Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ tại Quyết định số 316 ngày 9/3/2021, các doanh nghiệp viễn thông đang gấp rút triển khai dịch vụ này tới người dân trên địa bàn cả nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản, còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện.
Hiện nay, có khoảng 40-50% thuê bao di động ở Việt Nam không dùng smartphone, không sử dụng data 3G/4G. Đây là những đối tượng không thể thực hiện thanh toán điện tử nhưng lại có thể giao dịch Mobile Money.
Mobile Money được xem là công cụ thanh toán bổ sung vào hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt, các hệ thống thanh toán điện tử của chúng ta hiện nay. Trong đó, ví thanh toán là một nhu cầu rất lớn ở các nền kinh tế phát triển.
Đặc biệt, khi thương mại điện tử ngày càng phát triển thì ví thanh toán càng quan trọng, người dân được hưởng lợi rất nhiều, các vùng sâu, vùng xa vùng nông thông sẽ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử và phát triển với tốc độ cao hiện nay, đặc biệt là các khoản thanh toán nhỏ.
Hiện các nhà mạng như VNPT, Viettel, MobiFone sẵn sàng hạ tầng thử nghiệm dịch vụ. Theo đó, Viettel đã có quá trình thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ. Ngoài ra, nhà mạng này đã có quá trình triển khai hệ sinh thái tài chính số ViettelPay từ năm 2018, đến nay đã có 10 triệu khách hàng. Sau 3 năm triển khai, ViettelPay hiện đã phủ rộng số lượng điểm giao dịch chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng này trên toàn quốc.
Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết: “Trong quá trình nghiên cứu, phát triển cung cấp dịch vụ, chúng tôi đã đưa vào tất cả những quy chuẩn, quy định về công nghệ cũng như bảo mật hàng đầu thế giới. Ví dụ như quy chuẩn về PCI DSS… bên cạnh đó, ứng dụng về công nghệ về IA, big data để chủ động phát hiện những giao dịch, thuê bao bất thường, qua đó chủ động bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Tất nhiên, không thể thiếu được đội ngũ quản trị rủi ro cũng như ngân hàng, và Viettel chúng tôi có công ty an ninh mạng bảo vệ những thông tin khách hàng trên không gian mạng”.
Trong khi đó, VNPT cũng đã sẵn sàng về hạ tầng để triển khai Mobile Money ngay sau khi được cấp phép. Lãnh đạo đơn vị này cho biết, các nước châu Phi hay Đông Nam Á như Myanmar triển khai dịch vụ này rất hiệu quả vì dư địa lớn, do số lượng người dân có tài khoản ngân hàng thấp. Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng hiện phát triển rất mạnh, 50% người dân đã có tài khoản ngân hàng, ngoài ra các loại hình thanh toán trung gian khác như ví điện tử cũng rất phát triển.
Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, dư địa khi triển khai Mobile Money tại Việt Nam không còn nhiều như một số nước, nên nếu không triển khai nhanh sẽ đánh mất cơ hội. Với 90% giao dịch nhỏ không qua tài khoản ngân hàng hiện nay, có Mobile Money sẽ rất tiện lợi, người dân sẽ chỉ cần chuyển qua số điện thoại trên danh bạ.
Nhà mạng MobiFone cũng nhận định rằng loại hình Tiền di động này sẽ mang đến nhiều lợi thế cho cả người dân lẫn các doanh nghiệp viễn thông. Thời gian qua, MobiFone cũng đã đầu tư, chuẩn bị mọi mặt để sớm có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money tới người dùng sau khi dịch vụ này được cấp phép.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho hay, doanh nghiệp này đã sẵn sàng các điều kiện về pháp lý, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách ở mức cao nhất. Hiện tại MobiFone cũng đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán. Tỉ trọng các dịch vụ cung cấp online hiện khoảng 60%, cùng với việc triển khai thí điểm Mobile Money, doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ đẩy tỉ lệ các dịch vụ được thanh toán thông qua phương tiện này lên mức 80-90%.
Theo ông Bùi Sơn Nam: “Chúng tôi đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép trung gian thanh toán – một tiền đề quan trọng để triển khai mobile money. MobiFone cũng thành lập trung tâm dịch vụ số MobiFone để tập trung triển khai dịch vụ này. Với việc cho phép triển khai thí điểm mobile money của Thủ tướng Chính phủ là bước hoàn thiện hệ sinh thái số trong việc cung cấp các dịch vụ dành cho khách hàng.
Trong suốt quá trình đề án thí điểm, cấp phép thì MobiFone đã chuẩn bị tất cả các đề án để gởi xin chính thức được triển khai thí điểm dịch vụ này. Và ngay khi đề án được phê duyệt thì MobiFone triển khai ngay dịch vụ. Hiện giờ các phần liên quan đến hạ tầng kỹ thuật thì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng”.
Và để dịch vụ này được thực hiện một cách bài bản, an toàn, bảo mật, theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, các nhà mạng cần liên tục nâng cấp các hệ thống quy chuẩn để nhận tiền và nộp tiền đối với các khoản giao dịch nhỏ không có điểm giao dịch nhưng có smartphone, có thiết bị có gắn chip di động hoặc có kết nối bằng dây điện thoại thì cũng có thể thực hiện được, điều đó sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân. Ngoài ra, các quy định về thanh toán cần phải làm chặt chẽ.
Nguyễn Bình Minh cho rằng: “Các đơn vị phải cập nhật đủ hồ sơ, dữ liệu và thực hiện các chế độ bảo mật theo yêu cầu; phải đầu tư thêm bộ phận để nâng cấp hệ thống quản trị hiện nay. Việc lưu trữ các dữ liệu trong các giao dịch để xử lý khi có khiếu nại hoặc liên quan đến các hoạt động về kinh doanh và kiểm tra, kiểm soát thì rõ ràng, các đơn vị sẽ phải xây dựng thêm các hệ thống liên quan đến giao dịch dữ liệu của người dùng.
Khi có những hệ thống này thì lại phải nâng cấp hệ thống bảo mật để đảm bảo dữ liệu này không bị rò rỉ, thất thoát, hoặc tội phạm làm thay đổi. Các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ này. Nếu doanh nghiệp trước đây chưa là đơn vị trung gian thanh toán, thì sẽ có sự nâng cấp rất nhiều để đạt các an toàn dữ liệu đối với đơn vị trung gian thanh toán”.
Quá trình chuyển đổi số đã tạo ra rất nhiều dịch vụ nội dung số dành cho người dân, và việc cấp phép Mobile Money đã góp phần hoàn thiện hơn hệ sinh thái số, thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta trong thời gian tới. Với các nhà mạng, sự phát triển của công nghệ mới khiến doanh thu viễn thông truyền thống từ các cuộc gọi, tin nhắn giảm khoảng 17%/năm. Thay vào đó là sự tăng trưởng doanh thu từ sử dụng dữ liệu - data.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, năm 2020 doanh thu từ thoại, tin nhắn chiếm gần 53%, doanh thu dữ liệu data là hơn 35%, số còn lại là doanh thu từ dịch vụ khác… Do vậy, các nhà mạng lớn đều đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Mobile Money được coi là không gian mới đem lại nguồn thu cho nhà mạng và thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.