PGS TS Đoàn Trọng Huy - người có 60 năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Thời sự 5g30 09/08/2019

(VOH)- Nhà nghiên cứu văn học hiện đại, PGS TS Đoàn Trọng Huy say mê nghiên cứu không chỉ về văn chương mà còn về con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là khi ông may mắn được gặp vị lãnh tụ vĩ đại

Không chỉ đứng lớp giảng dạy, ông còn cho ra mắt nhiều quyển sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến nay, dù đã bước qua tuổi 85, tóc đã bạc màu nhưng những nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng ngơi nghỉ trong ông.

Mời quý vị cùng nghe những chia sẻ của PGS TS Đoàn Trọng Huy về hình ảnh của vị lãnh tụ vĩ đại qua cuộc phỏng vấn với Phóng viên Quỳnh Anh.

VOH: Thưa ông, ông đã có đôi lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông chia sẻ thêm về những kỷ niệm này?

PGS TS Đoàn Trọng Huy: Tôi sinh ngày 12/10/1934, tức là khi CMTT tới thì chưa đầy 11 tuổi. Nhưng từ tấm bé, tôi đã có vinh dự được cùng cha anh đi dự lễ mít tinh ngày 19/8 tại Nhà hát lớn. Sau đó, cũng rất vinh dự được dự Quốc khánh 2/9/1945. Sau này khi đi dạy học, tôi may mắn được gặp Bác 2 lần, một lần ở trại hè Chu Văn An khoảng năm 1956, 1957, một lần ở hội nghị giáo dục toàn quốc khoảng năm 1957, 1958. Những lần Người đến gặp gỡ giáo viên và anh em công tác trong ngành giáo dục thì đều có những bài nói được ghi lại trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, nhưng tôi nhớ nhất một câu mà Người nói, đó là “Thầy giáo là người rất vẻ vang”. Lần thứ 3, Bác đến thăm trường sư phạm và nói chuyện, Bác dặn một câu mà khiến toàn trường và các thầy cô nhớ đời, là “trường sư phạm phải là một trường mô phạm”. Đó là những kỷ niệm của tôi khi đi dạy học, lúc còn rất trẻ, tôi đã được gặp Người và thấy rõ phong cách cũng như ý tưởng của Người khi dặn dò các thế hệ thầy cô giáo.

VOH: Khi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn khi viết về một nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn như Bác Hồ?

PGS TS Đoàn Trọng Huy: Tôi có hai trải nghiệm. Một là gặp gỡ, cảm nhận, hiểu biết thực tế và có ý thức tình cảm kính yêu vô hạn với Bác. Thứ hai là vốn hiểu biết gián tiếp qua sách vở trong nước và ngoài nước về cuộc đời, sự nghiệp và phong cách Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt là về sự nghiệp văn thơ của Bác. Tôi cũng có cảm xúc và nhu cầu thôi thúc là ngoài việc viết giáo trình, bài giảng như là một thầy giáo dạy văn hệ đại học, thì còn có mong muốn viết một công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi viết thì có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Thuận lợi là có vô vàn sách báo trong và ngoài nước viết về Bác mà mình đã nghiên cứu, thấm nhuần, nhưng khó là viết làm sao cho có dấu ấn riêng của mình để phục vụ cho một đối tượng độc giả rộng rãi, đồng thời có trình độ nâng cao.Thực ra đã có nhiều công trình về chính trị, lịch sử, tôi chọn một lối đi khác, đó là tổng hợp cả bức chân dung về tính cách và bức chân dung về nghệ thuật, tức là sự nghiệp cuộc đời của Bác và sự nghiệp văn chương, nghệ thuật.

VOH: Qua nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tâm đắc nhất điều gì khi học Bác, nhất là trong bối cảnh chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

PGS TS Đoàn Trọng Huy: Tôi học về Bác từ những năm còn là học sinh. Nhưng chính thức nghiên cứu về Bác là từ lúc học trung cấp sư phạm những năm 1951, và bắt tay nghiên cứu một cách nghiêm túc, lăn lộn ở các thư viện và các sự kiện, hội thảo về Hồ Chí Minh trong và ngoài nước là từ những năm 1960. Như thế tính ra đến nay, tính cả tháng này vừa có bài đăng trên Diễn đàn văn nghệ Việt Nam về nhớ lời di chúc theo chân Bác thì nhẩm tính đã gần 60 năm. Nhưng điều tôi tâm đắc nhất là vừa học được cốt cách của Bác Hồ, một nhân cách vĩ đại, đại nhân, đại trí, đại dũng, nhưng cũng vừa nắm vững và thấu hiểu, cảm thông được con người của Bác trong văn chương nghệ thuật. Vì vậy, yêu thương, kính trọng Bác và biết ơn Bác vô hạn phải biến thành suy nghĩ, tâm tư, hành động của mình. Tôi năm nay 85 tuổi, vẫn học theo Bác một điều, đó là suốt đời học tập và là một người có ích cho xã hội.

VOH: Xin cám ơn ông rất nhiều!

VOH

Bình luận

Đọc Báo