Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh: Biểu hiện sinh động của tình đoàn kết Việt Nam - Lào

(VOH) -  Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng mối đoàn kết đặc biệt, tương thân, tương ái giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. 

Tháng 9/1959, theo yêu cầu của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thành lập đoàn 959 chuyên gia giúp Lào ở mặt trận Hạ Lào. Cũng trong thời gian này, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đoàn 559 với nhiệm vụ mở đường, vận chuyển vật chất, đưa đón cán bộ, bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam, đồng thời vận chuyển vào bảo đảm hậu cần cho đoàn 959 chuyên gia ở Lào và vận chuyển vật chất giúp bạn Lào.

Đường Trường Sơn huyền thoại (Ảnh: tư liệu)

Khi phát hiện ra tuyến đường vận tải chiến lược quan trọng này, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã kết hợp các lực lượng không quân, bộ binh với phương tiện chiến tranh hiện đại liên tục đánh phá. Các đơn vị vận tải bị kẹt lại, không qua được Đường 9.

Trước tình hình đó, trên cơ sở quan hệ truyền thống vốn có giữa hai dân tộc, yêu cầu khách quan cần gấp rút chi viện cho chiến trường miền Nam, Lào và Campuchia, hai Đảng, hai Chính phủ thống nhất mở thêm đường phía Tây Trường Sơn chạy trên đất Lào.

Từ tháng 4-1961, dưới sự giúp đỡ của các đơn vị tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều đợt hoạt động quân sự ở miền Trung và Hạ Lào, giải phóng một vùng rộng lớn từ Căm Cớt, Lắc Xao đến Mường Phìn, Sê Pôn, Bản Đông, nối đường 12 với Đường 9, nhanh chóng tạo thành một hành lang dài và rộng theo chiều Đông - Tây. Toàn bộ 6 mường của Lào ở Bắc và Nam Đường 9 được giải phóng.

Năm 1963, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục đưa quân bao vây, đồng thời đánh phá quyết liệt tuyến vận tải phía đông Trường Sơn. Trước tình hình đó, được sự lãnh đạo của hai Đảng, quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pa Thết Lào quyết định mở Chiến dịch 128 giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên Trung Lào có biên giới chung với Việt Nam dài trên 700km. Thắng lợi của Chiến dịch 128 đã tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển toàn bộ đường vận tải sang hướng Tây trên đất Lào.

Trong quá trình này, bộ đội tình nguyện, đoàn chuyên gia cố vấn Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thường xuyên phối hợp với quân khu Trung - Hạ Lào, Đảng bộ và chính quyền 7 tỉnh có đường Hồ Chí Minh xuyên qua tổ chức khảo sát địa hình, phối hợp mở đường và chiến đấu bảo vệ căn cứ và tuyến đường chiến lược, tổ chức đánh địch tại chỗ, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện để tuyến đường được mở rộng và phát triển.

Để có con đường chiến lược đi qua 17 mường (huyện) ở Trung và Nam Lào với hơn 20.000km, các chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong và nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào đã đổ bao mồ hôi, xương máu, của cải và hàng ngàn người đã ngã xuống để xây dựng, bảo vệ và vận chuyển hàng hóa, nhân lực phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ của hai nước Việt - Lào.

Trong 16 năm (1959-1975), Mỹ đã rải xuống các cánh rừng dọc tuyến đường hàng triệu tấn bom các loại, hàng ngàn tấn chất độc hóa học và nhiều thiết bị điện tử tinh vi nhằm phát hiện, ngăn chặn lực lượng vận tải chiến lược.

Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn sử dụng lực lượng lớn quân đội và vũ khí đánh vào các vùng thuộc hành lang của tuyến đường, quy mô lớn nhất là chiến dịch Lam Sơn 719 với 20.000 quân Sài Gòn cùng sự yểm trợ của 9.000 quân Mỹ, 2.000 máy bay các loại đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào. Riêng năm 1969, máy bay Mỹ đã đánh phá hàng ngàn trận vào 180 bản làng của đồng bào các dân tộc Lào dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, gây ra nhiều thiệt hại.

