Năm 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới 2 triệu 210 ngàn người, trong đó trình độ cao đẳng và trung là 440.000 người. Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển sinh đạt 2 triệu 260 ngàn người, trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 560.000 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm nay đứng trước nhiều khó khăn, thách thức?
Để vượt qua những thách thức này, các trường cao đẳng – trung cấp phải tự đổi mới ra sao trong công tác tuyển sinh, chương trình đào tạo, xác định đối tượng người học, chính sách ưu đãi, cam kết sau tốt nghiệp.
Bàn thêm vấn đề này, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện Tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp trước thách thức tuyển sinh 2019”, với các vị khách mời:
- Ông Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh;
- Bà Nguyễn Thị Diệu Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân;
- Bà Nguyễn Quỳnh Lâm - Trưởng phòng Hướng nghiệp tuyển sinh Trường Trung cấp Việt Giao;
- Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM.
-----
Kỳ 1: “Hết lớp 9, học dở… mới vào trường nghề?”
Năm 2019, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đặt ra mục tiêu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phấn đấu tuyển sinh đạt 2,26 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ Cao đẳng và trung cấp là 560.000 học sinh, sinh viên. Mục tiêu này có đạt được hay không, phụ thuộc vào chính công tác tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp.
* VOH: Năm nay phương thức tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi theo hướng thuận lợi hơn cho thí sinh: chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng tăng, thời gian tuyển sinh dài nên đã thu hút phần lớn học sinh vào học đại học, trong khi số lượng học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông hàng năm không tăng nhiều. Điều này có gây áp lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hay không?
- Ông Nguyễn Đăng Lý: Năm 2017, 2018 và tiếp tục năm 2019, các em tốt nghiệp trung học phổ thông vào đại học có hướng ngày càng rõ. Các em thích vào đại học nhiều hơn, bởi vì việc tuyển sinh vào đại học ngày càng dễ, chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông, rất nhiều trường đại học xét tuyển dựa vào học bạ. Việc vào đại học, nhất là đại học tốp dưới, dễ dàng đậu.
* VOH: Còn đối với các trường trung cấp thì ra sao, mời bà Nguyễn Quỳnh Lâm cùng chia sẻ?
- Bà Nguyễn Quỳnh Lâm: Hàng năm, trường có ba đối tượng tuyển sinh: thứ nhất là các em tốt nghiệp trung học phổ thông; thứ hai là đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở; thứ ba là đối tượng đã tốt nghiệp đại học cao đẳng ở những ngành khác nhưng không đúng ngành nghề yêu thích, quay lại học trung cấp để tìm công việc phù hợp. Trong đó, đối tượng mà Trường tuyển sinh nhiều nhất vẫn là các em tốt nghiệp trung học cơ sở, đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ chiếm khoảng ¼ tổng số học viên của Trường. Chúng tôi cũng không bị áp lực khi các trường đại học tuyển sinh dễ như thế nào.
* VOH: Thưa bà Nguyễn Thị Diệu Anh, đối với thực tế Trường có gặp khó khăn gì hay không?
- Bà Nguyễn Thị Diệu Anh: Hình thức đào tạo của cao đẳng trước đây nó gần với các trường đại học, nên họ xác định nguồn tuyển là thí sinh không trúng tuyển đại học. Tuy nhiên, những năm gần đây, các em vào đại học quá là dễ dàng, vì vậy các trường cao đẳng phải xác định lại định hướng đào tạo của mình để sao cho người học chọn mình. Mình phải thay đổi chương trình đào tạo, phương thức đào tạo, để các em thấy sự khác biệt rõ ràng giữa việc học cao đẳng với học đại học khác nhau.
* VOH: Xin mời bà Nguyễn Quỳnh Lâm chia sẻ thêm, yếu tố mà Trường quan tâm là gì?
- Bà Nguyễn Quỳnh Lâm: Khi bạn học ở bất cứ đơn vị đào tạo nào, người học luôn mong muốn thành công. Vậy, sự thành công nằm ở yếu tố nào? – Thứ nhất là ý thức nghề nghiệp, thứ hai là khả năng chuyên môn, thứ ba là kỹ năng mềm. Vậy thì nhà trường đưa ba yếu tố này vào giảng dạy cho các em. Ví dụ, trường đào tạo 20 năm về các ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn. Những ngành này cần kỹ năng mềm rất nhiều vì tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Cho nên, ngoài việc đưa những môn kỹ năng tạo mối quan hệ, kỹ năng giải quyết phàn nàn, trường còn đưa cả khiêu vũ, ca hát vào giảng dạy… để các bạn ra trường có thể toàn năng.
