rõ hơn các nội dung trên. Trong chương trình hôm nay, mời quý vị đến với bài 1: "Sức sống mới từ các đảo tiền tiêu".

Lần đầu tiên được tham gia chuyến hải trình một vòng quanh các đảo tiền tiêu của vùng biển Tây Nam, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, pha lẫn cảm xúc đầy tự hào, khi tận mắt thấy được vẻ đẹp nên thơ mà hùng vĩ của tạo hóa ban tặng cho đảo xa, phấn khởi khi cảm nhận được sự vươn lên mạnh mẽ của cuộc sống người dân nơi đây. Từng đợt sóng biển cứ đều đặn xô vào bờ như cuộc sống người dân trên đảo cứ nối tiếp các thế hệ, không ngừng phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Điểm nhấn về tiềm năng du lịch biển đảo trong vùng là đảo Phú Quốc, rộng khoảng 600km2, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam. Phú Quốc nay đã trở thành đô thị loại II với dân số trên 115.000 người. Phát huy nguồn tài nguyên, cả về du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn, đảo ngọc đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm. Thêm vào đó, công trình điện 220kV từ Kiên Bình - Phú Quốc vừa đóng điện đưa vào vận hành thành công, càng mở ra hướng phát triển bền vững hơn cho ngành du lịch cũng như cuộc sống người dân nơi đây.

Gắn bó nơi vùng biển đảo Phú Quốc từ nhỏ, ông Lê Hoàng Minh đến nay đã gần 70 tuổi, là chủ tàu dịch vụ Minh Nga. Ông chia sẻ, hơn 10 năm trước, khi du lịch chưa phát triển, gia đình ông sống bằng nghề ghe cào, đánh bắt thủy hải sản ven bờ. Khi du lịch từng bước phát triển mạnh, ông và gia đình chuyển qua nghề chạy tàu dịch vụ. Cuộc sống gia đình ông nhờ đó cũng ngày càng sung túc hơn. Ông Lê Hoàng Minh bày tỏ: "Tôi làm nghề biển từ nhỏ đến lớn, chủ yếu là làm ghe cào đánh bắt, khi nghỉ làm ghe cào thì chuyển qua nghề chạy đò. Cuộc sống nói chung, đừng có dịch bệnh thì cũng có ăn, có nhiều có ít vậy thôi chứ không có chuyện bị lỗ, tôi có đến 2,3 chiếc tàu lận, tàu này ở ngoài biển rồi đậu trong bờ vài chiếc nữa".

Cách Phú Quốc hơn 50 hải lý, đảo Thổ Châu hay còn gọi là Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc. Với vị trí gần với đường biển quốc tế, đảo có vị trí quân sự vô cùng quan trọng. Ngoài phát triển du lịch, người dân nơi đây cũng làm nghề đi biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Nguyễn Văn Chiến, nhà ở Tổ 6, Ấp Bảy Ngự, xã Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Ra đây mình lập nghiệp, có ghe nên đi câu cá biển, thời tiết êm thì khoảng tầm 4 giờ là bắt đầu đi câu, đi sớm, chiều về, còn biển động thì không đi. Hôm nào trúng con nước, thuận gió thì cũng thu được 2,3 triệu, xăng dầu đi vòng vòng hòn thì cũng không bao nhiêu, tầm chỉ khoảng 2 lít xăng. Nói chung, thời tiết êm đi câu kiếm sống được, cuộc sống nơi đây ổn lắm rồi, trường, trạm có đủ, còn khi sóng gió, nhà cửa xêu vẹo thì có bộ đội tiếp, bộ đội rất hoà đồng với nhân dân".

Cùng hoàn cảnh như thế, ông Đặng Văn Thảo, được người dân vùng quanh đảo Thổ Chu vẫn quen gọi bằng cái tên thân thương “Đầu Bự”. Ông làm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, trám, lắp keo composite những chổ bị hư hỏng cho xuồng ghe. Từ vùng đất An Giang ra đảo lập nghiệp khi mới hơn 20 tuổi, nay sau hơn 25 năm gắn bó với đảo, gắn bó với nghề, giờ cháu con ông đều đã trưởng thành, xây dựng cuộc sống vững vàng. Bằng chất giọng gần gũi, chân chất, ông chia sẻ với tôi: "Xuồng ghe của ai hư, kêu mình sửa thì mình sửa. Mình lắp keo composite cho mấy chiếc xuồng bị hư cho nước không vô xuồng, để ghe xuồng đi biển. Tùy lúc, chiếc xuống bị bể, bị hư nhiều, mình lắp nhiều thì ăn nhiều, lắp ít thì ăn ít. Chủ ghe sẽ mua đồ, vật liệu cho mình, sửa một chiếc xuồng trung bình khoảng 3 đến 4 ngày, mình nhận tiền công là khoảng 3, 4 triệu đồng. Làm thì chỉ có một mình làm thôi, một tháng có thể sửa khoảng 4, 5 chiếc, cuộc sống cũng được"

Xuôi tàu về phía Đông Bắc, cách thành phố Rạch Giá khoảng 100km chúng ta sẽ đến quần đảo Nam Du. Nơi đây được ví như là Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam tổ quốc, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng an ninh. Từ nhiều đời, gia đình bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Ấp An Cư, xã Nam Du sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Nhờ vào việc phát triển du lịch nơi xã đảo mà lượng thủy hải sản đánh bắt bán rất chạy, giá cả cũng được nâng lên, cuộc sống gia đình càng khấm khá hơn. Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú tâm tình: "Ấp An Cư bây giờ phát triển nhiều lắm, cũng nhờ vào phát triển du lịch trên đảo. Nghề bóng của gia đình giờ là chỉ đi trong ngày thôi. Những mùa thất thì phải nằm dề 5 đến 7 ngày mới vô, còn như mùa này thuận lợi thì sáng đi đánh bắt rồi chiều về. Chuyện lời khi đi đánh bắt thì trung bình một hôm khoảng năm, sáu triệu, trừ chi phí chủ ghe lời khoảng 3,4 triệu, giờ mực nhiều lắm, thường là dính con mực nan và mực lá, cũng có khi trúng bảy, tám triệu, mười triệu, mười mấy triệu cũng có".

