Không chỉ đón một lượng lớn du khách với trên 13 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa; ngành công nghiệp không khói này còn đóng góp nguồn doanh thu lớn nhất từ trước đến nay, qua đó, từng bước giúp khẳng định hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ vẻ đẹp tiềm ẩn của thiên nhiên, đất nước, con người, giờ đây, thương hiệu du lịch Việt Nam đang cạnh tranh với các nước trong khu vực, để phấn đấu trở thành quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển. Thành công đó đang tiếp tục được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng để du lịch tiếp tục bức phá trong năm 2018.
Dẫn chứng cho thành công của ngành du lịch trong năm 2017 có rất nhiều số liệu khác nhau. Tiêu biểu như: Việt Nam đứng thứ 6 trong tổng số 10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới 2017; Việt Nam lọt top 10 điểm có lượng du khách du lịch tăng nhanh nhất thế giới 2017... Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế về du lịch mà Việt Nam được trao tặng trong năm 2017. Điều đó cũng cho thấy, thương hiệu của du lịch Việt Nam đang ngày càng được định vị trên trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định: "Quá trình thu hút, tích lũy đầu tư của ngành du lịch trong nhiều năm qua đã mang đến nhiều năng lực mới về khả năng tiếp nhận và phục vụ du khách của ngành, đồng thời đã hình thành nên một số địa bàn du lịch trọng điểm. Đây là động lực chính cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam."
Đến hết năm 2017, ngành du lịch nước ta đón được khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Tổng doanh thu toàn ngành ước đạt trên 500.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Những con số vừa nêu được các chuyên gia đánh giá là một kỳ tích của du lịch Việt Nam. Kỳ tích này có được cũng là nhờ đẩy mạnh quảng bá du lịch, các tour tuyến điểm được chú trọng đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Saigon Tourist, cho rằng: "Mừng nhất là có rất nhiều doanh nghiệp đã đồng hành và tham gia vào quá trình phát triển du lịch, trong đó nhất là cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú rồi vui chơi giải trí. Chúng ta đều biết rằng, khi khách tăng, điều quan trọng nhất là các cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí phải đáp ứng mới thu hút khách từ tất cả các nước.".
Một trong những cú hích lớn cho du lịch Việt Nam là vào đầu tháng 1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngay sau đó, vào giữa tháng 6, Luật Du lịch 2017 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3. Bên cạnh đó, các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, sức hút của du lịch Việt Nam còn nhờ vào các chính sách visa ngày càng thông thoáng, việc áp dụng cấp thị thực điện tử cũng tạo thuận lợi và mở rộng cơ hội cho du khách quốc tế tiếp cận, tìm hiểu và lựa chọn điểm đến Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tuấn, cho biết thêm: "Chưa bao giờ ngành du lịch nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Quốc hội như trong thời gian vừa qua. Với việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời Bộ Chính trị đã Ban hành Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo không khí phấn khởi trong khắp cả nước, kích thích sự phát triển kinh tế, không chỉ của du lịch mà nhiều ngành kinh tế đi theo cũng phát triển rất mạnh mẽ. Có thể nói, du lịch trong năm 2017 đã phát triển nhanh và trở thành đầu tàu trong nền kinh tế Việt Nam.".
Năm 2017 cũng có thể xem là năm mà ngành du lịch các địa phương có sự chuyển động và bức phá mạnh mẽ. Mỗi tỉnh, thành đều có ý tưởng xây dựng những sản phẩm du lịch riêng, định hình sức hút của điểm đến với những thế mạnh riêng biệt. Trong guồng quay đó, ngành du lịch TPHCM cũng có một năm hoạt động mạnh mẽ, xây dựng được nhiều sản phẩm ấn tượng đối với du khách như cho ra đời Khu phố đi bộ Bùi Viện - Phạm Ngũ Lão - Đề Thám vào mỗi dịp cuối tuần; hình thành chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố “Hochiminh City Street Show”, Tuần lễ Thời trang và công nghệ, xây dựng tour du lịch khám chữa bệnh… Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho hay: "Tiếp tục từ những thành công của năm 2017, chúng tôi sẽ làm gia tăng và sâu sắc thêm các sản phẩm và lợi thế của TPHCM về du lịch MICE, du lịch có trách nhiệm gắn với phát triển nông thôn mới. TPHCM cũng là trung tâm mua sắm với quy mô lớn, do vậy chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công thương để làm nhiều đợt khuyến mãi, giúp du khách có thể chọn nhiều hàng hóa đa dạng từ trong và ngoài nước với giá cả hợp lý. Đặc biệt, những điểm đến, dịch vụ lưu trú đều sẽ cải thiện. Các bảo tàng của TP cũng sẽ được đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để giúp du khách có thể tham quan, tiếp cận thông tin một cách hấp dẫn và đầy đủ hơn".
Với mục tiêu, đến năm 2020, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, thì chỉ còn khoảng 2 năm nữa tính từ thời điểm hiện tại rõ ràng không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, với những gì đã làm được trong năm 2017, du lịch Việt Nam vẫn có thể tự tin vào sức hút của mình trong năm 2018, để tiếp tục duy trì những con số tăng trưởng ấn tượng như trong thời gian vừa qua.