* VOH: Một vấn đề đặt ra dành cho ông Nguyễn Quốc Cường. Nhu cầu thị trường lao động hiện nay đều cần đủ các trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đến đại học, ông chia sẻ thêm?
- Ông Nguyễn Quốc Cường: Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP, mỗi năm Thành phố cần từ 270.000 – 300.000 lao động đã qua đào tạo, có nghĩa là ở tất cả các cấp độ, từ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề, cả sau đại học.
Về tỷ lệ: 12% ở bậc đại học, 2% bậc sau đại học, 13% bậc cao đẳng, 35% bậc trung cấp, còn lại là trình độ sơ cấp và lao động phổ thông. Những năm vừa qua, con số hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp so với tỷ lệ đào tạo là điều đương nhiên. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để ta đưa những thông tin này đến những vùng sâu vùng xa, cho phụ huynh và thí sinh có cái nhìn toàn cảnh về việc học nghề hay học đại học. Việc tuyên truyền các chính sách của trường nghề đến cho học sinh, phụ huynh cần phải được đẩy mạnh hơn.
* VOH: Các trường cao đẳng – trung cấp đang thực hiện một sứ mạng rất lớn là góp phần vào việc thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Thưa ông Nguyễn Đăng Lý, hiện trường đang thực hiện mô hình đào tạo ra sao?
- Ông Nguyễn Đăng Lý: Xưa nay, phụ huynh suy nghĩa theo mô típ cũ: tốt nghiệp lớp 9 phải lên lớp 10, 11, 12, sau lớp 12 rồi mới tính. Về hệ 9+ cao đẳng, các nước trên thế giới đã áp dụng như Đức, Nhật, Hàn… Năm 2018, Trường áp dụng hệ này: đó là tốt nghiệp trung học cơ sở vào thẳng cao đẳng chính quy. Trường không làm nhanh mà từng bước, năm ngoái chúng tôi chỉ tuyển 70 chỉ tiêu. Điều phụ huynh quan tâm nhất là tốt nghiệp lớp 9 mới 15 tuổi, quăng các em vào một trường cao đẳng, con người ta có ai quản lý chăm sóc? Chúng tôi lường trước vấn đề này mà có mô hình quản nhiệm, để làm sao cho các em trong vòng 3,5 năm hoàn thành hai mục tiêu này. Đây là việc làm cực kỳ khó khăn.
* VOH: Còn đối với Trường Cao đẳng thì sao, bà Nguyễn Thị Diệu Anh có chia sẻ gì thêm, xin mời bà?
- Bà Nguyễn Thị Diệu Anh: Hiện nay, vấn đề chúng tôi thấy tương đối khó khăn, đó là khi đối tượng tuyển sinh không chỉ giới hạn ở bậc trung học phổ thông mà còn ở bậc trung học cơ sở thì gần như, nếu tư vấn mà không có phụ huynh đi kèm thì không có hiệu quả. Các em chỉ nghe mơ hồ, tuổi nhỏ nên các em chưa có sự nhận thức về nghề nghiệp của mình.
* VOH: Đúng là đối với học sinh trung học cơ sở, các em chưa thể nhận thức được mình sẽ làm công việc gì, vì sao bạn bè học tiếp một trường trung học phổ thông, còn mình lại rẽ sang hướng khác, học văn hóa trong trường nghề thế nào….ông Nguyễn Đăng Lý có chia sẻ gì thêm, xin mời ông?
- Ông Nguyễn Đăng Lý: Cái này đúng là khó khăn nhiều lắm. Tôi ví dụ, năm 2018 Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM đi tư vấn hướng nghiệp tại một trường trung học cơ sở ở Bình Chánh, sau buổi tư vấn có vài em đăng ký vào trường. Vậy là nhiều bạn khác hỏi các em này tại sao lại đăng ký vào trường nghề, chứng tỏ tâm lý xã hội còn rất nặng nề. Câu chuyện thứ hai, đầu năm 2019, Trường chúng tôi đi tư vấn tại Trường trung học cơ sở Phạm Văn Hai (Bình Chánh), có một phụ huynh phản ứng gay gắt, tại sao con tôi học giỏi mà bắt tôi đi nghe tư vấn vào trường nghề…
Chúng tôi có cảm giác bị đánh giá thấp, yếu tố này xuất phát từ việc phụ huynh không đủ thông tin, bởi vì trên thực tế đối với hệ 9+ của trường thì 40% học sinh giỏi đăng ký học, chứ không phải học dở mới vào học hệ này. Chúng tôi mong có nhiều cơ hội để giải thích rõ hơn, tuyên truyền nhiều hơn cho phụ huynh biết đây là mô hình tốt mà nó giải quyết được những băn khoăn của phụ huynh.
* VOH: Cám ơn ý kiến các vị khách mời!