Hội nghị Thượng đỉnh G7 nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội – Thời sự 5h30 8/6/2018

(VOH) - Hôm nay, hội nghị thượng đỉnh G7 chính thức khai mạc tại Charlevoix, Quebec, Canada.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, hội nghị G7 năm nay sẽ tập trung tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các vấn đề “nóng” của thế giới.

Dịp này, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada, một lần nữa khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam. Từ đó đẩy mạnh hơn nữa các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam, các nước G7 và các đối tác toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay sẽ tập trung vào nhiều nội dung  trong đó có “Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”, “Hợp tác hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và phát triển năng lượng sạch”, “Xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn”...

Bình luận về sự kiện này, với nhan đề “Thượng đỉnh G7 thời của Donald Trump”, bài viết của tác giả Joshua Kadish đăng trên tờ Atlantic cho rằng, hội nghị thượng đỉnh năm nay phải đối mặt với thách thức duy trì tính toàn vẹn và sự vững mạnh của chính G7.

Nếu như các hội nghị trước đây thường bàn các vấn đề tăng trưởng kinh tế, thì nay là nơi để các thành viên thảo luận các vấn đề mang tính toàn cầu. Các thành viên G7 châu Âu dự định thể hiện mình là một mặt trận thống nhất về một loạt vấn đề, bao gồm cả Iran, biến đổi khí hậu, cuộc chiến thuế nhôm thép.

Trong khi đó, Nhật Bản lại đặt mối quan tâm vào cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sắp tới và sẽ làm dịu bớt căng thẳng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ... Các cuộc thảo luận cũng sẽ tập trung vào chính sách ngoại giao và kinh tế gây sốc của chính quyền Mỹ thời gian qua. Bất kể kết quả thế nào, hội nghị thượng đỉnh G7 2018 sẽ phản ánh cuộc đối đầu lớn giữa các nền kinh tế đang cạnh tranh và sự cô lập Mỹ ngày càng tăng từ các đồng minh của họ.

Ở một khía cạnh khác, giới phân tích nhận định, với một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các thành viên G7 khác, hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay đang phải đối mặt với những trở ngại lớn để thành công. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút ra khỏi một số tổ chức toàn cầu. Dù điều này phản ánh học thuyết “nước Mỹ trước tiên”, nhưng trong việc đưa nước Mỹ duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu, nước Mỹ dường như đang cô độc.

Một trong những chủ đề lớn nhất được Thủ tướng Nhật Bản mang tới Mỹ lần này là về vấn đề Triều Tiên. Theo BBC, Thủ tướng Nhật Bản muốn Mỹ sẽ đảm bảo các lợi ích của Nhật bản trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Đó là việc các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt giữ cách đây hàng chục năm cũng như việc Triều Tiên liệu có đảm bảo không thử các loại tên lửa tầm ngắn có thể đe dọa Nhật Bản hay không.

Còn tờ Bưu điện Washington Post lại phân tích, điểm mấu chốt mà các quan chức Nhật Bản lo ngại đó là việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc. Tổng thống Donald Trump từng yêu cầu chính quyền Mỹ lên kế hoạch rút quân khỏi Hàn Quốc, vì vậy nhiều người tin rằng ông sẽ vui vẻ trao đổi vấn đề này trong cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên. Đây là điều Nhật bản lo ngại bởi nó có thể tác động tới an ninh quốc gia và các nhân tố an sinh xã hội của Nhật bản.

Trong khuôn khổ thượng đỉnh G7, hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng sẽ khai mạc vào ngày mai (09/6) với sự tham dự của các nước G7, Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm Việt Nam, Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Nam Phi, Rwanda, Samoa, Senegal, Seychelles và một số các tổ chức quốc tế. Theo dự kiến, hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng 2018 sẽ tập trung thảo luận ba nhóm chủ đề chính: Xây dựng khả năng chống chịu - tính ứng phó của các cộng đồng ven biển, Hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương, Thúc đẩy các giải pháp xử lý rác thải nhựa ở các Đại dương.

Việc Thủ tướng Canada Justin Trudeau mời Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay xuất phát từ vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt sau khi Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC 2017 và quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada được thiết lập. Theo đánh giá, các nội dung của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay phù hợp với sự quan tâm và lợi ích của Việt Nam, khi Việt Nam là quốc gia đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Canada. Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Canada đạt được nhiều bước phát triển tích cực đặc biệt sau khi hai nước ra Tuyên bố chung về xác lập khuôn khổ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Thủ tướng Justin Trudeau tháng 11/2017, chuyến thăm Canada lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Canada ngày càng tin cậy, hữu nghị phát triển hợp tác hai bên cùng có lợi.

Hợp tác thương mại - đầu tư, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Canada năm 2017 đạt gần 5 tỷ đô la Mỹ. Hiện, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Canada đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án trị giá 4 tỷ 100 triệu đô la Mỹ. Đánh giá về quan hệ hợp tác Việt Nam - Canada, cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam ông David Devine cho biết sau hơn một năm rưỡi trở về Canada, ông đã có cơ hội được nhìn Việt Nam từ xa và chứng kiến nhiều bước phát triển vượt bậc giữa hai nước. Ông chia sẻ “Quan hệ giữa hai nước đang phát triển rất tốt, nhất là về giáo dục, thương mại, nông nghiệp, công nghệ và môi trường”.

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam-Canada diễn ra tốt đẹp, chuyến thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Canada và thúc đẩy Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada. Qua đó, đẩy mạnh các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và thế mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở cả hai khu vực.

Trong bối cảnh Việt Nam-Canada kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, chuyến thăm Canada và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển Đối tác toàn diện giữa hai quốc gia. Đồng thời tiếp tục tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nhằm đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Canada ngày càng tin cậy, thực chất và hiệu quả./.

Nhật Quang

VOH

Bình luận

Đọc Báo