Tính đến ngày 26/7, cả nước đã có gần 60.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 bệnh nhân tử vong. TPHCM cũng là địa phương mà số mắc tăng từng ngày nhưng cộng đồng vẫn còn chủ quan, lơ là. Quận Bình Tân và huyện Bình Chánh đang có số mắc số xuất huyết dẫn đầu của toàn Thành phố.
Lý giải cho số mắc quá cao, ngoài nguyên nhân khách quan do vị trí, điều kiện môi trường, hạ tầng cơ sở, còn có tập quán sinh sống, thói quen sinh hoạt của rất nhiều hộ tại đây vô tình “tiếp tay” cho dịch bệnh bùng phát nhưng người dân thì hoàn toàn không biết điều đó.
Ảnh minh họa: hoanhap
Tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, có một điểm chuyên gom bồn nước cũ, vỏ xe cũ nhưng trong các bồn có nhiều nước đọng và lăng quăng, nơi đây cũng đã từng bị lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng vì vi phạm trong phòng chống sốt xuất huyết, thế nhưng, đến nay, sau khi kiểm tra lại thì bà Phạm Thị Búp đang sống tại đây không phân biệt được sốt xuất huyết và sốt rét, thậm chí bà còn lầm tưởng lăng quăng gây sốt rét: “Tôi đã biết đậy kín nhưng đâu biết lăng quăng gây sốt rét, cứ nghĩ như vậy là đậy rất kín rồi”.
Không chỉ hiểu biết không chính xác, nghĩ bệnh ở đâu không đến với gia đình, nhà ông Thái Văn Hai, ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh có cháu ruột vừa mới mắc sốt xuất huyết, ông bức xúc than phiền miếng đất trống cạnh nhà bỏ hoang cả chục năm, tạo thành điểm có rất nhiều muỗi gây bệnh: “Làm sao nói chủ đất bên đó phát quang, chứ bên tôi giữ được, nhưng bên đó thì rắn rít bò qua nhà tôi, cháu ngoại cháu nội đông lắm, tụi nó thường chơi ở đây nên phải rào hàng rào. Tôi biết muỗi vằn, tôi cũng đã xịt, phun thuốc cả sáng và chiều tối”.
Tuy nhiên, với những gì ông Hai nói thì theo quan sát của chúng tôi ngoài miếng đất trống bỏ hoang thì xung quanh nhà ông điều kiện vệ sinh môi trường sống cũng chưa tốt, nhiều rác, tại đây nuôi rất nhiều gia cầm gây mất vệ sinh.
Tại một hộ gia đình mặt tiền Quốc lộ 50, thuộc tổ 7, ấp 4, xã Phong Phú, trong gia đình có hai dì cháu đều mắc bệnh. Cha của bé cho biết, bé 11 tuổi vừa xuất viện từ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP về và cho đến sau khi đã mắc sốt xuất huyết, thì gia đình mới giăng mùng cho bé ngủ trưa: “Vừa tái khám xong chưa siêu âm là nó nói chóng mặt rồi ngã liền tôi ẳm đưa vô cấp cứu, rồi nhập viện luôn. Trước khi bị thì dì út nó cũng bị, mẹ nó mới nuôi dì út xong về nó bị”.
Theo quan sát của chúng tôi, chính môi trường và thói quen, tập quán sống của người dân là điều kiện thuận lợi cho sốt xuất huyết cứ dai dẳng mà không hồi kết. Chỉ riêng hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã có 157 điểm nguy cơ và 30 ổ dịch, xã Vĩnh Lộc B số mắc sốt xuất huyết tăng trên 110% so với cùng kì. Riêng tại xã Phong Phú thì điểm nguy cơ cũng còn đến 33 điểm có thể phát sinh muỗi gây sốt xuất huyết. Trưởng trạm y tế xã Phong Phú, bác sĩ Nguyễn Thị Chắng lo ngại khi người dân vẫn chưa thay đổi hành vi trong phòng chống dịch bệnh: “Biến động dân nhập cư đông từ các quận, huyện chuyển ca bệnh về nên số bệnh tăng. Người dân vẫn chưa thay đổi hành vi dù có nghe báo đài cũng như truyền thông. Người dân chưa tự tổng vệ sinh môi trường cũng như diệt lăng quăng phòng chống dịch”.
Là huyện ngoại thành dân đông nhất, bác sĩ Lại Phước Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh, nêu khó khăn : “Người dân ở được 5 tháng thì đi mất, nên cũng rất hạn chế mà anh em truyền thông mới thấy vì khi tới chỗ mà phát sinh dịch bệnh thì người đó đã đi mất nên truyền thông cũng không hiệu quả . Riêng xử lí theo nghị định 176 có làm nhưng cũng ở mức độ còn rất hạn chế”.
Qua ghi nhận thực tế tại các quận, huyện số trường hợp mắc sốt xuất huyết thuộc nhóm đầu của Thành Phố cho thấy còn rất nhiều vấn đề phải nói từ ý thức của cộng đồng. Người dân thì vẫn chưa quan tâm đến phòng bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP quan ngại: “Về phía địa phương cũng phải nhắc các hộ gia đình trong khu phố nếu phun không được thì trong nhà cũng phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, không đợi y tế. Nhưng tui thấy cũng có nhiều người dân khi hỏi thì nói muỗi nhiều lắm nhưng khi đưa lăng quăng cho họ thì họ không hiểu vì sao phát sinh”
Tính đến ngày 25/7, trên toàn Thành phố đã có hơn 10.900 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gần 20% so với cùng kì. Tình hình dịch sẽ còn phức tạp, số mắc ngày càng tăng thế nhưng cộng đồng vẫn còn quá thờ ơ, lơ là trong phòng chống dịch. Nếu ý thức người dân vẫn chưa có sự thay đổi thì thật sự, mùa dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ rất khó lường.