Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Đình Bình Đông, tọa lạc trên một cù lao, cách đầu cầu Bà Tàng khoảng 300 mét, thuộc trục đường Phạm Thế Hiển, Quận 8 là địa chỉ quen thuộc của cả du khách và người dân địa phương khi đến cầu bình an, may mắn và tài lộc.
Nơi đây còn được biết với dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc, là địa điểm hoạt động của Công hội bí mật Sài Gòn - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập vào năm 1920.
Đã 4 đời gia đình ông Nguyễn Văn Tánh gắn bó với Đình Bình Đông, với những diễn biến lịch sử nơi đây, tham gia tôn tạo, bảo tồn và giữ gìn những giá trị về lịch sử văn hóa; đồng thời, phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước. Phóng viên VOH có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tánh, Thư ký Hội quý tế Đình Bình Đông về tình cảm của người dân địa phương gắn bó với ngôi đền, với Nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
*VOH: Chào ông, ông hãy chia sẻ sơ lược về lịch sử ra đời của Đình Bình Đông này?
Ông Nguyễn Văn Tánh: Dân tộc Việt Nam mình, khi nào lập làng là thường có cái đình. Từ năm 1802 đến năm 1818, thì đã có tên trong danh sách của ông Trịnh Hoài Đức vẽ bản đồ, để tên là thôn Bình Đông, thì từ đó cũng có Đình Bình Đông. Tuy nhiên, tài liệu về sự việc này đã bị mất hết rồi. Do đó, mình lấy mốc là, khi vua Tự Đức lên ngôi, mới phong vào trong Đình này một sắc thần đến nay vẫn còn đang giữ, đó là Thần thành hoàng bổn cảnh trấn thủ làng Bình Đông năm 1852. Nhưng mà phải có cái Đình trước mới có sắc phong này. Nên giờ lấy mốc thời gian có Đình Bình Đông này là từ năm 1852 đến giờ là trên dưới 200 năm.
*VOH: Thưa ông, Nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã gắn bó với Đình Bình Đông trong một thời gian dài hoạt động cách mạng, đến nay đền thờ Bác Tôn vẫn được giữ trang trọng nơi đây, điều này càng tôn thêm giá trị, bản sắc riêng của Đình. Ông chia sẻ thêm về điều này cũng như việc nâng cấp đền thành di tích lịch sử cấp quốc gia?
Ông Nguyễn Văn Tánh: Năm 1919, nước Nga có Đảng Bônsêvích đã lật đổ Sa Hoàng. Người Pháp dùng chiếc hạm tấn công nước Nga mới. Bác Tôn là một lính thợ trên chiếc hạm đó, tiến vào Hắc hải để đánh nước Nga. Bác là người Việt Nam duy nhất đứng trên chiếc hạm đó kéo lá cờ đỏ để phản đối sự đàn áp của đế quốc Pháp và ủng hộ Cách mạng Nga, cũng như ủng hộ giai cấp công – nông đầu tiên trên thế giới. Vì thế, người Pháp không dùng Bác nữa, trả Bác về Việt Nam.
