Không xét về chất lượng sản phẩm mà chỉ điểm qua bao bì, mẫu mã và giá cả thì sản phẩm sầu riêng MonThong sấy khô của Thái Lan có giá cao nhất trong nhóm trái cây chế biến, khoảng gần 150.000 đồng với 1 túi 100 gam. Còn với nông sản chế biến của Campuchia, cao giá nhất với bao bì khá đẹp là đặc sản đường thốt nốt hữu cơ, gần 190.000 đồng/kg. Kẹo thốt nốt 150 gam, có bao bì khá bắt mắt, có giá trên 90.000 đồng. Tiếp đến là hạt điều nhân muối, giá gần 90.000 đồng cho một túi 200 gam. Riêng kẹo trái cây, khô mực xé, trái cây sấy thập cẩm xoài, chuối, dứa... giá trung bình 30.000 đồng đến gần 60.000 đồng một túi 80 gam đến 150 gam. Nhìn chung, các sản phẩm này vẫn chưa có mẫu mã bao bì đẹp như sản phẩm ngoại nhập.
Còn sản phẩm thực phẩm chế biến từ Việt Nam, đứng đầu là mít sấy của Vinamit, với giá gần 80.000 đồng cho 1 túi 200 gam và cũng với mít sấy của Công ty Vân Phát, nhưng được treo biển ““best seller” sản phẩm bán chạy nhất”, có giá gần 60.000 đồng cho túi 200 gam. Sản phẩm khoai môn sấy của Công ty Quỳnh Anh, có giá thấp hơn, gần 30.000 đồng với 1 túi 100 gam. Ngoài ra, một số sản phẩm thực phẩm chế biến khác như cơm cháy chà bông của Công ty Nhất Khánh, cơm gạo lứt muối mè của Công ty Gia Định, bột nêm, cá cơm của một số doanh nghiệp khác, giá thấp hơn và bao bì đơn giản, chưa bắt mắt.
Campuchia là quốc gia có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên có thể sản xuất ra nhiều loại nông sản. Tuy nhiên, với mùa nắng nóng 6 tháng nên chỉ phát triển một số cây ăn trái chính như xoài, chuối... Xoài keo tươi, ngon, ngọt ở Campuchia, khi vào vụ thu hoạch cũng được đưa xuất về Việt Nam tiêu thụ vì khi đó xoài ở Việt Nam chưa vào vụ.
Còn ở Việt Nam, việc phát triển các mặt hàng rau quả thuận lợi hơn và có tính đặc sản của vùng miền như chuối, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều, măng cụt, hồng xiêm, xoài, ổi... trong đó, nhiều mặt hàng trái cây tươi đang được xuất khẩu ra nước ngoài, được bán tại các siêu thị với giá tốt. Còn một số mặt hàng trái cây sấy khô, chế biến như mít, khoai môn, khoai lang, hồng, chuối sấy, kẹo chuối, kẹo dừa, cơm cháy, bột tôm... chủ yếu vẫn tiêu thụ trong nước. Có thể thấy, nông sản thực phẩm chế biến Việt Nam chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn ở Campuchia, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...
Ảnh minh họa - Nguồn: VNEconomy
Ngày 14/3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 quy định về thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Campuchia. Theo đó, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi xuất khẩu vào thị trường Campuchia. Ngược lại, VN dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản nguyên liệu gồm thịt, phụ phẩm tươi sống, thóc gạo, sản phẩm nhựa, vải dệt, xe đạp...
Rất nhiều các chuyên gia đã nhận định, việc nông sản Việt Nam gặp thách thức là không hề nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức là thời cơ và cơ hội mới. Bởi lẽ, theo Bản thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước, không chỉ các doanh nghiệp Campuchia được hưởng lợi, mà doanh nghiệp Việt Nam cũng có rất nhiều cơ hội mới và những ưu đãi đặc biệt khi xuất khẩu vào thị trường này.
Hàng năm, Campuchia chi trên 200 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu hàng rau quả từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam và Lào. Trong đó, Việt Nam chủ lực mảng rau tươi. Trung bình mỗi ngày, thị trường Campuchia nhập khoảng 300 tấn rau từ Việt Nam”. Hàng hóa Việt Nam từng được người tiêu dùng Campuchia rất tin dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu chú trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm làm cho cơ hội mở rộng thị phần chựng lại.
Để một số nông sản thực phẩm chế biến Việt Nam mở rộng và khai thác thị trường tiêu thụ ở Campuchia, các doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu của người dân nước sở tại là muốn mua hàng tốt, giá vừa phải chứ không phải hàng rẻ kém chất lượng. Bênh cạnh đó, bao bì mẫu mã phải bắt mắt. Ngoài ra phải chú trọng vấn đề quản lý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để tồn dư hóa chất trong sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này.