Như đã phân tích ở bài 1, khi thị trường lao động cần nguồn nhân lực có tay nghề từ nhiều cấp bậc khác nhau thì việc lựa chọn con đường học nghề song song với học văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua cũng bắt đầu có những tín hiệu khả quan.
Mời quý vị nghe bài 2 của Loạt 3 bài: Nhiều hướng đi cho học sinh sau trung học cơ sở, do Phóng viên Tuyết Nhung-Thùy Linh thực hiện, nhan đề: Học văn hóa song song học nghề: hướng đi mới cho học sinh sau Trung học cơ sở:
Tại các trường nghề, học viên sau tốt nghiệp trung học cơ sở vừa được tiếp tục học chương trình văn hóa, vừa được kết hợp học một ngành nghề được đào tạo bài bản. Kết quả, sau khi kết thúc chương trình học ở trường nghề, các em vừa hoàn thành được bậc trung học phổ thông, vừa có bằng nghề nghiệp trong tay.
Ở lứa tuổi 14, 15, rẽ hướng tương lai của mình sang học nghề, là một quyết định khá táo bạo, nhất là rất cần sự ủng hộ từ phía gia đình. Chúng tôi đã tìm gặp và lắng nghe câu chuyện đi học nghề của các em. Họ - những người trong cuộc, có rất nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan để đi đến quyết định rẽ hướng vào trường nghề. Nhưng có một điểm chung dễ nhận ra từ các em, sau một đến hai năm tại trường nghề: đó là cách nói, cách nghĩ “chín” hơn bạn bè đồng trang lứa, học sinh khóa trước, khóa sau gặp nhau toàn thảo luận về công việc tương lai, về ngành nghề mình đang theo học: “Khi biết tin em rớt nguyện vọng 1, mẹ em khá là sốc. Em cũng sốc lắm, em nghĩ có khi là cánh cửa của đời mình đóng lại rồi. Tại vì thi lên cấp ba mình chỉ thi được một lần thôi nên em sợ”.
Có lẽ, đó là cảm xúc chung của các em – cú sốc đầu đời ở lứa tuổi 14, 15 tuổi, Đặng Như Ngọc, một học sinh đang học nghề nhớ lại cái cảm giác thất bại của mình khi rớt nguyện vọng 1, lớp 10 công lập khi ấy: “Nó cũng là một cơ hội, một cánh cửa cho mình. Tụi em khi đăng ký vô trường cũng sẽ chọn một ngành mà mình theo học. Tụi em cũng được một khoảng thời gian để trải nghiệm tất cả các ngành nghề để xem mình hợp với ngành nào, mình thích ngành nào thì mình đăng ký ngành đó. Ban đầu em chọn ngành học Du lịch, nhưng sau đó em đã chuyển qua học ngành Thiết kế đồ họa”.
Tiết học thực hành của Khoa Kinh tế Du lịch, chuyên ngành Chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra ồn ào và chuyên nghiệp như ngay trong gian bếp của một nhà hàng. Các em đang là học sinh lớp 11, cũng đồng thời là các đầu bếp tương lai với đồng phục bếp màu trắng tinh tươm, nhanh tay chế biến món gà viên tẩm bột một cách thuần thục. Nhiều em kể vui, ngày nào học món ăn gì các em đều về thực hành ngay món đó cho gia đình vừa thưởng thức, vừa nâng cao tay nghề. Em Trịnh Ngô Đức, nhà ở quận 1, đang học lớp 11 - chuyên ngành Chế biến món ăn, thuộc Khoa Kinh tế du lịch, Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ở phần học văn hóa, thầy cô cũng sắp xếp lịch học cũng khá phù hợp với tụi em. Còn bên Phòng đào tạo công tác sinh viên cũng sắp xếp cho tụi em có những buổi trống để học nghề, cho đều hai bên để không quá áp lực cho tụi em. Ngày học nghề và ngày học văn hóa xen kẽ nhau nên cũng không áp lực. Em nghĩ mỗi hướng đi đều có ưu và khuyết điểm khác nhau. Ưu điểm của các bạn là các bạn học văn hóa xong, các bạn chọn ngành mình muốn để theo học đại học. Trong khi tụi em đã định hướng được cái nghề mà mình sẽ theo, cho nên dù đi đường tắt, có phần nặng hơn một xíu nhưng em cảm thấy phù hợp”.
