Quốc hội thảo luận luật Quản lý thuế sửa đổi và Luật Giáo dục (sửa đổi) - Thời sự 5g30 16/11/2018

(VOH) - Chiều 15/11, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu tán thành sự cần thiết phải sửa đổi luật.

Bởi sau thời gian thực hiện, bên cạnh việc đạt được kết quả quan trọng, luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng cho rằng, thời gian qua, thông qua  các cuộc đối thoại của các cơ quan quản lý nhà nước nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được lắng nghe, tiếp thu và có điều chỉnh cần thiết, kịp thời. Do đó đại biểu đề nghị bổ sung quy định hàng năm cơ quản lý thuế phải tổ chức đối thoại  với đối tượng nộp thuế. “Với những cơ chế đối thoại, giải đáp thắc mắc trao đổi những băn khoăn trăn trở và bất cập từ đó sẽ bảo đảm sự thông suốt từ cơ quan quản lý thuế đến các đối tượng có nghĩa vụ phải nội thuế và toàn xã hội. Cũng như hạn chế thông tin 1 chiều. Do đó tôi đề nghị bổ sung vào điều 18 nghĩa vụ các cơ quan quản lý thuế phải tổ chức  đối thoại với đối tượng nộp thuế hàng năm….”

Về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đa số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt. Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc nêu ý kiến: “Tôi đề nghị cân nhắc việc quy định theo hướng không nên trao quyền cho lãnh đạo ngành thuế hải quan được quyền xóa nợ thuế. Nên giao thẩm quyền này cho cơ quan quản lý nhà nước về thuế vì cơ quan quản lý thuế là người quyết định ấn thuế, miễn giảm thuế, khoanh nợ thuế nay lại thực hiện xóa nợ thuế không phù hợp, vi phạm nguyên tắc, dễ phát sinh tiêu cực”

Trước đó, vào buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật Giáo dục (sửa đổi).Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc mở rộng phạm vi sửa đổi và quan điểm xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) được nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, ghi nhận thời gian không dài những Ban soạn thảo đã rất cố gắng, điều chỉnh kịp thời để hoàn thiện dự thảo. Đưa ra nhận định này,  đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị 1 nội dung, đó là: Việc thực nghiệm thí điểm phải qua Quốc hội, Thường vụ Quốc hội – phải có cơ quan kiểm chứng, cho ý kiến, phê duyệt trước khi thí điểm.

Góp ý vào dự thảo Luật, Đại biểu Trần Văn Nam, đoàn Bình Dương cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này lại chưa toát lên được triết lý giáo dục. Phải làm rõ được triết lý giáo dục mới tạo nền tảng vững chắc để cái cách giáo dục. Triết lý giáo dục sẽ chi phối 3 trụ cột cơ bản của Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm: mục tiêu, chính sách cơ bản; hệ thống giáo dục và đội ngũ nhà giáo. 

"Trên nền tảng đó những cơ chế chính sách được ban hành để thảo mãn 4 trụ cột sẽ được vận hành theo hướng đổi mới để thích ứng với thời cuộc. Vì đầu ra của giáo dục là chính những con người quyết định cho sự hưng thịnh, tồn vong của dân tộc nên sứ mệnh của giáo dục chỉ có thể là phá bỏ những tư duy, thói quen cũ. Do đó những tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại cần phải được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ, tạo được nền tảng vững chắc của đạo luật này. Quốc hội đã quyết tâm cho một lần sửa đổi toàn diện thì cũng thêm một lần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn những yêu cầu và điều kiện của Cuộc cách mạng 4.0" - Đại biểu Trần Văn Nam phát biểu.

VOH

Bình luận

Đọc Báo mới