Sản xuất nông sản an toàn – vì lợi ích của người tiêu dùng

(VOH) - Trong thời gian gần đây, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn và sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã thay đổi cách thức sản xuất, tập trung phát triển theo hướng chất lượng, an toàn.

An toàn thực phẩm có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản trên thị trường. Thế nhưng, vấn đề thực phẩm bẩn đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Nhiều biện pháp đã được đưa ra, trong đó, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm minh những trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, còn phải tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc sản xuất, chế biến nông sản an toàn. Từ đó, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng về thực phẩm sạch.

Là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, các loại rau củ quả sẽ gây nguy hại cho sức khỏe nếu còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm rau củ quả đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nhờ đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã bước đầu xây dựng được uy tín, thương hiệu, được người tiêu dùng tin tưởng như sản phẩm của các hợp tác xã Phước An, Ngã Ba Giồng, Phú Lộc, Mai Hoa… Thông qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các điểm bán lẻ, sản phẩm rau an toàn đang được đưa đến tận tay người tiêu dùng.

Nói về chất lượng của sản phẩm, ông Đào Thanh Đức, Phó giám đốc Hợp tác xã Phước An, huyện Bình Chánh khẳng định:“ Nói chung hợp tác xã quan tâm tới vấn đề chất lượng sản phẩm và mình sản xuất rau làm sao tạo niềm tin cho người tiêu dùng, chứng tỏ là rau mình tốt, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Mình phải tuyên truyền cho người nông dân tuyệt đối chấp hành những tiêu chí VietGAP đưa ra, thì mình hướng dẫn cho nông dân làm. Quy trình VietGAP tốt, có kiểm soát đàng hoàng”.

Những phiên chợ nông sản sạch được tăng cường tổ chức. Ảnh: PN

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, sự hỗ trợ của Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm do cơ quan Phát triển quốc tế Canada tài trợ, nông dân của hợp tác xã Phước An đã được hướng dẫn, tập huấn sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Đồng thời, sản phẩm được tiến hành thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu phân tích định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Không chỉ sản xuất theo VietGAP mà hợp tác xã Mai Hoa, huyện Hóc Môn còn quan tâm đến sản xuất theo hướng hữu cơ. Tuy chỉ mới là bước thử nghiệm nhưng đã thể hiện nỗ lực của hợp tác xã trong việc cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Kinh doanh Hợp tác xã nông nghiệp Mai Hoa cho biết: “Mình thì bây giờ đang làm theo hướng hữu cơ nhưng mà trước tiên là hướng 3 không, 3 không là mình không sử dụng thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc tăng trưởng. Cũng từng bước làm thôi, bây giờ là sử dụng phân hữu cơ và thuốc vi sinh, không dùng phân hóa học nữa, nếu có phun xịt thì cách ly đúng ngày mà bây giờ không phun xịt gì, chỉ dùng phân hữu cơ thôi”.

Ngoài rau củ quả thì các sản phẩm thịt, cá, thủy sản… cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ngâm tẩm hóa chất độc hại. Nhất là tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi phải được ngăn chặn quyết liệt để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Với việc mở điểm bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình quận 5, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ đã hoàn thiện được chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển đến phân phối sản phẩm thịt heo sạch VietGAP. Trong quá trình chăn nuôi, các hộ nông dân không được sử dụng chất cấm, phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ trại chăn nuôi đến tay người tiêu dùng.

Ông Đặng Ngọc Hiệp, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ nhấn mạnh:“Thịt VietGAP của mình không có chất tạo nạc, chất tăng trưởng trong heo. Khi mình chế biến, mùi thịt sẽ thơm hơn thịt thông thường, không ra nước, khô ráo. Mình là một chuỗi khép kín từ khâu mua, giết mổ đến cho sản phẩm ra thị trường là hoàn toàn khép kín của công ty An Hạ. Khi mình nhập heo về, mình có mẫu test nhanh để test heo có chất cấm hay không, nếu mẫu ổn thì mới nhập về”.

Trước tình trạng thực phẩm bẩn đang hoành hành, người tiêu dùng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng những sản phẩm sạch, đạt chuẩn an toàn VietGAP, Global để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Thay vì chú ý đến giá cả, nhiều người bây giờ đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, chỉ chọn mua các loại nông sản có thương hiệu uy tín, được bày bán ở những nơi tin cậy. Thời gian gần đây, với việc xuất hiện các phiên chợ chuyên bán hàng nông sản sạch, người tiêu dùng có thể yên tâm tìm mua những thực phẩm an toàn cho bữa ăn hàng ngày.

Bà Phạm Thị Ánh Hồng, nhà ở quận 3 cho rằng:“Tổ chức nhiều phiên chợ thế này là càng tốt để cho mọi người tiếp cận rau sạch bởi vì bà con ai cũng thế, bây giờ sức khỏe đặt lên hàng đầu, rau có nguồn gốc là mua thôi. Mình sợ chất tăng trọng, chất cấm, chất tạo nạc thành ra mình mua heo sạch VietGAP về để tủ lạnh. Mình mong muốn có những hội chợ như thế này để bà con tiếp xúc với thực phẩm sạch, thế này là quá mừng rồi”.

Thông qua các phiên chợ nông sản sạch, các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp có thể giới thiệu, quảng bá, cung cấp cho thị trường các loại nông sản an toàn, có xuất xứ rõ ràng, góp phần tạo thêm địa chỉ mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng. Như Chợ phiên Nông sản an toàn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã tạo điều kiện cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất theo quy trình sạch, an toàn.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận:“ Chợ phiên của Sở là đơn vị quản lý nhà nước có sự kiểm soát của các cơ quan trực thuộc sở, kiểm soát từ nguồn gốc sản xuất. Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm soát nơi sản xuất về rau củ quả, Chi cục Thú y kiểm soát các sản phẩm về con. Có nghĩa là Sở Nông nghiệp kiểm tra từ gốc đến ngọn, từ nơi sản xuất, vận chuyển đến phân phối ra tới chợ phiên. Những doanh nghiệp phải có chứng chỉ, nguồn gốc mới đưa vào chợ phiên được”

Việc người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm sạch đã tạo cơ hội cho thị trường nông sản an toàn ngày càng phát triển. Vì vậy, cần có những chính sách cụ thể để vận động, khuyến khích nông dân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nhiều loại nông sản an toàn, chất lượng cao. Quan trọng là phải giúp họ thay đổi nhận thức, không vì chạy theo lợi nhuận mà để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn, gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

Đồng thời, chú trọng xây dựng chuỗi nông sản an toàn, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp cho người tiêu dùng những loại nông sản tốt nhất. Từ đó, đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất cũng như phục vụ nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng.

Trúc Mai

VOH

Bình luận

Đọc Báo