Trở về nước sau thời gian du học tại Singapore, Nguyễn Quang Anh Nam, đăng ký vào học tại mô hình 9+ tại trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay em khá thoải mái với môi trường vừa học văn hóa, vừa học nghề tại đây. Điều quan trọng hơn, chính phụ huynh là người định hướng cho em chọn học nghề. Hiện Anh Nam là học sinh lớp 11C1 – chuyên ngành Quản trị mạng máy tính. Em nhận xét: “Bên phần học văn hóa, có ít môn nên thuận tiện cho mình vừa học văn hóa vừa học nghề, mình sẽ rút ngắn được thời gian hơn. Quan trọng là mình học và mình thấy được giá trị. Khi mình học xong, lượng kiến thức vừa đủ để có thể thi tốt nghiệp lớp 12. Còn phần học nghề, em thấy rất tốt vì giáo viên nghiêm khắc với học sinh, dạy kiến thức nghề cũng dễ hiểu. Cho nên, em nghĩ mình đã chọn đúng khi học hai thứ cùng lúc sẽ rút ngắn được thời gian, thứ hai là mình sẽ có công việc sớm, đi thực tập sớm thì mình có kinh nghiệm nhiều hơn”.
Bước sang tuổi 18, với nhiều bạn bè đồng trang lứa đang băn khoăn chọn ngành nào nghề nào, thì Nguyễn Lê Hồng Hạnh cũng tất bật với công việc chính thức của mình tại Tập đoàn Trung Nguyên, với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng. Em vừa tốt nghiệp hệ 9+ chuyên ngành Quản trị nhà hàng khách sạn, Trường Trung cấp Việt Giao. Chia sẻ lý do học nghề, Hồng Hạnh cho hay ngay từ đầu gia đình đã định hướng cho em đăng ký đi học nghề, với mong muốn bản thân nhanh chóng tích lũy được kỹ năng nghề nghiệp, có một công việc phù hợp với khả năng của mình: “Tại vì trong 3 năm học, em cũng đã đi làm rồi, thầy cô khuyến khích vừa làm vừa học để cọ sát thực tế. Hiện tại, công việc em cũng thấy thuận lợi hơn, em thấy mình có nền tảng cơ bản rất chuẩn về ngành nghề của mình, cho nên em cũng có thể đi làm ở bất kỳ đâu về nghề này cũng được. Mục tiêu năm tới, em sẽ cố gắng nhiều hơn để được thăng chức, tăng lương”.
Hiện nay, về chính sách miễn học phí đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp trình độ trung cấp được nêu rõ trong Nghị định số 86 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021. Cụ thể, người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí. Như vậy, học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, đồng thời chưa tham gia bất kỳ khóa đào tạo trình độ trung học phổ thông, sơ cấp và trung cấp khác thì được miễn học phí.
Theo Tiến sĩ Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, nhận thức về việc học nghề của xã hội, của phụ huynh trong thời gian qua cũng đã có những thay đổi tích cực: “Rất là mừng là đối với giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua, đó là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm rất cao, bình quân 85%, nhiều trường, nhiều nghề học sinh ra trường là có doanh nghiệp tuyển dụng ngay, thậm chí không có người để tuyển. Nếu như chúng ta nhận thức được rõ ràng cơ hội việc làm, cơ hội về thu nhập và thăng tiến trong giáo dục nghề nghiệp cũng không khác gì các em đi học đại học thì người dân, gia đình sẽ có sự thay đổi. Trên thực tế, trong 3 – 4 năm trở lại đây, tôi thấy điều này cũng thay đổi rất rõ”.
Thực tế, với nhiều phương thức học tập đa dạng cùng các chính sách khuyến khích công tác học nghề như hiện nay của Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hướng rẽ cho học sinh sau Trung học cơ sở đã từng bước mang lại sự tin tưởng và an tâm rất nhiều cho phụ huynh lẫn thí sinh. Trong đó, không thể không nhắc đến mô hình 9+ mà nhiều trường trung cấp – cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai trong những năm gần đây. Chương trình 9+Cao đẳng là hình thức học văn hoá rút gọn 7 môn song song với học cao đẳng chính quy. Học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở theo học chương trình 9+ Cao đẳng rút ngắn thời gian đào tạo bằng việc học song song học văn hóa và chuyên ngành.
Để hiểu thêm về mô hình này, mời quý vị nghe đó nghe bài 3 “Thành công ban đầu từ mô hình 9+” trong chương trình thời sự sáng mai.