Bất chấp sự hủy diệt tàn bạo và những âm mưu thâm độc của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nhân dân các bộ tộc Lào đã hết lòng giúp đỡ bộ đội Việt Nam trong việc mở đường, bảo vệ tuyến đường và vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường. 

Không thể kể hết những tình cảm quý báu của nhân dân các bộ tộc Lào dành cho các chiến sĩ, cán bộ Việt Nam. Năm 1964, địch đánh phá ác liệt, thời tiết phức tạp khiến việc vận chuyển hàng hóa và dẫn quân của đoàn 559 trên tuyến tây Trường Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm đường bị tắc, khách qua tuyến dồn ứ hàng ngàn người ở các trạm giao liên gần một tháng. Việc đảm bảo lương thực, thực phẩm cho bộ đội trở thành vấn đề “nước sôi, lửa bỏng”.

Trước tình hình đó, chỉ huy Đoàn 559 cùng đoàn chuyên gia 763 ở Hạ Lào trực tiếp đề xuất với Tỉnh ủy Távên Oọc của Lào vận động nhân dân địa phương giúp đỡ. Với tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, nhân dân tỉnh Távên Oọc, đặc biệt là các huyện Cà Lươn, Xê Camản... nhanh chóng thu gom lúa, giã gạo phục vụ bộ đội Việt Nam. Tuy địa phương nghèo, nhân dân sống phân tán, nhưng chỉ trong vòng nửa tháng, bạn đã huy động được hơn 30 tấn lương thực, góp phần quan trọng giải quyết khó khăn cho Đoàn 559. 

Nhờ sự phối hợp liên minh này mà hàng hoá không còn bị ứ đọng trên tuyến Đường 9, vào chiến trường miền Nam và nước bạn thông suốt, kịp thời. Tuy nhiên, sức người có hạn, việc vận chuyển hàng hoá còn phải dựa vào voi, trâu, bò... Bà con dân tộc Đông - Tây Trường Sơn rất quý voi, coi voi là thần, là tượng trưng cho sự giàu có, danh giá. Làng nào có voi rất tự hào. Thế nhưng khi cách mạng cần, nhân dân cả Việt - Lào đều sẵn sàng hiến voi, đưa voi ra trận tuyến. 

Trong những năm ác liệt, gian khó đó, điều quý nhất ở bạn là tấm lòng chân thật, trong sáng, ngay thẳng, không nề vất vả, hy sinh và tuyệt đối tin tưởng vào cán bộ, bộ đội. Trong những năm tháng khó khăn hay trong những trận đánh ác liệt, nhiều bà mẹ, gia đình Lào trong khi cuộc sống còn rất thiếu thốn vẫn chắt chiu từng bát gạo để nuôi dưỡng thương binh, vượt qua bom đạn của địch đưa rau, gạo, thuốc men đến các binh trạm trên tuyến đường để trao tận tay cho các chiến sĩ Việt Nam.

Đáp lại lòng quý mến và đùm bọc của nhân dân Lào trên dọc tuyến đường Trường Sơn, các đơn vị bộ đội Việt Nam đã tích cực cùng với bộ đội PaThết Lào chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ nhân dân các bộ tộc Lào, giúp đồng bào tăng gia sản xuất, cứu đói cho dân khi gặp thiên tai, địch họa. 

Đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Nghệ An. Ảnh: TTXVN

Nhờ có con đường chiến lược Hồ Chí Minh, tính chung trong vòng 16 năm (1959-1975), tuyến giao thông vận tải quân sự Trường Sơn đã vận chuyển được 1.349.000 tấn hàng hóa, vũ khí, trong đó giao cho các chiến trường và cách mạng Lào, Campuchia hơn 583.000 tấn, 515 triệu m3 xăng dầu. Riêng 4 tháng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tuyến vận tải 559 qua đường Hồ Chí Minh đã chuyển vào miền Nam Việt Nam hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ, 230.000 tấn vật chất các loại, đưa sang Lào (1973-1975) trên 108.000 tấn hàng.

Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu, mối quan hệ thủy chung son sắt của hai dân tộc Việt - Lào trong trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc đổi mới,  nhân dân hai nước cũng sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau, cùng nhau viết tiếp trang sử mới trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và Lào trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tác giả: Nguyễn Văn Thanh

Bình luận

Đọc Báo mới