Ở Việt Nam năm 1920 có rất nhiều nhà cách mạng, nhiều phong trào cách mạng nhưng hoạt động riêng lẻ. Vì thế, Bác mới bí mật thành lập Công hội đỏ để chống Pháp và truyền đạt chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Đình Bình Đông chính là nơi Bác Tôn chọn làm địa điểm hội họp của Công hội đỏ. Bởi Đình nằm trên cù lao Rạch Bà Tàng, xung quanh là song nước, không có dân chúng ở. Nhưng địa thế nơi đây giống như một tâm điểm của vòng tròn. Nếu đi về hướng Đông, thì chúng ta sẽ gặp rừng sát Cần Giuộc, Gò Công, Cần Giờ; Nếu đi về hướng Tây sẽ gặp Bình Chánh, Long An; Đi về hướng Bắc sẽ gặp rất nhiều nhà máy như: nhà máy đèn Chợ Quán, nhà máy gạo Bình Tây, nhà máy rượu Bình Tây; Nếu đi về miền Nam, đặc biệt có khu hố bần, hố sâu xe vào không được, bần mọc chằng chịch tàu cũng không vô được. Do đó, đây trở thành căn cứ vô cùng bí mật và an toàn cho các nhà cách mạng; không chỉ thế, địa hình này còn giúp cho việc giao liên của cách mạng ta rất tiện lợi và nhanh chóng. Vấn đề thứ hai là, Đình Bình Đông là nơi thờ cúng dân gian, người Pháp rất hạn chế việc lui tới. Nên tài liệu, báo chí được giữ gìn rất an toàn. Và cũng chính vì đây là nơi thờ cúng dân gian, nên những nhà cách mạng đã thoát ly gia đình, vẫn có thể gặp gỡ thăm hỏi được người thân quan các hình thức cải trang, từ đó có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Đến năm 1927 Bác trở ra thành phố sau đó bị bắt, với án tù khổ sai 30 năm, đài ra Côn Đảo. Nhưng đến năm 1946, khi miền Bắc được giải phóng, Bác Tôn được rước ra Bắc.
Đến lúc Bác Tôn mất thì chúng tôi tự làm bán thờ. Vì ông cha của chúng tôi biết Bác. Theo lương tâm tôi, trọn đời tôi thờ Bác như thờ thần. Bàn thờ bây giờ được đặt trong nhà sách của Đình. Ông Ka Him và Dương Quang Đông khi đi cách mạng về có ghé thăm đình và đã làm hồ sơ nâng cấp nơi đây trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1997.
*VOH: Sau khoảng 200 năm tồn tại, trãi qua sự tàn phá của chiến tranh, biến đổi của khí hậu, thời tiết, dòng chảy…Đình Bình Đông có đang giữ được kiến trúc như xưa không?
Ông Nguyễn Văn Tánh: Cái Đình này ngày xưa là mái lá, vách ván, nền đất. Đến thời ông sơ Tôi thì nhân dân lợp lại mái ngói, vách ván, nền gạch tàu; Sau nữa là đến mái ngói âm dương, vách ván, cũng nền gạch tàu. Đến năm 1968, Mỹ bỏ bom trúng vào đình, hư hỏng hoàn toàn. Mãi đến năm 1992 Đình Bình Đông mới tiến hành bê tông hóa lại đình, nhưng kết cấu và kiến trúc Đình vẫn được giữ nguyên theo kiến trúc ban đầu. Chẳng hạn như bước vào đình, quan tấm bình phong sẽ đến nhà võ ca, tiếp đến là lối dẫn vào chính điện. Trên lối vào chánh điện sẽ có hai cột trụ khắc rồng, gọi là long trụ, thể hiện truyền thống con rồng cháu tiên. Giờ chỉ còn lại tấm hoành, tấm phi là của những năm 1800, còn lại hầu như đã được trùng tu mới.
Nhưng bây giờ chúng tôi cũng đang lo lắm, ngày xưa đâu ngồi được như bây giờ, nước ngập phải ngồi trên bộ ván không hà. Từ năm 2000, tôi cùng với ban trị sự mới nghĩ ra cách, nâng nền thì nâng không được, phải được sự cho phép của Quận, Tỉnh, Bộ; nên chúng tôi mới nghĩ ra việc làm bờ bao, bờ bao 2 lớp, cao 2 mét nhưng giờ nước vẫn xì vô, mực nước bên ngoài đã cao xấp xỉ còn 2 tất nữa là ngập vô đình. Nhưng cù lao này rộng đến 3.000 m2 mà, ai mà đắp được.
*VOH: Cảm ơn ông Nguyễn Văn Tánh về cuộc trao đổi vừa rồi. Hy vọng rằng Đình Bình Đông sẽ được bảo tồn tốt hơn cùng với những dấu ấn lịch sử nơi đây, giáo dục thêm lòng yêu nước của người dân Việt Nam nói chung và người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Huệ Như