Ông Phạm Văn Ken, thì sống chủ yếu bằng nghề hướng dẫn viên du lịch nơi xã đảo Nam Du. Khi hỏi về cuộc sống nơi đây, ông nở nụ cười rạng rỡ, giới thiệu các điểm du lịch địa phương, các món ăn đặc sản cũng như tự hào về con người, mảnh đất nơi mình gắn bó: "Trước lúc chưa có dịch thì lượng du khách rất đông, giờ dịch bệnh tạm ổn, du khách đã đi lại nhưng số lượng không bằng như lúc trước thôi, giảm khoảng 10% đến 20%. Theo tôi nghĩ, ở đảo này muốn thu hút được du khách nhiều hơn thì mình nên đầu tư thêm nhà nghỉ, đường lộ. Ở đảo là tuyệt đối không bị chặt chém, không tham lam và rất an ninh. Từ lúc tôi làm du lịch đến gì thì cảm thấy kinh tế cuộc sống ổn định lắm, con đi học đầy đủ".

Trong những năm qua, đời sống của bà con xã An Sơn, xã Nam Du, thuộc quần đảo Nam Du, ngày càng được nâng lên, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương có nhiều bước phát triển vượt bậc, nhiều công trình lớn được đầu tư như: hồ chứa nước ngọt 200.000 m3, hệ thống xử lý rác, nâng cấp đường lộ dân cư xung quanh đảo, nguồn điện được phát 23/24… Ông Võ Hoàng Hận, Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đánh giá: "Do điều kiện dịch bệnh, đời sống bà con cũng gặp một số khó khăn về thu nhập. Dần từng bước, ở góc độ địa phương đã có kêu gọi cùng với huyện, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương. Hướng tới, được biết Trung ương sẽ đầu tư cho hai xã đảo An Sơn và Nam Du hệ thống đường điện lưới quốc gia, qua đó cũng góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển trong thời gian tới".

Rẽ sóng vượt ra khơi xa, gần với đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia, sẽ đến đảo Hòn Đốc hay còn gọi là hòn Tre Lớn, thuộc xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đây là nơi có nhiều tuyến đường thông thương quan trọng, lại có địa hình hiểm trở, nên khu vực này vào cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 là nơi cướp biển thường xuyên đồn trú, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại. Chính vì thế mà hình thành nên cái tên Quần đảo Hải Tặc. Tương truyền, cướp biển sau khi cướp các tàu buôn thường đem chiến lợi phẩm, hàng hóa về đảo Hòn Đốc ăn chia và chôn giữ, vì vậy cũng có những lời đồn về kho báu, tuy nhiên đến nay chưa được kiểm chứng. Ôm vào lòng nhiều điều thú vị như thế cùng vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết hiếm nơi nào còn giữ được, khiến cho Hòn Đốc trở nên hấp dẫn trong mắt du khách. Ngày nay, xã đảo Tiên Hải được tỉnh quan tâm đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm… góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững hơn.

Ông Đỗ Quang Biên, hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tiên Hải chia sẻ thêm trong công tác giáo dục: "Do đặc thù ở đây là xã đảo nên trường có 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, tổng số lớp là 12 lớp, số học sinh là 260 em. Ở đây có thuận lợi là đối với điểm trường chính, cơ bản là nằm chung trong 1 cái Hòn, nên việc vận động học sinh ra lớp tương đối dễ, còn khó khăn nhất là các em ở hai điểm trường lẻ, khi học hết lớp 5 muốn đi học cấp 2 thì các em sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại. Do vậy, trường cũng đã tham mưu địa phương cũng như phòng giáo dục, các ngành đã xây dựng được 4 phòng lưu trú cho các em, tạo điều kiện cho các em qua đây ở và học luôn".

Đến với các đảo tiền tiêu trong thời gian ngắn, nhưng chúng tôi lại cảm nhận được sự ấm áp bởi những tiếng cười nói, nô đùa của các em nhỏ trên những con đường trải bê tông sạch đẹp; tiếng trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân và cả âm thanh náo nhiệt phát ra từ những chiếc tivi, loa đài, dàn karaoke gia đình... Chúng tôi thực sự cảm nhận được sự thay da đổi thịt từng ngày ở các đảo.

Để có được cuộc sống bình yên và sự phát triển không ngừng như thế tại các đảo tiền tiêu, bên cạnh sự chung sức của người dân, vai trò của các lực lượng đóng quân nơi hải đảo, đặc biệt là lực lượng hải quân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Để hiểu thêm về cuộc sống, ý chí vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của lực lượng hải quân nơi đây như thế nào, mời quý thính giả cùng tiếp tục theo dõi bài 2 với nhan đề: “Vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió” trong chương trình ngày mai.

VOH

Bình luận

Đọc Báo mới